Amidan nằm ở giữa đường ăn uống và đường hô hấp nên thường tiếp xúc với thức ăn và bụi bẩn. Thêm vào đó, do có cấu trúc nhiều hốc, ngăn của amidan khiến thức ăn, bụi bẩn dễ bám vào và đọng lại ở trong. Lúc này vi khuẩn sẽ phát triển, lâu dài sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm và hình thành nên các khối mủ, từ đó sẽ dẫn tới tình trạng viêm amidan hốc mủ, một dạng của viêm amidan mạn tính. Bệnh này có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Một số dấu hiệu để nhận biết bệnh là:
Đau rát cổ họng: Khi vi khuẩn được hình thành trong cổ họng sẽ gây nên tình trạng ngứa ngáy. Để giảm cảm giác khó chịu, người bệnh sẽ hay khạc nhổ nhưng càng làm sẽ khiến tổ chức amidan bị tổn thương. Cùng với đó, khi nuốt nước bọt bệnh nhân cũng sẽ có cảm giác đau rát.
Ổ mủ xuất hiện: Amidan bị viêm nhiễm lâu ngày sẽ tạo nên các ổ mủ có hình dáng như hình bã đậu. Thời gian đầu ổ mủ sẽ có màu trắng, tiếp đó chuyển sang màu xanh và có mùi hôi. Lúc này người bệnh viêm amidan hốc mủ sẽ thấy hơi thở của mình có mùi hôi khó chịu.
Có đờm: Khi bị bệnh, trong cổ họng người bệnh sẽ luôn chứa một ít dịch đờm, cảm thấy khó chịu ở vùng họng. Lúc này, người bệnh hay có hành động là khạc nhổ để đẩy dịch đờm ra ngoài.
Cơ thể mệt mỏi: Amidan sưng to khiến gặp nhiều khó khăn trong quá trình nhai và nuốt thức ăn. Do đó việc ăn uống cũng trở nên khó khăn, giảm sút khiến cơ thể mệt mỏi.
Sốt: Amidan bị viêm nhiễm khiến cơ thể người bệnh bị sốt, thậm chí là sốt cao lên tới 40oC.
Người bệnh có thể khó phân biệt do triệu chứng của viêm amidan hốc mủ và bệnh liên quan tới hô hấp giống nhau. Do đó, khi có các dấu hiệu bất thường, hãy tới các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Để tránh có những biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên đi khám và có biện pháp điều trị kịp thời. Dưới đây là những biện pháp đã được nhiều người áp dụng:
Với những trường hợp bệnh chưa tiến triển nặng có thể áp dụng các biện pháp từ dân gian. Dưới đây là một số bài thuốc đơn giản, hiệu quả trị viêm amidan hốc mủ:
Không chỉ với người mắc bệnh amidan mà với người bình thường, nước muối có khả năng sát trùng và diệt khuẩn rất tốt. Người bị bệnh nên súc miệng bằng nước muối mỗi ngày giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại trong khoang miệng, từ đó giảm tình trạng viêm sưng, hôi miệng.
- Dùng lá húng chanh:
Lá húng chanh có khả năng trong việc kháng khuẩn rất tốt. Do đó, họ thường đem lá này chưng cách thủy cùng đường phèn khoảng 20 phút để uống, giúp ức chế quá trình hình thành của vi khuẩn. Sau 5 - 7 ngày, người bệnh sẽ thấy các dấu hiệu viêm sưng giảm bớt.
- Mật ong kết hợp với gừng:
Cũng như lá húng chanh, mật ong có khả năng diệt khuẩn, tiêu viêm hiệu quả. Người bệnh có thể chưng cách thủy mật ong cùng vài lát gừng thái mỏng để uống từ 2 - 3 lần/ngày để giảm bớt viêm nhiễm, sưng tấy.
Đối với những người mới bị viêm amidan cấp mủ và chưa có các biến chứng nguy hiểm thì có thể dùng thuốc để điều trị. Một số loại thuốc tác dụng nhanh, mang tới hiệu quả là:
- Thuốc kháng sinh: Có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây bệnh bằng cách làm ức chế quá trình phát triển của chúng.
- Thuốc giảm đau, giảm viêm: Thuốc giảm viêm giúp tình trạng viêm, sưng amidan giảm còn thuốc giảm đau làm dịu các cơn đau rát ở cổ họng.
- Một số loại thuốc hạ sốt, thuốc ho, thuốc giảm phù nề,… được khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân có các triệu chứng của sốt, ho, phù nề tay chân,...
Tuy nhiên trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Để ngăn chặn những tác dụng phụ nguy hiểm, không tự ý mua thuốc và sử dụng tùy tiện. Khi dùng thuốc nếu cơ thể có các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Sau khi áp dụng các biện pháp trên mà bệnh viêm amidan hốc mủ vẫn không giảm thì bác sĩ sẽ cân nhắc để bệnh nhân thực hiện cắt amidan. Cắt amidan chỉ được áp dụng cho những trường hợp tái đi tái lại nhiều lần, bệnh nhân có khả năng xảy ra các biến chứng nguy hiểm: suy tim, viêm cầu thận,…
Vì có thể khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều rủi ro: cơ thể bị suy yếu, dễ bị nhiễm trùng, chảy máu trong,… Do đó, trước khi quyết định thực hiện người bệnh nên tìm gặp bác sĩ để được tư vấn và thăm khám.
Viêm amidan hốc mủ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Do đó khi phát hiện những triệu chứng, bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám và để chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống hợp lý lành mạnh sẽ giúp người bệnh hỗ trợ giảm bớt tình trạng viêm nhiễm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn