Vì sao Tòa án Pháp bác bỏ vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga?

19:09 | 10/05/2021;
Ngày 10/5, với lý do không đủ thẩm quyền, Tòa đại hình Evry (ngoại ô Paris, Pháp) đã bác bỏ vụ kiện lịch sử của bà Trần Tố Nga với 14 công ty hóa chất đã cung cấp chất độc da cam cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Phán quyết bất lợi cho nạn nhân da cam

Tòa án Evry phán quyết rằng họ không có thẩm quyền xét xử vụ án liên quan các hành động thời chiến của chính phủ Mỹ. Do đó, tòa bác đơn kiện của bà Trần Tố Nga đối với 14 công ty sản xuất hoặc buôn bán chất độc da cam, gồm Monsanto, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Đức Bayer và Dow Chemical.

Phán quyết của Tòa án Evry có lợi cho 14 công ty hóa chất khi cho rằng các công ty "có đủ cơ sở để sử dụng quyền miễn trừ". Tòa án nói rằng các công ty hành động "theo lệnh" của chính phủ Mỹ. 

Luật sư của Công ty Monsanto, ông Jean-Daniel Bretzner, từng lập luận rằng một tòa án Pháp không đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia nước ngoài có chủ quyền trong khuôn khổ "chính sách phòng vệ" trong thời gian chiến tranh.

Đây là một phán quyết bất lợi đối với vụ kiện của bà Nga và nhóm luật sư. Tuy nhiên, bà Nga và các luật sư sẽ tiếp tục kháng án và tiếp tục đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam.

Trần Tố Nga - da cam

Bà Trần Tố Nga đi đầu một cuộc tuần hành đòi công lý cho nạn nhân da cam

Bà Trần Tố Nga (79 tuổi) từng là nhà báo và là nhà hoạt động cách đây gần 60 năm. Bà mang hai quốc tịch Pháp - Việt và chịu đựng nhiều căn bệnh do hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Các xét nghiệm y tế cho thấy nồng độ dioxin trong máu bà cao hơn tiêu chuẩn quy định. Bà bị tiểu đường tuýp 2 và dị ứng insulin hiếm, hậu quả của nhiễm độc. Bà cũng mắc bệnh lao hai lần, bị ung thư. 

Khi bị phơi nhiễm năm 1966, bà Tố Nga không hề hay biết về tác hại chết người của chất độc mà bà bị phơi nhiễm, cũng như việc độc tố sẽ truyền sang các thế hệ sau, bởi chúng không có triệu chứng ngay lập tức. Tuy nhiên, khi bà sinh đứa con đầu lòng năm 1969, bé gái chỉ sống được 17 tháng và đã qua đời do các vấn đề về hô hấp và bong tróc da. Hai người con gái khác của bà vẫn còn sống nhưng tình trạng sức khỏe rất tồi tệ, trong khi một cháu gái của bà bị bệnh tim.

10 năm gian khổ theo đuổi vụ kiện

Từ năm 2009 đến 2013, bà chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu chứng minh mình thực sự là một nạn nhân da cam để có thể khởi kiện theo luật pháp ở Pháp.

Tháng 5/2013, Tòa đại hình Evry chấp thuận đơn kiện 26 công ty hóa chất Mỹ của bà. Tháng 4/2014, tòa mở phiên đầu tiên yêu cầu 19 công ty hóa chất Mỹ từng sản xuất chất hóa học sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có mặt (do nhiều công ty đã giải thể). Từ đó đến nay, tòa trải qua 18 phiên và 1 phiên điều trần ngày 25/1/2021 với sự có mặt của 14 công ty.

Trần Tố Nga - da cam

Bà Trần Tố Nga theo đuổi vụ kiện suốt 1 thập niên

Vụ kiện của bà Nga là một vụ kiện lịch sử và đặc biệt. Bà là người duy nhất còn lại trên thế giới có thể đại diện nạn nhân da cam Việt Nam khởi kiện vì hội đủ 3 điều kiện: là công dân Pháp gốc Việt, đang sống tại nước duy nhất có luật pháp cho phép mở các vụ kiện quốc tế bảo vệ công dân Pháp chống lại một nước khác làm hại mình và là nạn nhân chất độc da cam.

Được sự hậu thuẫn của một số tổ chức phi chính phủ, bà đã khởi kiện, yêu cầu các công ty phải chịu trách nhiệm vì đã gây tổn thương sức khỏe cho bà và con cái, cũng như vô số nạn nhân khác, đồng thời phải chịu trách nhiệm vì hủy hoại môi trường. "Tôi không chỉ đấu tranh vì bản thân, mà còn vì con cái và hàng triệu nạn nhân khác", bà Nga nói.

4 triệu người Việt Nam, Lào, Campuchia đã bị phơi nhiễm chất độc da cam trong hơn một thập kỷ, khi quân đội Mỹ rải khoảng 76 triệu lít chất diệt cỏ và chất làm rụng lá trong chiến tranh Việt Nam. Mỹ ngừng sử dụng chất diệt cỏ trong chiến tranh năm 1971 và rút khỏi Việt Nam năm 1973. Các tổ chức phi chính phủ cho hay chất độc da cam đã phá hủy cây cối, làm ô nhiễm đất và đầu độc động vật, gây ung thư và dị tật ở người. Chuyên gia luật quốc tế Valerie Cabanes cho hay mỗi năm khoảng 6.000 trẻ em Việt Nam sinh ra đã mắc dị tật bẩm sinh.

Trần Tố Nga - da cam

Những người dân Pháp ủng hộ cuộc chiến của bà Trần Tố Nga


Tới nay, chỉ cựu binh các nước Mỹ, Australia, Hàn Quốc được bồi thường ảnh hưởng chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Năm 1984, các cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin đã được bồi thường gần 180 triệu USD. Tuy nhiên, những người Việt Nam - những nạn nhân bị phơi nhiễm khi Mỹ phun rải chất phát quang trên diện rộng, lại chưa bao giờ được bồi thường. Luật sư Cabanes cho hay loại hóa chất này độc hại gấp 13 lần chất diệt cỏ thông thường như glyphosat.

Trước đó, năm 2009, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ đơn kiện của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chống lại 37 công ty hóa chất Mỹ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn