Vì sao xiếc tre Việt làm nức lòng khán giả thế giới?

06:00 | 21/06/2019;
Những ngày qua, thông tin vở xiếc tre À Ố Làng Phố (hay còn gọi là À Ố Show) trình diễn tại Nhà hát Opera House, Australia khiến nhiều người yêu sân khấu Việt tự hào. Đây là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật xiếc kết hợp múa dân gian đương đại Việt được mời biểu diễn tại nhà hát danh tiếng này.

Trước khi trình diễn tại Opera House, À Ố Làng Phố đã gây tiếng vang không chỉ ở Australia mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Và cũng không phải đến À Ố Làng Phố, khán giả quốc tế mới biết đến xiếc tre Việt Nam. Từ 14 năm trước, khi nhóm sáng tạo Tuấn Lê – Nguyễn Lân – Nhất Lý – Tấn Lộc bắt tay vào dựng vở kịch xiếc tre đầu tiên có tên gọi Làng tôi, loại hình nghệ thuật xiếc kết hợp múa dân gian đương đại này đã được chú ý. Vào năm 2009, sau nhiều năm luyện tập và biểu diễn, Làng tôi đã khiến công chúng sửng sốt khi thực hiện một chuyến lưu diễn kéo dài từ năm 2009 đến năm 2012 với hơn 300 suất diễn tại nhiều nước trên thế giới.

lang-toi-2.jpg
Cảnh trong vở "Làng tôi"
 

Sau chuyến lưu diễn kéo dài hơn 3 năm thành công của Làng tôi, nhóm sáng tạo đã thành lập Cty Lune Production, tiếp tục phát triển, quảng bá nghệ thuật Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng xiếc tre. Năm 2013, vở xiếc tre À Ố Show ra đời và đến năm 2016, vở Teh Dar lại tiếp tục ra mắt khán giả với sự hợp tác của biên đạo Ngô Thanh Phương.

 

Là “anh em cùng mẹ cùng cha”, cả 3 vở xiếc tre này đều là những tác phẩm “xiếc kể chuyện” sử dụng toàn bộ đạo cụ chính là tre kết hợp âm nhạc được trình diễn trực tiếp. Tuy nhiên, mỗi vở diễn lại kể một câu chuyện khác nhau. Nếu như Làng tôi là câu chuyện bình dị của đời sống người nông dân đồng bằng Bắc Bộ thì À Ố Show là bức tranh sinh động tương phản mà hài hòa giữa làng quê yên bình và phố thị nhộn nhạo, còn Teh Dar lại mang đậm chất văn hóa Tây Nguyên.

 

Từ nhiều năm nay, “3 anh em” xiếc tre này vừa biểu diễn tại các sân khấu trong nước, vừa thay phiên nhau “mang chuông đi đánh xứ người”. Tính đến nay, xiếc tre Việt đã biểu diễn hơn 500 buổi trên khắp thế giới như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Hồng Kong (Trung Quốc), Hungary, Mỹ, Brazil, Australia... Điều đáng nói, các buổi diễn của Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar là thương mại chứ không phải giao lưu văn hóa, nghĩa là khán giả tự bỏ tiền ra mua vé xem chứ không phải miễn phí. Thế nhưng, hầu hết buổi diễn đều kín rạp. Tính đến nay, xiếc tre đã phục vụ được trên 200 nghìn khán giả khắp thế giới.

a-o-show-5.png
Cảnh trong vở "À Ố Show"
 

Điều gì đã khiến xiếc tre được khán giả quốc tế yêu thích đến vậy? Đầu tiên, phải nói rằng, đây là một loại hình nghệ thuật có một không hai trên thế giới. Hình thức “xiếc kể chuyện”, nghĩa là dàn dựng các tiết mục xiếc thành một câu chuyện có nội dung xuyên suốt, không phải là quá lạ lẫm với khán giả quốc tế nhưng với sáng tạo trong việc sử dụng toàn bộ đạo cụ chính là tre, kết hợp với âm nhạc được trình diễn trực tiếp, các vở xiếc tre Việt Nam đã mang lại ấn tượng mạnh với người xem.

 

Một điều rất quan trọng, xem các tác phẩm xiếc tre, khán giả được thưởng thức một không gian văn hóa thuần Việt. Trong mỗi vở diễn khác nhau, khán giả sẽ bắt gặp những nét văn hóa khác biệt, đặc trưng cho mỗi vùng miền của Việt Nam mà khi xem, không cần phải có ngôn ngữ, người xem đều dễ dàng nhận ra hồn Việt. Đó là những hình ảnh ngày càng hiếm thấy trong đời sống hiện đại: cảnh người chăn vịt ngoài đồng dưới ánh trăng ở Nam Bộ, nghi lễ cầu thần linh phù hộ mùa màng ở các buôn làng Tây Nguyên, những đêm ả đào gái trai hẹn hò tình tứ ở làng quê Bắc Bộ… Không đơn thuần tái dựng các sinh hoạt văn hóa, xiếc tre Việt còn truyền tải được cái hồn của văn hóa dân gian thông qua ánh sáng, âm thanh và sắp đặt sân khấu. Điều đó khiến khán giả xúc động, dù là người Việt hay là du khách quốc tế lần đầu xem xiếc tre.

 

Ngay bản thân đạo cụ chính của tác phẩm – cây tre, cũng đã là một yếu tố đậm đặc chất Việt. Cây tre vốn có mặt trong mọi ngóc ngách của đời sống người Việt, với dụng cụ lao động bằng tre, dụng cụ nấu nướng bằng tre, giường tủ tre… Có thể nói, cây tre là bạn đồng hành chung thủy, in bóng đậm nét vào văn hóa, thi ca, nhạc họa và tâm thức con người Việt Nam. Với xiếc tre, người Việt một lần nữa đã dùng cây tre để giải trí và thỏa mãn óc tưởng tượng. Những màn xiếc hấp dẫn lạ mắt được tạo ra với tre: tung hứng thanh tre cao gấp đôi thân người, uốn dẻo với tre, bay lượn quanh thanh tre, giữ thăng bằng trên tháp tre, nhào lộn với thúng tre… Và cũng chính những cây tre được sử dụng chính cho bối cảnh, được sắp đặt biến hóa lúc thành con sông quê êm đềm, lúc thành ngọn núi hùng vĩ, lúc là hội làng tưng bừng…

teh-dar-2.jpg
Cảnh trong vở "Teh Dar" 
 

Cùng với câu chuyện và hình thức trình diễn “rất Việt Nam”, xiếc tre còn mang đậm hồn Việt ở phần âm nhạc. Âm nhạc trong các vở Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar rất phong phú và độc đáo nhờ việc sử dụng nhiều nhạc cụ và làn điệu gắn liền với văn hóa chủ đề của vở diễn như cồng chiêng Tây Nguyên, đàn đáy trong ca trù Bắc Bộ, đàn cò trong đờn ca tài tử Nam Bộ… Đây đều là những loại hình, không gian âm nhạc của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đặc biệt, âm nhạc ở đây không sử dụng thu sẵn như thông thường mà được trình diễn trực tiếp, mang đến cảm xúc tự nhiên, chân thực và trở thành một yếu tố không thể tách rời của vở diễn.

 

Bởi vậy, các vở xiếc tre Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar đã mang đến cho khán giả thật nhiều cảm xúc. Cùng với kỹ thuật xiếc, các ngôn ngữ của cơ thể con người, của ánh sáng, âm nhạc và tiếng động… đã giúp xiếc tre Việt có thể nói lên một cách dung dị mà sâu sắc nhiều điều vốn dĩ là sở trường của văn học, hội họa và điện ảnh.

 

Nói về xiếc tre, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đi xem xiếc mà lại thấy cảm động, lòng trào dâng một cảm giác xao xuyến hệt như khi tiếp xúc với những truyện ngắn của Thạch Lam, thơ Nguyễn Bính hay những tùy bút của Vũ Bằng như xiếc tre”. Còn bà Ngọc Anh – Giám đốc NXB Sân khấu (Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam), cũng cho rằng: “Những câu chuyện giàu cảm xúc đã thôi thúc tôi xem đi xem lại nhiều lần xiếc tre. Giữa thời đại bùng nổ công nghệ với rất nhiều kênh truyền hình và video trực tuyến, xem xiếc tre Việt vẫn là một trải nghiệm rất đặc biệt”.

tuan-le-2.jpg
Nghệ sĩ Tuấn Lê - Đạo diễn của các vở xiếc tre Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar 

Theo nghệ sĩ Tuấn Lê – Tổng đạo diễn các vở Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar, vượt lên trên cả một chương trình giải trí, xiếc tre Việt Nam mang theo sứ mệnh chạm đến trái tim người Việt xa xứ cũng như truyền cảm hứng cho khán giả quốc tế về một đất nước Việt Nam xinh đẹp và giàu có văn hóa. Còn bà Olivia Ansell - Giám đốc phụ trách Nghệ thuật trình diễn đương đại của Nhà hát Opera House cho biết, khán giả Australia rất ấn tượng với buổi công diễn À Ố Làng Phố. Sau buổi công diễn đầu tiên, nhiều người đã gửi lời nhắn chia sẻ sự ngưỡng mộ và yêu thích đối với chương trình. Theo bà Ansell, nội dung của chương trình, cùng kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ sỹ Việt Nam, đặc biệt là cách mà họ lồng ghép những yếu tố nghệ thuật đương đại vào cùng nghệ thuật truyền thống, khắc họa những đặc trưng của đô thị và đồng quê của Việt Nam vào trong một tác phẩm, đã làm “mê đắm” những khán giả Australia nói riêng và người yêu nghệ thuật trên thế giới nói chung.

 

Ê kíp sáng tạo của các vở xiếc tre Làng tôi, À Ố Show, Teh Dar gồm: Đạo diễn Tuấn Lê (nghệ sĩ tung hứng nổi tiếng người Việt gốc Đức), nhạc sĩ Nhất Lý (người Pháp gốc Việt, là Chủ tịch đầu tiên của tổ chức giáo dục trẻ em châu Á về âm nhạc dân tộc Art Ensemble), nghệ sĩ Nguyễn Lân Maurice (người Pháp gốc Việt, từng là đạo diễn nghệ thuật trường xiếc Arc en Cirque tại Chambery, Pháp), biên đạo Nguyễn Tấn Lộc, biên đạo Ngô Thanh Phương (nữ nghệ sĩ từng giành giải thưởng Biên đạo xuất sắc nhất tại cuộc thi Khiêu vũ hiện đại quốc tế tại Hàn Quốc). 

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn