Viêm họng mãn tính có gây ung thư không?

09:35 | 14/03/2022;
Viêm họng mãn tính hay còn gọi là viêm đau họng kéo dài lâu ngày không khỏi do không điều trị dứt điểm hoặc do các bệnh lý khác gây ra. Liệu viêm họng mãn tính có gây ung thư không, nhất là ung thư vòm họng hay ung thư thanh quản?

Để xem xét vấn đề viêm họng mãn tính có gây ung thư không cần chú ý tới các triệu chứng khác kèm theo chẳng hạn như khó thở, khó nuốt, đau tai,...

1. Viêm họng mãn tính là bệnh gì?

Viêm họng mãn tính (chronic pharyngitis) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên với trạng thái họng bị viêm liên tục trong thời gian dài trên 1 tuần không khỏi. Viêm họng mãn tính là hệ quả của viêm họng cấp tính tái phát liên tục hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị.

Phân loại viêm họng mãn tính gồm 4 dạng:

- Viêm họng mãn tính thể xung huyết: Là viêm họng nhìn rõ các mạch máu, niêm mạc họng tấy đỏ

- Viêm họng mãn tính xuất tiết: Là thể viêm họng bị xung huyết đỏ, các chất nhầy tiết ra nhiều hơn và dính vào vòm họng

Viêm họng mãn tính có gây ung thư không? - Ảnh 2.

Viêm họng mãn tính có nhiều thể khác nhau (Ảnh: Internet)

- Viêm họng hạt: Là thể viêm họng có niêm mạc họng dày đỏ kèm theo các hạt to nhỏ nằm rải rác trong họng do các tổ chức bạch huyết tạo thành

Đọc thêm: Cách chữa viêm họng hạt bằng mật ong

- Viêm họng teo: Là thể viêm họng có lớp niêm mạc mỏng, teo; lâu dần lớp niêm mạc khô dần, màu vàng khô nhợt nhạt, giảm tiết.

2. Biểu hiện của bệnh viêm họng mãn tính

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm họng mãn tính, tuy nhiên đa phần viêm họng mãn tính là do nhiễm trùng gây ra. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác có thể dẫn tới viêm họng mãn tính, bao gồm:

- Viêm amidan kéo dài gây nhiễm trùng

- Ô nhiễm môi trường như khói bụi, hoá chất

- Dị ứng với phấn hoa, nấm mốc, lông thú cưng

- Viêm xoang, đặc biệt là viêm xoang mãn tính khiến dịch nhầy chảy từ mũi xuống họng lâu dần gây kích ứng và viêm họng

- Trào ngược họng - thanh quản (LPR), acid dạ dày đi ngược vào họng và gây kích ứng

- Rất hiếm khi ung thư vòm họng gây ra viêm họng mãn tính. Loại ung thư này bắt đầu từ họng mũi (tỵ hầu) và thanh quản gây ra các cơn đau ở cổ họng kèm theo khó thở, nổi hạch ở cổ hoặc chảy máu mũi hay miệng.

Viêm họng mãn tính có lây không?

Nếu viêm họng mãn tính là do nhiễm virus hoặc vi khuẩn thì có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường nước bọt, tiếp xúc với chất thải, dịch nhầy mang virus, vi khuẩn của người bệnh. Một số virus và vi khuẩn có thể tồn tại trên các bề mặt một khoảng thời gian vì thế mà khi chăm sóc người bị viêm họng mãn tính do virus, vi khuẩn cần thận trọng với khăn tắm, bàn chải đánh răng, quần áo và dụng cụ ăn uống.

3. Viêm họng mãn tính có gây ung thư không?

Một nghiên cứu mới từ các nhà nghiên cứu thuộc đại học Exeter (3) đã kết luận rằng viêm họng kéo dài cùng với khó thở, khó nuốt, đau tại là dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản. Nghiên cứu được thực hiện trên 800 bệnh nhân bị chẩn đoán mắc ung thư thanh quản, phát hiện hơn 5% bị viêm họng mãn tính và có thêm các dấu hiệu khác. So với dấu hiệu khàn giọng của ung thư thanh quản là 2,7% thì con số 5% có dấu hiệu viêm họng kéo dài là rất đáng chú ý.

Viêm họng mãn tính có gây ung thư không? - Ảnh 3.

Viêm họng mãn tính có gây ung thư không? (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 9 dấu hiệu ung thư vòm họng ở phụ nữ không thể bỏ qua

Bên cạnh đó việc chủ quan trong điều trị, không chữa dứt điểm sẽ làm tăng nguy gây viêm họng mãn tính gây ung thư. Tuy vậy thì nguy cơ ung thư nào, tiến triển ra sao sẽ phụ thuộc vào cơ địa, hệ miễn dịch và các biểu hiện sức khoẻ kèm theo ở người bệnh khi tế bào vùng họng tăng sinh bất thường.

4. Cách phòng ngừa viêm họng mãn tính

Điều đầu tiên giúp phòng tránh viêm họng mãn tính chính là thăm khám sớm khi có các biểu hiện bệnh, kiên trì với phác đồ điều trị để bệnh không tái đi tái lại nhiều lần gây nghiêm trọng.

Tiếp theo, đối với người bị viêm họng mãn tính, muốn giảm nguy cơ tái phát ngoài tuân thủ nghiêm ngặt theo các chỉ dẫn của bác sĩ chủ trị thì cần:

- Vệ sinh răng miệng, họng sạch sẽ

- Không sử dụng các chất, thực phẩm có thể gây kích thích niêm mạc họng như thức ăn quá lạnh, quá nóng, thời tiết lạnh, rượu, bia, thuốc lá. Nếu được, hãy bỏ thuốc lá và rượu bia bởi đây còn là nguyên nhân của nhiều bệnh ung thư khác

- Giữ ấm vùng họng, đặc biệt là khi thời tiết lạnh

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, nhất là khi mức độ ô nhiễm không khí cao nên có biện pháp đối phó hoặc ở trong nhà

- Rửa tay thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn có chứa cồn từ 60 độ trở lên.

Lời khuyên cho người chăm sóc của người mắc bệnh viêm họng mãn tính:

Để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây bệnh viêm họng mãn tính do virus hay vi khuẩn tốt nhất người chăm sóc nên chú ý:

- Hạn chế tiếp xúc ở khoảng cách gần, trong không gian kín thời gian dài với người bệnh

- Không ăn chung đồ ăn, không dùng chung các đồ dùng vệ sinh cá nhân hay dụng cụ ăn uống

- Rửa tay sát khuẩn thường xuyên

- Vệ sinh các bề mặt tiếp xúc thường xuyên bằng dung dịch khử khuẩn.

Tóm lại, vấn đề viêm họng mãn tính có gây ung thư không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sức khoẻ kèm theo của người bệnh cũng như cơ địa và hệ miễn dịch đáp ứng như thế nào với sự tăng sinh bất thường của các tế bào vùng họng. Nếu có các triệu chứng bất thường bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để được tư vấn và can thiệp sàng lọc, tầm soát cũng như điều trị sớm. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn