Nhật Bản là một trong những nước cuối cùng tháo gỡ lệnh bắt buộc đeo khẩu trang. Nhưng nhiều người vẫn miễn cưỡng bước ra ngoài nếu không có gì đó che mặt, họ không sợ virus mà sợ mình đã quên mất cách cười. Trên khắp đất nước, nhiều người đang tập mỉm cười trở lại vì sợ rằng nụ cười của mình có thể trông giả tạo, khó gần.
Nhờ đó, các buổi hội thảo “thực hành nụ cười” đã trở thành một cơn sốt ở Nhật Bản – mọi người từ già đến trẻ đều tích cực tham gia các buổi hướng dẫn cách mỉm cười trong thời kỳ bình thường mới.
Khoảng 6 năm trước, Keiko Kawano, một người dẫn chương trình phát thanh kiêm giáo viên dạy cười nhận thấy sau khi cô ngừng luyện nói một thời gian, nụ cười của cô bỗng gượng gạo, mất đi nét tự nhiên vốn có. Có lúc cô phải cố gắng ép cơ mặt để gượng cười.
Vì thế, Kawano quyết định tìm hiểu cách cơ mặt hoạt động. Sau khi sử dụng kiến thức học được để cười tươi tắn hơn, cô bắt đầu hướng dẫn người khác với khẩu hiệu “Cười nhiều để hạnh phúc hơn”. Kawano bắt đầu dạy cười vào năm 2017, khi đó cô là một huấn luyện viên hướng dẫn những quy tắc ứng xử trong kinh doanh. Đến nay, Kawano đã điều chỉnh khoá học của mình sao cho phù hợp với bối cảnh hậu Covid.
Chương trình của cô được áp dụng trong các buổi học trực tuyến hoặc trực tiếp. Phương pháp giảng dạy đều dựa trên yoga để tăng sức mạnh cho cơ gò má, giúp cơ miệng linh hoạt hơn. Cô cũng tin rằng các cơ dưới mắt, chuyển động lông mày và những nếp nhăn trên trán cũng khiến nụ cười trông thật hơn.
Kể cả khi vẫn đeo khẩu trang thì vẫn có cách để khiến đối phương nhận ra nụ cười của bạn, bí quyết mà Kawano thường dạy cho học viên đó là nâng cơ mắt. Theo Miki Okamoto, đại diện của tập đoàn IBM Nhật Bản, những buổi học của Kawano luôn nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt.
Sau nhiều giờ dạy ở phòng gym, cô sẽ đi đến các viện dưỡng lão cũng như các văn phòng của công ty để dạy cười với hy vọng những nụ cười tươi tắn sẽ giúp mọi người thành công trong công việc và hôn nhân.
Trước đại dịch, Kawano đã tổ chức những buổi hướng dẫn cười cho các nhân viên tại tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM Nhật Bản. Sau đó, đại dịch Covid bùng phát làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của cô bởi mọi người phải đeo khẩu trang, nụ cười không còn cần thiết nữa.
Nhu cầu tham gia khóa học của Kawano tăng vọt kể từ tháng 2 năm nay, khi chính phủ tuyên bố nới lỏng quy định đeo khẩu trang.
Được biết tại tỉnh Kanagawa ở phía nam Tokyo, có 40 người cao tuổi đã tham gia buổi học 90 phút của Kawano vào tháng 10 năm ngoái. Nhiều người trong số đó nhận thấy buổi học đã giúp cải thiện nụ cười của họ. Ngoài ra, địa phương cũng lên kế hoạch tổ chức các buổi học tương tự cho những bà mẹ có con nhỏ nhằm mục đích giúp họ nở nụ cười dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
Kawano cũng mở khoá đào tạo cấp chứng chỉ cho những ai muốn dạy cười với mức giá 80.000 yên (13,6 triệu VNĐ). Đến nay, cô đã đào tạo ít nhất 4.000 người cách mỉm cười, đồng thời giúp hơn 700 người trở thành “chuyên gia nụ cười”. Một trong những người được cấp chứng chỉ, Rieko Mae, 61 tuổi luôn nói với những người tham gia khóa học của bà rằng luyện tập cười cũng quan trọng kể cả đối với người hay cười.
Không chỉ riêng các lớp của Kawano, ở Nhật Bản cũng có rất nhiều lớp học dạy cười khác, thường dành cho nhân viên kinh doanh hay bán lẻ. Nhưng trong bối cảnh xã hội Nhật Bản, thì nụ cười không quan trọng bằng cử chỉ cúi đầu. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ nữ Nhật Bản có thói quen che miệng khi ăn hoặc cười.
Theo Masami Yamaguchi, nhà tâm lý học tại đại học Chuo University, nụ cười có thể giúp mọi người cải thiện nét mặt, xây dựng sự tự tin và tạo nên những cảm giác tích cực cho não bộ.
Giáo sư Hanein, người điều hành một phòng thí nghiệm kỹ thuật thần kinh tại Đại học Tel Aviv ở Israel nhận định: “Cơ mặt có thể được rèn luyện giống như các cơ khác, mặc dù việc luyện tập như vậy có thể khó khăn do sự khác biệt lớn giữa các cá nhân”, nhưng cô cũng cảnh báo thêm rằng có một vấn đề với một nụ cười “luyện tập”, đó là người khác vẫn có thể xác định rằng bạn đang gượng cười.
Theo tờ First Post, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra việc đeo khẩu trang trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến cơ mặt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn