Chỉ 1% bệnh nhân bị biến chứng suy gan cấp
Theo nhiều chuyên gia y tế, viêm gan siêu vi, trong đó có viêm gan A, là bệnh gan thường gặp do các loại siêu vi sau khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ tìm đến gan, gây tổn thương, viêm và dễ hoại tử các tế bào gan. Viêm gan A lây qua đường tiêu hóa. Cụ thể, virus gây bệnh này sẽ theo thức ăn, nước uống không vệ sinh vào cơ thể qua đường ăn, uống. Đây là bệnh dễ lây lan, vì người bị nhiễm virus viêm gan A, sau khoảng 2 tuần sẽ thải virus ra ngoài theo phân. Khi virus viêm gan A được thải ra ngoài, chúng có thể tồn tại trong môi trường xung quanh đến 1 tháng mà vẫn có khả năng lây nhiễm và gây bệnh.
Khi xâm nhập vào cơ thể người khoảng 2-4 tuần, virus viêm gan A có thể gây bệnh viêm gan A. Đây là một bệnh nhiễm trùng cấp, kéo dài không quá 6 tháng, thường diễn tiến lành tính. Khoảng 70% số người bị nhiễm virus có triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ thoáng qua; 20% số người có triệu chứng ăn kém, đầy bụng, tiểu vàng, nổi mẩn ở da, khó tiêu, buồn nôn và chỉ 10% bị gan to, vàng mắt, vàng da - đây là những biểu hiện của viêm gan A cấp. Viêm gan A là bệnh không quá nguy hiểm vì không chuyển sang mãn tính và 99% số trường hợp gan sẽ hồi phục hoàn toàn, chỉ 1% bệnh nhân bị biến chứng suy gan cấp, dẫn đến hôn mê, rối loạn đông đông máu, có thể tử vong.
Viêm gan A không quá nguy hiểm nhưng cũng cần được điều trị kịp thời
Nếu bị viêm gan A cấp, bạn cần nghỉ ngơi, không nên tiếp tục học tập và lao động trong thời gian mắc bệnh; đến bệnh viện để khám, xét nghiệm nhằm có biện pháp điều trị phù hợp, bởi đa số bệnh nhân cần điều trị nội trú. Trong thời gian nhiễm bệnh, hãy sử dụng thức ăn dễ tiêu hóa, không dùng nhiều mỡ, đường... để tránh cho gan phải làm việc mệt nhọc.
Chưa có thuốc đặc trị
Theo Hội Gan Mật Việt Nam, nước ta được xếp vào vùng lưu hành cao của virus viêm gan A. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là các biện pháp điều trị hỗ trợ. Các nguồn lây bệnh này từ rau, trái cây tươi, trái cây đông lạnh đóng gói, tôm cua, hàu, sò ốc chưa nấu chín, nước uống không hợp vệ sinh và lây qua bàn tay không sạch khi chế biến thức ăn.
Các chuyên gia y tế cho rằng, để phòng ngừa bệnh viêm gan A, có thể áp dụng các nguyên tắc chung về phòng ngừa bệnh nhiễm trùng lây qua đường tiêu hóa như: Rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn; sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng được bảo đảm an toàn, vệ sinh trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ăn chín, uống sôi; không ăn rau sống, thực phẩm tái; sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
Mặc dù dễ lây nhưng chúng ta có thể phòng bệnh Viêm gan A bằng cách tiêm vaccin
Viêm gan A dễ lây nhưng có thể dự phòng bằng vaccine. Vì thế, mọi người cần được tiêm vaccine phòng bệnh này. Vaccine ngừa viêm gan A có hiệu quả khá cao, sau 2 tuần tiêm, trên 94% số trường hợp đã có miễn dịch với bệnh. Đây là vaccine có độ an toàn cao, được sử dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trước khi tiêm, bạn cần được bác sĩ tư vấn xem đã có miễn dịch với virus gây bệnh này chưa, vì theo ước tính của Bộ Y tế, khoảng 90% người trên 18 tuổi đã có miễn dịch với virus viêm gan A.