Viêm gan E là bệnh lý phổ biến ở những khu vực không được đảm bảo chất lượng về nguồn nước cũng như thực phẩm. Mặc dù không nguy hiểm như các loại viêm gan khác nhưng viêm gan E cũng gây nguy hiểm cho một số nhóm người. Do đó, mọi người nên chủ động phòng bệnh, nhất là vào mùa mưa lũ.
Viêm gan E là một bệnh về gan do virus viêm gan E (HEV) gây ra. Hầu hết những người bị viêm gan E sẽ khỏi bệnh trong vòng vài tháng. Thông thường bệnh lý này không phát triển thành bệnh mãn tính hoặc gây tổn thương gan như một số dạng viêm gan khác. Tuy nhiên, viêm gan E cấp tính có thể trở thành mãn tính trong một số ít trường hợp, chủ yếu ở những người đã được cấy ghép nội tạng. Ngoài ra, viêm gan E còn gây nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai hoặc bất kỳ ai có hệ thống miễn dịch yếu.
Viêm gan E lây nhiễm chủ yếu qua nguồn nước hoặc thực phẩm bị ô nhiễm hoặc chưa được đun sôi, nấu chín. Đặc biệt, virus viêm gan E có trong phân, rác, nước thải. Khi mưa lụt làm tràn ngập các vùng đất bẩn có chứa các vi sinh vật gây bệnh, trong đó có virus viêm gan A, E. Các loại virus và vi sinh vật gây bệnh có thể bám vào thức ăn như rau, thực phẩm hoặc nguồn nước và theo đường ăn uống đi vào cơ thể người.
Ngoài ra, viêm gan E có thể lây nhiễm cho một số động vật có vú và việc tiêu thụ thịt hoặc nội tạng chưa nấu chín từ động vật bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến lây truyền qua đường thực phẩm sang người. Viêm gan E cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con.
Các triệu chứng của viêm gan E có thể khác nhau. Một số người không có triệu chứng nào cả hoặc các triệu chứng nhẹ đến mức họ hầu như không nhận thấy.
Nếu xuất hiện triệu chứng, chúng có thể bắt đầu phát triển từ 2 đến 6 tuần sau khi bạn bị nhiễm trùng. Các triệu chứng bao gồm:
- Sốt nhẹ
- Cảm thấy mệt mỏi
- Ít đói hơn
- Nôn mửa
- Cảm thấy đau ở bụng trên, đặc biệt là trên gan
- Nước tiểu sẫm màu
- Phân sáng màu, màu đất sét
- Phát ban da hoặc ngứa
- Đau khớp
- Da hoặc mắt hơi vàng
Các biến chứng của viêm gan E có thể xảy ra nhưng hiếm gặp. Các biến chứng bao gồm nhiễm trùng kéo dài, rối loạn thần kinh và tổn thương gan nghiêm trọng hoặc suy gan, có khả năng gây tử vong.
Bên cạnh đó, một số nhóm đối tượng sau nên cẩn trọng hơn với viêm gan E, vì họ có thể nhiễm bệnh nặng hơn:
- Phụ nữ mang thai: Viêm gan E có thể ảnh hưởng đến cả người mẹ cũng như thai nhi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lưu ý, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng cao tới 20–25% ở những người trong ba tháng cuối của thai kỳ.
- Viêm gan E cũng có thể nguy hiểm hơn ở những người có tiền sử rối loạn gan hoặc bệnh gan mãn tính. Những người được ghép gan và dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng có thể có nguy cơ biến chứng cao hơn.
Vì các trường hợp viêm gan E không thể phân biệt về mặt lâm sàng với các loại viêm gan siêu vi cấp tính khác, chẩn đoán chỉ có thể được xác nhận bằng cách làm các xét nghiệm để xác định các kháng thể chống lại virus. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra máu để tìm các loại viêm gan khác, bao gồm viêm gan A, B và C.
Nếu một người xét nghiệm âm tính với các loại viêm gan khác và cũng có kháng thể chống viêm gan E trong cơ thể, các bác sĩ có thể xác định rằng họ bị nhiễm trùng.
Về mặt điều trị, nhiều trường hợp không cần điều trị y tế mà virus vẫn có thể tự đào thải ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, để người bệnh nhanh hồi phục cũng như hạn chế những ảnh hưởng của bệnh, những người bị viêm gan E nên:
- Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như trái cây, rau xanh, các loại hạt...
- Uống nhiều nước
- Nghỉ ngơi
- Không sử dụng đồ uống có chất kích thích, nhất là rượu bia.
Đối với những người bị viêm gan E nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị và kết hợp với chế độ ăn uống, lối sống lành mạnh.
Ngoài ra, nếu trong thời gian bị viêm gan E, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào có thể gây hại cho gan, đặc biệt là acetaminophen.
Hiện tại chưa có vacxin phòng ngừa viêm gan E. Để phòng bệnh, mọi người nên chú ý đảm bảo vệ sinh thực phẩm và môi trường sống, cụ thể:
- Đảm bảo nguồn nước sử dụng trong cuộc sống hàng ngày không bị ô nhiễm
- Không ăn thịt lợn, thịt nai, hoặc động vật có vỏ sống chưa nấu chín.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi đi vệ sinh, thay tã và trước khi chuẩn bị hoặc ăn thức ăn.
- Cần có biện pháp quản lý phân và chất thải sau mưa lũ, đặc biệt các vùng triền sông hay có lũ, lụt.
- Rửa đồ dùng sinh hoạt, đồ vật đựng nước cũng như giếng khơi. Các nguồn nước ứ đọng như ao, hồ, cống rãnh cần được khơi thông.
- Không nên rửa rau hoặc các thực phẩm ở các sông, suối, ao, hồ không hợp vệ sinh.
- Không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi, không nên uống nước đá khi chưa biết rõ nguồn nước làm đá từ đâu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn