Thời gian qua, dư luận xôn xao về trường hợp một nhóm phụ nữ đã ra tay sát hại 2 người đàn ông rồi đổ bê tông để phi tang xác xảy ra ở tỉnh Bình Dương. So sánh tương quan với tội phạm nam giới, tội phạm nữ giới chiếm tỉ lệ nhỏ hơn. Tuy nhiên, đã xảy ra không ít vụ án do phụ nữ là thủ phạ với mức độ lạnh lùng, tàn ác trong cách thực hiện hành vi phạm tội khiến nhiều người phải rùng mình. Nhiều chuyên gia về tội phạm, các điều tra viên cũng đã lên tiếng để phân tích, cảnh báo và đưa ra những lý giải cụ thể về nguyên nhân nữ giới phạm tội cũng như cách phòng ngừa.
Trung tá Đào Trung Hiếu, nguyên là điều tra viên dày dặn kinh nghiệm của phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố Hà Nội, chuyên gia tội phạm học đã chia sẻ với PV Phụ nữ Việt Nam xung quanh câu chuyện này.
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, tội phạm nữ so sánh tương quan với tội phạm nam thì luôn chiếm một tỉ lệ nhỏ hơn, xuất phát từ đặc điểm giới tính. Tuy nhiên, nhiều vụ án rúng động, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội thì hung thủ lại là phụ nữ. Điều đó khiến dư luận không khỏi lo ngại cũng như tìm cách lý giải về sự bất thường đó.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, trong những năm gần đây thì tỉ lệ nữ giới phạm tội đang có sự gia tăng cùng với sự gia tăng của tình trạng phạm tội nói chung. Các nhóm tội do nữ giới thực hiện chủ yếu liên quan đến tội phạm xâm hại, lừa đảo, tranh chấp tài sản, mua bán người hoặc những tội phạm xâm phạm nhân thân và một số nhóm phạm tội khác, thậm chí là tội phạm liên quan đến bạo lực như giết nguời, cố ý gây thương tích…
Các nhóm tội liên quan đến bạo lực thì trong những năm vừa qua cũng đã ghi nhận một số vụ án nữ giới giết người với đối tượng chủ yếu là người thân của mình.
“Chúng ta có thể nhớ lại cách đây 11 năm vụ án cô giáo Nguyễn Thị Thuận giết cả nhà chồng bằng xăng, hay vụ án giết chồng chặt đầu ở Bình Phước năm 2017 rất rùng rợn”, chuyên gia Đào Trung Hiếu dẫn chứng.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới các vụ án bạo lực liên quan đến phụ nữ, Trung tá Đào Trung Hiếu đưa ra các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, sự xuống dốc của đạo đức xã hội, băng hoại nhiều giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong thời buổi lối sống thực dụng, vị kỷ lên ngôi, con người ta chạy theo giá trị vật chất, đề cao cái tôi cá nhân. Thứ hai, sự lỏng lẻo trong nếp sống của gia đình Việt, đơn cử là có sự đi xuống, lỏng lẻo trong các mối quan hệ gia đình hiện nay. Lối sống hiện đại ít sự quan tâm đến nhau, sự phát triển của công nghệ đã hạn chế những tiếp xúc, giao tiếp trực tiếp với nhau giữa vợ chồng, con cái, anh em, thay vào đó là thế giới ảo dẫn đến sự cố kết trong gia đình không còn như trước. Cùng với một loạt những định kiến về ngoại hình, kinh tế, tác động trực tiếp đến quan hệ gia đình. Dẫn đến khi trong gia đình các thành viên phát sinh mâu thuẫn thì rất dễ tìm đến những phương án bạo lực.
Rất nhiều vụ án liên quan đến mối quan hệ trong gia đình do cái tình không còn như trước nữa nên để bảo vệ cái tôi, cái lợi ích cá nhân dẫn đến các hành động máu lạnh với nhau. Từ đó giải mã được nguyên do phụ nữ phạm tội với người thân của mình.
Thứ ba, hiện tượng ngoại tình, đã ghi nhận những trường hợp phụ nữ cấu kết với người tình để giết chồng, ví dụ như vụ vợ đốt, giết nhà báo Hoàng Hùng trong miền Nam cách đây gần chục năm cùng rất nhiều vụ án khác là minh chứng cho điều đó.
Chuyên gia Đào Trung Hiếu cũng cho rằng, chính sự xuống cấp về văn hóa, về đạo đức xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ án mạng nói chung và các vụ án mạng do phụ nữ thực hiện nói riêng.
Dù phụ nữ Việt Nam vốn hiền lành, nhẫn nhịn nhưng hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin nên ít nhiều bị ảnh hưởng của những nền văn hóa khác, đặc biệt với thế hệ phụ nữ trẻ, các bạn rất ý thức về quyền cá nhân, cái tôi, nhận thức về sự bình đẳng, giải phóng bản thân, thậm chí nhiều trường hợp muốn nổi loạn, muốn thoát khỏi định kiến truyền thống.
“Nên khi gặp phải những vấn đề trong cuộc sống, nhóm người này muốn làm cái gì đó thể hiện ra bản thân mình, tự quyết định cuộc sống của mình. Nhìn lại các nhóm phụ nữ này có thể dễ phát hiện, đặc biệt là các vụ đánh nhau ở bậc THPT chủ yếu là các nhóm nữ sinh, có cảm giác nam tính hóa”, chuyên gia Đào Trung Hiếu phân tích.
Chính vì thế, theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, để hạn chế tội phạm nói chung và nữ tội phạm nói riêng thì cần phải ngăn ngừa từ trong mỗi gia đình. Từ trong mỗi gia đình phải xây dựng được nếp sống văn hóa của từng gia đình, phải gắn bó, cố kết tình cảm trên dưới, giữa vợ với chồng, giữa bố mẹ và con cái. Hãy yêu thương và đối xử tình người với ngay từ những người thân của mình.