Theo đó, dân mạng tỏ ra bất ngờ và khó hiểu với hình ảnh một số nhân viên của khu di tích đang “tưới nước” lên mặt đất, mà phần đất này lại thuộc một hố di tích tìm thấy binh đoàn đất nung đang được bảo tồn nghiêm ngặt.
Nhiều người đưa ra câu hỏi: Tại sao lại tưới nước lên đất? Không sợ ảnh hưởng đến di tích và những pho tượng đất nung quý giá sao?
Phóng viên đã liên lạc với ông Mã - Giám đốc Bộ phận Quản lý di vật của Bảo tàng Lăng mộ Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Theo đó, ông nói rằng nội dung của video là đúng sự thật, nhưng mục đích chính của việc tưới nước lên mặt đất trong khu di tích là để ngăn chặn bụi bay, tránh bụi ảnh hưởng đến công việc bình thường của nhân viên và gây thiệt hại cho các pho tượng binh mã đã được khai quật.
Từ đoạn video lan truyền trên mạng có thể thấy, khu vực tưới nước là bên cạnh nơi bảo tồn tượng binh mã nhà Tần đã khai quật. Phần đất này thuộc bề mặt của khu vực chưa được khai quật. Vài nhân viên công tác cầm bình nước thường dùng để tưới rau tưới nước lên mặt đất, trong khi trên lối đi dành cho du khách tham quan đang có rất nhiều người. Do đó họ đã bắt trọn cảnh tượng được cho là khó hiểu này.
Giám đốc Mã nói với các phóng viên rằng, khu vực được tưới nước trong video là nơi làm việc, chủ yếu là sửa chữa, phục chế và nghiên cứu khoa học, nhiều người đi qua đi lại mỗi ngày.
“Nếu không vấy nước lên mặt đất của khu vực làm việc, thời gian dài mặt đất sẽ khô cằn nứt nẻ, từ đó tạo ra rất nhiều bụi. Cộng thêm việc nhân viên đi qua đi lại giẫm đạp, đất khô càng dễ sinh bụi, không thuận tiện cho quá trình làm việc và khách du lịch tham quan, đồng thời cũng gây thiệt hại lớn cho tượng đất nung, đặc biệt là đồ gốm sơn đã được khai quật lên khỏi mặt đất. Mục đích của việc tưới nước chủ yếu là để chống bụi, giữ cho mặt đất có độ ẩm nhất định và luôn trong trạng thái dính chặt, không dễ dàng để cho bụi bay lên”.
Được biết, các pho tượng binh mã không chỉ được thiêu kết (quá trình nén vật liệu để tạo thành một khối rắn bằng nhiệt hoặc áp suất), còn có công đoạn phủ bùn và sơn, thêm nhiều loại sắc tố khoáng chất, đây cũng là nguyên nhân lớp bên ngoài của tượng đất nung và đồ gốm trong khu di tích bị bong tróc. Sau khi được đưa lên mặt đất, tượng đất nung và đồ gốm sẽ bị oxi hóa và thoát hơi nước gây ra hiện tượng loang lỗ trên bề mặt. Do đó, bên trong hầm binh mã vẫn có yêu cầu duy trì độ ẩm.
Hầm binh mã là phòng trưng bày hoàn toàn khép kín, được kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ, đương nhiên dòng người tham quan cũng có quy định hạn chế rõ ràng, nếu không dễ mất kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí.
Đồng thời, ông Mã chia sẻ thêm phía dưới phần đất của khu vực làm việc này cũng chôn lấp rất nhiều tượng binh mã đất nung chưa khai quật. Có cư dân mạng lo lắng việc tưới nước sẽ gây thiệt hại cho phần binh mã dưới lòng đất này.
Về vấn đề này, giám đốc Mã trả lời, độ ẩm trong đất sẽ liên tục di chuyển lên và bốc hơi, nhờ đó lớp trên cùng của phần đất luôn ở trạng thái “thả lỏng”, tưới nước có thể đảm bảo độ ẩm nhất định ở lớp bề mặt, do đó đóng vai trò bảo vệ binh mã dưới lòng đất.
Phóng viên tìm hiểu từ cuộc phỏng vấn với giám đốc Mã mới biết được rằng chu kỳ tưới nước và lượng nước sử dụng không có quy định cụ thể, cần phải thay đổi dựa vào thời tiết, độ ẩm trong không khí và nhiều yếu tố khác, từ đó chuyên gia trong di tích mới đưa ra thông báo cần phải tưới bao nhiêu nước và thời gian tiến hành.
Giám đốc Mã cho biết, nhân viên tưới nước cho mặt đất ở khu di tích binh đoàn đất nung Tần Thủy Hoàng cũng đã được nhiều năm, hơn nữa họ có nhiều kinh nghiệm và sở hữu vốn kiến thức khoa học cần thiết, chỉ là gần đây bị cư dân mạng chụp được nên mới thu hút sự chú ý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn