Vì sao trẻ cần ngủ riêng phòng với bố mẹ trước 5 tuổi

14:54 | 27/08/2022;
"3 tuổi riêng giường, 5 tuổi riêng phòng" là lời khuyên của các chuyên gia nuôi dạy con cái gửi đến các bậc phụ huynh có con nhỏ. Việc cho trẻ ngủ riêng phòng với bố mẹ sẽ rèn được chúng tính tự chủ, tự lập.

Nhiều bậc phụ huynh thường nêu lý do khi không cho con ngủ riêng phòng với bố mẹ, thậm chí chung đến trên 5 tuổi, đó là: Sợ con ngủ một mình sẽ sợ hãi, không yên tâm để trẻ ngủ riêng, con cái ngủ cùng cha mẹ sẽ thêm gần gũi, gắn bó...

Tuy nhiên, việc cho trẻ ngủ chung tưởng tốt hóa ra lại hại cả cha mẹ lẫn con.

Tác hại của việc cho con ngủ chung với bố mẹ quá lâu

1. Bé bị phụ thuộc nhiều vào bố mẹ

Những đứa trẻ không ngủ riêng phòng với bố mẹ dần dần bị phụ thuộc. Chúng không thể tự ngủ khi không có phụ huynh bên cạnh. Sự phụ thuộc này khiến trẻ khó ngủ, và phải chờ đợi bố mẹ để ngủ cùng với mình.

Mặt khác, khi ngủ chung, con sẽ ít phải gấp chăn màn, trải giường chiếu... Như thế trẻ sẽ không rèn luyện được tính tự lập.

Vì sao trẻ cần ngủ riêng phòng với bố mẹ trước 5 tuổi, 8 bí quyết "vàng" giúp con thiết lập thói quen không ngủ chung! - Ảnh 1.

2. Trẻ hay bị lo lắng

Vì bị phụ thuộc nhiều vào cha mẹ, trẻ thường xuyên lo lắng khi cảm nhận thấy người lớn đang không ở bên cạnh mình. Con có thể sẽ mong đợi những tương tác từ cha mẹ như xoa lưng, vỗ về và được bế, hoặc ôm ấp để đi vào giấc ngủ.

Thậm chí, sau khi thức dậy, con không thấy người lớn ở bên cạnh thì sẽ òa khóc vì sợ hãi. Khi đến một môi trường lạ như lớp học, trẻ sẽ không thể nào tự ngủ như các bạn đồng trang lứa được.

3. Thời gian ngủ lệch

Khi ngủ với bố mẹ, giờ giấc ngủ của con sẽ phải điều chỉnh theo thời gian của bố mẹ. Có nhiều khi con chưa buồn ngủ nhưng bố mẹ chỉ muốn tắt đèn nghỉ ngơi. Khi thấy trẻ vẫn ngồi chơi không chịu đi ngủ, cha mẹ dễ nổi giận la mắng con, ép con phải ngủ. Khi mang tâm trạng không tốt đi ngủ, trẻ dễ gặp ác mộng, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.

Mặt khác, có thể trẻ sẽ phải thức để chờ bố mẹ ngủ cùng mình. Song người lớn còn bận việc, hoặc ngủ muộn... Thành ra trẻ đi ngủ khuya, ngủ không đủ giấc. Chiều cao và trí thông minh của con sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.

4. Chất lượng giấc ngủ của bố mẹ có thể bị ảnh hưởng

Trẻ con thường hiếu động và có xu hướng không nằm yên khiến gián đoạn giấc ngủ của cha mẹ. Nhiều gia đình, người bố thậm chí còn ngủ ở một phòng khác để tránh bị làm phiền khi ngủ. Cả ngày phụ huynh làm việc mệt mỏi rồi, đến giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng khiến đầu óc căng thẳng, dễ sinh cảm giác bực bội. Nhiều cha mẹ không giữ được bình tĩnh thì đánh mắng con. Điều đó khiến cho mối quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái không được tốt đẹp.

Vì sao trẻ cần ngủ riêng phòng với bố mẹ trước 5 tuổi, 8 bí quyết "vàng" giúp con thiết lập thói quen không ngủ chung! - Ảnh 2.

5. Tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng

Nhiều cha mẹ có thói quen nói chuyện, giãi bày về cuộc sống với nhau trước khi chìm vào giấc ngủ. Hoặc nhiều cặp vợ chồng giải quyết nhu cầu sinh lý tình dục ngay khi có con ở trong phòng, vì nghĩ chúng đã ngủ rồi... Những điều này đều sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nếu vô tình con chứng kiến được.

Nhiều bé hiếu động chúng còn bắt chước lại hành động của cha mẹ vì tò mò, hoặc hồn nhiên không nhận thức được. Hành động này của con có thể gây nguy hiểm nếu những kẻ xấu chứng kiến. Hoặc cũng có thể con sẽ phát triển nhận thức, tâm hồn theo chiều hướng lệch lạc. Trẻ sẽ tò mò về thế giới người lớn hơn, khao khát khám phá, muốn thử...

Một nghiên cứu từ Đại học Liên bang Pelotas cho thấy, những đứa trẻ từ khi sinh ra đã ngủ chung với bố mẹ có khả năng mắc chứng rối loạn tâm thần cao hơn và nội tâm hóa các vấn đề của chúng nhiều hơn những trẻ khác.

6. Làm tăng nguy cơ tử vong và ngạt thở cho trẻ

Tác hại nghiêm trọng nhất của việc ngủ chung giường với bố mẹ tác động lên bé đó là nó sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Cha mẹ khi ngủ hay các đồ vật sẽ vô tình lăn vào bé, dẫn đến thương tích, thậm chí là ngạt thở và tử vong. Ngủ chung đặc biệt nguy hiểm với trẻ dưới 4 tháng, hay trẻ sinh non hoặc nhẹ cân. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu bố hoặc mẹ hút thuốc, uống rượu và các chất kích thích khác.

Vì sao trẻ cần ngủ riêng phòng với bố mẹ trước 5 tuổi, 8 bí quyết "vàng" giúp con thiết lập thói quen không ngủ chung! - Ảnh 3.

8 bí quyết vàng giúp con ngủ riêng phòng với cha mẹ dễ dàng

Các chuyên gia nuôi dạy con cái khuyến nghị rằng: Trẻ 3 tuổi ngủ riêng giường và trẻ 5 tuổi ngủ riêng phòng.

1. Chọn đúng thời điểm vàng

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm thích hợp nhất để tập cho bé ngủ riêng là dưới 3 tuổi. Đây là độ tuổi dễ dạy và dễ định hình được thói quen tốt cho bé. Sau độ tuổi này, việc luyện tập sẽ trở nên khó khăn hơn do bé đã tự hình thành được thói quen và tính cách của mình.

Đặc biệt, thời điểm ngủ riêng sớm nhất của trẻ có thể được bắt đầu từ 4-6 tuần tuổi. Lúc này cha mẹ có thể để con ngủ riêng trong nôi, nhưng phải đảm bảo theo dõi và kiểm soát để cho con được sự an toàn nhất có thể.

2. Thuyết phục con bằng phương pháp dỗ dành

Khi muốn con đồng ý ngủ riêng, cha mẹ hãy dùng phương pháp dỗ dành hoặc khuyến khích trẻ, chứ đừng ép buộc, quát mắng con. Hãy tạo hứng thú ngủ riêng cho con bằng cách làm phòng mới hợp với sở thích của trẻ. Như thế con sẽ cảm thấy thích thú hơn và vui vẻ nằm phòng riêng của mình.

Vì sao trẻ cần ngủ riêng phòng với bố mẹ trước 5 tuổi, 8 bí quyết "vàng" giúp con thiết lập thói quen không ngủ chung! - Ảnh 4.

3. Thiết lập thói quen ngủ riêng dần dần

Những ngày đầu bố mẹ hãy dành thời gian để cùng bé đọc truyện, hát cho bé nghe cho tới khi bé ngủ rồi mới rời phòng. Khi trẻ đã quen với căn phòng thì cha mẹ mới nên để cho trẻ tự lập.

4. Đừng nóng vội ép con ngủ riêng

Cha mẹ không nên mất bình tĩnh và nóng nảy với con. Việc đang ngủ chung cùng bố mẹ và ra ngủ riêng là 1 bước ngoặt lớn trong hành trình phát triển của trẻ. Vì vậy, hãy để con thích nghi 1 cách từ từ, tránh việc con bị sốc khi đột ngột phải ngủ riêng phòng với cha mẹ.

5. Cha mẹ cần kiên trì

Không phải lúc nào trẻ cũng hợp tác ngay, vì vậy người lớn cần kiên trì khi rèn luyện con ngủ riêng. Có nhiều bà mẹ thấy con khóc khi phải ngủ riêng thì mủi lòng và lại đón bé trở về giường của mình. Điều này khiến con học được cách chống trả khi cha mẹ ép ngủ riêng.

6. Giúp con đối mặt với nỗi sợ

Ngủ một mình đối với trẻ là một nỗi sợ hãi và dễ dàng tưởng tượng ra những thứ không nên thấy. Vì thế, cha mẹ cần tạo cho con cảm giác an toàn, như để đèn ngủ, kể chuyện hoặc hát ru, đọc sách cho con nghe. Khi trẻ đã chìm vào giấc ngủ thì phụ huynh mới rời đi.

Vì sao trẻ cần ngủ riêng phòng với bố mẹ trước 5 tuổi, 8 bí quyết "vàng" giúp con thiết lập thói quen không ngủ chung! - Ảnh 5.

7. Thể hiện tình yêu với con

Trước khi ngủ, cha mẹ đừng quên dành cho trẻ những câu chúc ngủ ngon và những cái hôn thể hiện tình yêu thương. Như vậy, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu từ cha mẹ và cảm thấy an toàn hơn khi ngủ một mình.

8. Khen con

Khi con có thể ngủ một mình và không cần người lớn bên cạnh, cha mẹ đừng tiếc lời khen cho hành động này của trẻ. Khi được khen ngợi, khuyến khích chắc chắn trẻ sẽ rất vui và muốn thực hiện thêm hành động này.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn