Viêm chân tóc, viêm da vì sạch quá

23:52 | 09/06/2016;
Mùa hè, việc gội đầu thường xuyên là cách duy nhất làm tan cảm giác ngứa ngáy khó chịu trên đầu. Tuy nhiên, gội đầu nhiều lại không tốt cho da và tóc.
BS Nguyễn Minh Quang, Phó Giám đốc BV Da liễu Hà Nội chia sẻ, trong quá trình thăm khám đã từng gặp bệnh nhân viêm chân tóc mà nguyên nhân ban đầu được xác định do… quá sạch. Bệnh nhân nữ ở Hà Nội còn khá trẻ, có mái tóc dài.
 
Nữ bệnh nhân kể, vào mùa hè, phải thường xuyên đi đường nắng nóng, mồ hôi cộng với chiếc mũ bảo hiểm khiến da đầu lúc nào cũng ngứa, dính dính rất khó chịu. Lúc đầu, cách một ngày chị gội đầu một lần. Hôm nào chưa kịp gội tóc bết lại rất khó chịu, đi làm mất tự tin. Dù đã thay đổi một số dầu gội dùng cho tóc dầu nhưng tình trạng không cải thiện. Dần dần thói quen gội đầu hàng ngày hình thành. Gần đây, da đầu chị có nốt mẩn đỏ, ngứa, tóc rụng nhiều nên chị đi khám.
Gội đầu nhiều không hẳn đã tốt
“Qua lời kể của người bệnh về sinh hoạt cùng với biểu hiện trên da đầu, nhiều khả năng trường hợp này bị viêm da do gội đầu quá nhiều. Khi mồ hôi nhiều, bài tiết ứ đọng và sử dụng nhiều dầu gội, lớp tế bào sừng trên cùng bị tổn thương và bong ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi nấm xâm nhập và gây bệnh. Nhiều người mắc bệnh này nhưng ở thể nhẹ, chỉ đến khi quá ngứa, tóc rụng nhiều mới chịu đến bác sĩ khám”, BS Nguyễn Minh Quang nói.
 
Trong dầu gội đầu có một số thành phần chính như chất hoạt động bề mặt (thường gọi là chất tạo bọt, chất tẩy rửa, chất tạo huyền phù…), muối ăn, muối amoni clorua, chất tạo màu, chất tạo mùi thơm và các chất phụ gia tạo ẩm, mượt, bong, dưỡng tóc. Tất cả các thành phần có trong dầu gội đầu đều là những chất đã được phép sử dụng, ít hoặc hầu như không độc đối với người. Tuy nhiên, trong trường hợp sản phẩm không theo các quy định của quốc gia cũng như quốc tế thì không thể biết được điều gì sẽ xảy ra đối với người tiêu dùng.
 
Trên bao bì các sản phẩm nước gội đầu hiện nay, phần thành phần gồm rất nhiều loại hóa chất, phố biến như nước, sodium Laureth sulfate, cocamidopropyl betane, methylparaben, propylparaben, lauramide DEA, collagen,…
 
PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hóa, ĐH Khoa học tự nhiên đánh giá một số chất như sodium lauryl hoặc laureth sulfates là chất đã được cho phép sử dụng trong mỹ phẩm, vệ sinh và tẩy rửa. Nó không gây ung thư và được làm từ dầu dừa, dầu cọ… và tổng hợp nhân tạo. Tuy nhiên, nếu người dùng tiếp xúc thời gian dài, quá nhiều có thể gây mụn ngứa, lở môi, miệng. Methylparaben và propylparaben cũng là chất hoạt động bề mặt đã được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng trong phụ gia thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm…và hầu như không độc. Nhưng nó có thể có mối liên quan tiềm tàng đến ung thư và các bệnh khác đối với người sử dụng quá liều.
 
“Bản chất của sợi tóc là một protein sừng hóa, nếu chất sừng đã chết không hấp thụ được chất bổ gì. Việc tóc mượt, đẹp phụ thuộc nhiều vào chế độ dinh dưỡng. Thông qua mạch máu tóc sẽ được nuôi dưỡng và làm tốt. Việc dùng dầu gội đầu chỉ làm sạch tóc và da đầu. Không nên gội đầu quá nhiều lần trong một tuần, vì trên bề mặt lớp da của cơ thể nói chung và da đầu nói riêng luôn luôn có lớp nhờn (mỡ protein nước) tiết ra để giữ ẩm và bảo vệ da. Nếu gội đầu nhiều lần, lớp dầu này mất đi sẽ da đầu dễ bị tổn thương. Người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn (có nguồn gốc, nhãn mác… cụ thể), không dùng hang trôi nổi” PSG.TS Côn khuyên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn