Có quan niệm cho rằng ăn thịt vịt vào những ngày đầu tháng thường "xui" cho nên thịt vịt xuất hiện trong danh sách các món ngon ngày Tết Đoan Ngọ khiến nhiều người bất ngờ. Nếu như nắm rõ các nguyên nhân sau đây, hẳn là bạn sẽ không còn cảm thấy khó hiểu tại sao nhiều địa phương ăn thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ như vậy.
Ngày Tết Đoan Ngọ ở Trung Quốc có diễn ra Lễ hội Thuyền Rồng. Trong ngày này, rất nhiều món ăn hoặc hoạt động liên quan đến trứng vịt được thực hiện. Chẳng hạn như ăn lòng đỏ trứng muối (cho vào bánh bá trạng), tặng nhau trứng vịt luộc, ăn trứng trà, đập trứng vào nhau để cầu may mắn.
Còn ở ta, so với nhiều quan niệm ăn thịt vịt vào cuối tháng để "xả xui", trong ngày Tết Đoan Ngọ nhiều tỉnh miền Trung ăn thịt vịt quay hoặc thịt vịt luộc. Tết Đoan Ngọ ở các nước phương Đông đều mang ý nghĩa cầu an, cầu phúc. Nếu như Tết Đoan Ngọ, người Trung Quốc tặng nhau trứng vịt lộn, ăn trứng vịt muối, ăn thịt vịt thì ở nước ta nhiều nơi cũng ăn thịt vịt.
Bởi vịt trong tiếng Hán là "áp". Vịt đồng âm với "áp" nên mang nghĩa trấn áp sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Đây cũng là lời chúc người thân, bạn bè luôn an lành.
Theo Y học cổ truyền, thịt vịt có vị ngọt hơi mặn, tính hàn, có tác dụng làm tăng thêm sinh lực, bồi bổ cơ thể cho người bị suy nhược. Theo sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân: "Thịt vịt chữa các chứng bệnh tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng và thuỷ đạo. Nên chọn các loại vịt đực đầu xanh hoặc vịt lông trắng,...".
Thịt vịt còn có tác dụng giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vào dịp Tết Đoan Ngọ, thời tiết nóng nực, oi bức. Gió hoạt động mạnh trên biển tạo nên sự ngưng tụ hơi nước dẫn đến mưa lớn kéo dài hoặc bão lũ thiên tai. Đồng thời vào tiết khí Hạ chí, lúc này, thời tiết thay đổi thất thường, dễ khiến con người nhiễm bệnh cảm cúm, ho sốt, say nắng, sốt xuất huyết,... Cho nên, việc ăn thịt vịt sẽ giúp cân bằng nhiệt, dưỡng thân tốt hơn.
Người Trung Quốc còn thích ăn trứng vịt muối vào ngày Tết Đoan Ngọ. Nhiệt độ tăng cao có thêm mưa lớn khiến vi khuẩn, côn trùng hoạt động mạnh. Ăn trứng vịt muối vào mùa hè oi bức sẽ có tác dụng giải độc, thông phổi, dưỡng âm, có lợi cho sức khoẻ. Bởi vậy, ngoài thịt vịt, người ta cũng ăn thêm trứng vịt muối.
Dân ta ăn thịt vịt thường luộc chấm mắm gừng, vịt quay/nướng chấm nước tương, xì dầu, nấu cháo vịt, vịt om sấu,... Hoặc mang vịt tiềm với hạt sen, táo đỏ cùng các nguyên liệu tốt khác gọi là vịt tiềm thuốc Bắc.
Nhiều người thường thích chọn vịt sống, sau đó nhờ người bán hàng làm sạch. Nếu bạn thực hiện chọn vịt theo cách này, có thể lưu ý vài điểm sau.
Dựa vào giống vịt
Vịt cỏ thường sở hữu lông nâu hoặc trắng lấm chấm thêm đốm màu. Đầu và mỏ hơi dẹt. Chúng có kích thước nặng dưới 2kg. Vịt cỏ ít mỡ, thịt màu hồng nhạt, thơm và ngọt sau khi nấu.
Vịt xiêm to con, lông trắng, mỏ và phần quanh mắt có lớp da màu đỏ. Thịt vịt xiêm nhiều nạc, săn chắc. Sau khi chế biến thịt mềm thơm.
Vịt siêu nạc (vịt công nghiệp) thường lông trắng, chân màu vàng, kích thước to, thường nặng trên 3kg, mình dày, nhiều nạc.
Dựa vào giống: Nên mua vịt đực
Khi chọn vịt ngon, nên chọn vịt đực. Thịt vịt đực săn chắc và thơm ngon, đồng thời, thời gian chế biến cũng nhanh hơn vịt cái. Khi chọn vịt sống, bạn thấy tiếng kêu ồm khàn hơn thì đó là vịt đực. Ngoài ra, vịt đực có đầu to, mỏ cứng nhỏ, mắt to tròn. Phần mông thon bé.
Còn mẹo phân biệt vịt cái là tiếng kêu to vang, mông bè to, cánh ngắn hơn và mắt cũng sẫm màu hơn.
Dựa vào thể trạng
Sờ vào phần xương hông để kiểm tra xem vịt béo hay gầy. Khu vực xương hông sờ vào thấy săn chắc, dày thịt thì chứng tỏ con vịt đó béo. Ngoài ra, vịt béo phần bàn chân có lớp đệm thịt nhỏ, lớp chai mỏng.
Những con vịt gầy thì ngược lại, chúng nhiều xương, ít thịt, không nên mua.
Khi mua ngoài chợ, siêu thị hay cửa hàng thực phẩm cũng có vịt làm sẵn. Nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, có thể mua loại vịt làm sẵn về chế biến, chỉ cần quan sát chọn vịt mới làm tươi ngon, được bảo quản cẩn thận.
Bạn nên chọn những con vịt mới được mổ, phần da bên ngoài màu trắng vàng nhạt không sậm. Hãy nhớ không nên chọn những con bị nhiều vết bầm trên da.
Ấn vào bề mặt con vịt, nếu thịt chắc, đàn hồi lại là thịt mới. Nếu ấn vào thấy biến dạng, mềm nhũn thì khả năng cao chúng bị bơm nước. Ngoài ra, không chọn vịt có mùi hôi tanh khó chịu.
Như đã nói thịt vịt có thể chế biến thành nhiều món ngon giải nhiệt cho mùa hè, đặc biệt ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ. Vịt có thể nướng, áp chảo, hầm, om sấu, tiềm thuốc Bắc, nấu cháo,...
Nguyên liệu cần thiết làm món thịt vịt nướng:
- 500g thịt vịt (bạn có thể nướng cả con vịt trong lò nướng hoặc nồi chiên không dầu, hoặc có thể lọc lấy phần thịt phi lê để làm món nướng tiện lợi, gọn gàng hơn).
- Hành tím, tỏi, gừng, rượu trắng, dầu hào, xì dầu, mật ong, đường, tiêu.
Cách thực hiện thịt vịt nướng:
Vịt mua về cần sơ chế thịt kỹ để loại bỏ mùi hoi của chúng, giúp món vịt nướng thơm hơn. Dùng gừng đập dập, hoà thêm ít rượu trắng cùng muối hạt, xoa đều lên phần da vịt. Nếu như bạn dùng cả con vịt sẽ cần chà kỹ hơn để loại bỏ mùi hoi tanh của vịt. Rửa sạch và để ráo thịt vịt.
Để phần vịt nướng thơm ngon, giòn hơn bạn có thể ngâm chúng với hỗn hợp rượu trắng pha giấm và nước muối loãng khoảng 5-10 phút, rửa lại bằng nước sạch.
Hành tím và tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.
Cho thịt vịt vào bát tô. Thêm 1 muỗng canh hành tím, 1 thìa tỏi băm, 1 thìa mật ong, 1 thìa dầu hào, nửa thìa tiêu, 1/2 thìa muối, 1/2 thìa xì dầu, 1/2 thìa đường. Ướp khoảng 15-20 phút. Cho thịt vào nướng ở nhiệt độ 130 độ khoảng 15 phút. Sau đó lật mặt, nướng 180 độ khoảng 5 phút để da vịt giòn và màu đẹp hơn.
Tuỳ thuộc vào nồi chiên không dầu hay lò nướng mà nhiệt độ và thời gian nướng cũng sẽ khác nhau. Cho nên, bạn cần quan sát và điều chỉnh thích hợp để thịt không bị khô xác và cháy.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn