Mỗi năm, cứ vào thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2 dương lịch, hàng tỷ người trên thế giới sẽ hân hoan đón Tết âm lịch (hay Tết Nguyên đán theo cách gọi ở Việt Nam). Dù mang cái tên khác nhau và đôi khi đón năm mới ở những thời điểm lệch nhau 1 ngày, Tết của cộng đồng người châu Á luôn dựa vào lịch âm.
Sở dĩ lịch âm và lịch dương không thể trùng nhau là do có cách xác định và cách tính ngày cũng khác nhau.
Trước hết, lịch âm dựa vào Mặt trăng để chia tháng, mỗi tuần trăng là 1 tháng và ngày bắt đầu là ngày có thời điểm "sóc" - tức khi Mặt trăng quay nửa tối về phía Trái đất. Mỗi tuần trăng dài 29,53 ngày, vậy nên để dễ tính, người ta quy ước mỗi tháng âm lịch có 29 hoặc 30 ngày. Tháng âm có 30 ngày là "tháng đủ" và tháng có 29 ngày là "tháng thiếu".
Nhưng chưa hết. Do chỉ tính dựa vào tuần trăng, nên một năm âm lịch nếu chỉ 12 tháng sẽ dài 354,36 ngày, còn kém năm dương lịch khoảng 10 ngày. Để 2 lịch không bị lệch nhau quá nhiều qua thời gian, người ta tiếp tục sử dụng phương pháp "tháng nhuận", tức cứ 2 hoặc 3 năm một lần, sẽ có một năm âm lịch dài 13 tuần trăng. Năm âm lịch nhuận sẽ có tới 384-385 ngày.
Từ đây nảy ra một câu hỏi. Nếu năm âm lịch và dương lịch cứ tiếp tục "đuổi chạy", khi thì 12 tháng, khi lại 13 tháng, vậy có khả năng 2 lịch này trùng nhau ngày đầu năm mới không?
Câu trả lời lại là không, bởi ngay thời điểm bắt đầu năm trong 2 lịch cũng đã không thể trùng nhau.
Lý do là bởi, dương lịch được "thiết kế" hoàn toàn dựa vào chuyển động của Trái đất xung quanh Mặt trời, tức là luôn cố định ở mức 365,25 ngày mỗi năm. Và bởi chỉ dựa vào chuyển động của Trái đất quanh Mặt trời, 2 điểm quan trọng trên lịch là Hạ chí và Đông chí (2 ngày Trái đất xa Mặt trời nhất) luôn có độ chính xác rất cao trong lịch dương.
Do hoàn cảnh lịch sử, trong lịch Gregory hay được quen gọi là dương lịch, ngày Đông chí rơi vào 21 hoặc 22 tháng 12. Chỉ 9-10 ngày sau khi kết thúc Đông chí, năm mới dương lịch đã điểm và sẽ luôn như vậy.
Quay lại với lịch âm, dù sử dụng chu kỳ Mặt trăng, nhưng để phù hợp với tính toán mùa màng phục vụ nông nghiệp, các nhà làm lịch ở phương Đông xưa kia tính toán cả chu kỳ quay quanh Mặt trời để áp dụng khái niệm "tiết khí" dựa vào Đông chí và Hạ chí. Mỗi năm có 24 tiết khí, tương đương loại thời tiết điển hình thời điểm đó.
Tuy nhiên, Đông chí luôn luôn nằm vào tháng 11 âm, tức là phải có thêm 1 điểm sóc hay hơn 1 tuần trăng nữa mới tới Tết Nguyên Đán (bản thân Tết Nguyên Đán cũng là 1 điểm sóc). Khoảng thời gian này rõ ràng dài hơn nhiều so với 9-10 ngày của Tết dương.
Tết Nguyên Đán không nhất thiết phải trùng vào Tiết lập xuân, mà có thể nằm vào Tiết đại hàn. Ví dụ như năm nay Tết Nguyên Đán rơi đúng ngày 22/1 âm lịch, cách ngày bắt đầu đại hàn (20/1) đúng 2 ngày, là rất sớm so với trung bình.
Nhìn chung, không có khả năng năm mới dương lịch và âm lịch sẽ trùng nhau và lịch sử cũng chưa ghi nhận năm nào như vậy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn