Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm nhiễm kéo dài trên 3 tuần không đáp ứng với thuốc điều trị hoặc tái đi tái laiuj nhiều lần.
Phế quản là một phần của đường dẫn khí trong cơ thể tiếp ngay sau khí quản. Từ phế quản gốc của mỗi bên, chúng sẽ phân chia thành các nhánh nhỏ hơn, cho đến phế quản tận là nơi nối tiếp với các phế nang. Lòng của phế quản được phủ bởi một lớp niêm mạc mỏng, cấu tạo bởi các tế bào trụ giả tầng có lông chuyển.
Người ta định nghĩa rằng, viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc phế quản dẫn đến tăng tiết nhầy tại niêm mạc phế quản, người bệnh ho và và khạc đờm nhiều đợt, tổng thời gian ít nhất 3 tháng trong năm và diễn ra trong ít nhất 2 năm liên tục, bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chức năng hô hấp của phổi.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau đã được biết đến có khả năng gây viêm phế quản mãn tính. Tuy nhiên, trên thực tế thì viêm phế quản mãn tính thường là hậu quả của sự phối hợp nhiều nguyên nhân khác nhau sau một quá trình tác động, làm tổn thương lâu dài lên phế quản. Các nguyên nhân chủ yếu gây viêm phế quản mãn tính trên thực tế bao gồm:
- Hút thuốc: Thống kê cho thấy, có đến 90% số bệnh nhân viêm phế quản mãn tính có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào kéo dài trong nhiều năm. Các chất độc có trong khói thuốc làm tổn thương niêm mạc phế quản, gây tăng phản ứng viêm tại phế quản. Do đó, hút thuốc được xem là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm phế quản mãn tính trên thực tế.
- Nhiễm khuẩn: Các tình trạng viêm nhiễm mãn tính do vi khuẩn ở đường hô hấp trên (viêm mũi họng, viêm amydal,...) hoặc tình trạng viêm phế quản cấp tính không được điều trị tốt khiến nhiễm khuẩn lan rộng xuống phế quản và kéo dài dai dẳng dẫn đến hậu quả là viêm phế quản mãn tính xảy ra.
- Khói bụi, ô nhiễm: Các chất độc hại trong không khí, khói bụi,... đi theo không khí vào trong cơ thể khi chúng ta hít thở. Những chất độc hại này sẽ tiếp xúc với niêm mạc phế quản, gây tổn thương niêm mạc phế quản và tạo thành phản ứng viêm. Nếu thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm hoặc khói bụi, khả năng bị viêm phế quản mãn tính là rất cao.
- Nguyên nhân cơ địa: Một số trường hợp đặc biệt mà người bệnh mắc viêm phế quản mãn tính trong khi không hề có yếu tố nguy cơ nào. Những trường hợp này thường là do nguyên nhân cơ địa gây nên, chẳng hạn như các bệnh nhân có cơ địa dị ứng, thiếu hụt alpha1-antitripsin, mắc hội chứng rối loạn vận động nhung mao tiên phát,...
* Viêm phế quản mãn tính có lây không?
Mặc dù viêm phế quản mãn tính có thể bị gây nên do nguyên nhân nhiễm trùng đường hô hấp, tuy nhiên tỷ lệ này trong các trường hợp bệnh viêm phế quản mãn tính là không cao. Các yếu tố nhiễm trùng sau khi xâm nhập vào cơ thể người lành nếu có gây bệnh thì sẽ gây nên các tình trạng bệnh lý cấp tính như viêm mũi họng cấp, viêm phế quản cấp,... chứ không thể gây viêm phế quản mãn tính ngay lập tức.
Còn lại các nguyên nhân gây viêm phế quản khác như hút thuốc lá (là nguyên nhân hàng đầu), khói bụi, ô nhiễm,... đều không thể khiến viêm phế quản có khả năng lây từ người sang người. Do đó, viêm phế quản là một bệnh lý không lây nhiễm.
Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mãn tính ít rầm rộ, có xu hướng kéo dài hơn so với viêm phế quản cấp tính.
Những biểu hiện này tập trung thành các đợt bệnh, mỗi đợt kéo dài khoảng 3 tuần và hay gặp nhất là vào những khi thời tiết trở lạnh như đầu thu hay mùa đông. Những biểu hiện triệu chứng viêm phế quản mãn tính thường gặp nhất bao gồm:
- Ho và khạc đờm: Ho và khạc đờm là hai triệu chứng phổ biến nhất ở các bệnh nhân viêm phế quản mãn tính. Người bệnh được mô tả là ho khục khặc vài tiếng (thường là vào buổi sáng) và kèm theo đó là khạc đờm.
Nếu như không có tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra, người bệnh thường khạc đờm trong, khi có tình trạng nhiễm khuẩn thì đờm chuyển sang màu xanh, vàng hoặc xanh vàng,... Ho và khạc đờm ở bệnh nhân sẽ tăng lên theo mức độ nặng của viêm phế quản mãn tính.
- Khó thở: Khó thở cũng là một triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân viêm phế quản mãn tính, rõ ràng nhất là ở những bệnh nhân mức độ nặng. Điều này là do phế quản bị viêm nến tiết diện phế quản bị thu hẹp, dẫn đến trao đổi khí khó khăn. Cũng giống như ho và khạc đờm, khó thở sẽ tăng lên theo mức độ nặng của bệnh.
- Thở khò khè: Sự thu hẹp tiết diện của đường thở cũng khiến luồng khí di chuyển mạnh qua một tiết diện hẹp. Điều này tạo nên âm thanh thô ráp khi thở mà người ta hay gọi là tiếng khò khè khi thở.
- Một số các triệu chứng khác: Ngoài các biểu hiện như ho, khạc đờm, khó thở,... thì người bệnh cũng có các biểu hiện khác như sốt nhẹ kéo dài không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, nghẹt mũi, đau họng,...
Đôi khi các biểu hiện triệu chứng viêm phế quản mãn tính trở nên nặng hơn so với bình thường (sốt cao, ho, khạc đờm xanh, đờm vàng, khó thở tăng lên,...), người ta gọi đây là các đợt cấp của bệnh viêm phế quản mãn tính. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đợt cấp của viêm phế quản mãn tính là do bội nhiễm vi khuẩn.
Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm phế quản mãn tính, ngoài dựa trên các triệu chứng của bệnh thì bác sĩ còn cần chỉ định bệnh nhân thực hiện một số các xét nghiệm khác nhau bao gồm:
- X-Quang ngực: X-Quang ngực là xét nghiệm thường được chỉ định hàng đầu cho bệnh nhân nghi ngờ có viêm phế quản mãn tính. Nó chẳng những cho phép loại trừ, phân biệt được với các bệnh lý như suy tim,... mà còn cho phép đánh giá được mức độ ảnh hưởng của viêm phế quản mãn tính lên hệ hô hấp thông qua các hình ảnh khí phế thũng,...
- CT-Scanner: CT-Scanner cho phép đánh giá đường hô hấp một cách chi tiết hơn so vơi chụp X-Quang ngực với hình ảnh dày thành phế quản, lòng phế quản thu hẹp,...
- Đo chức năng hô hấp: Các bài kiểm tra chức năng hô hấp của bệnh nhân có thể được thực hiện để đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của bệnh viêm phế quản mãn tính lên khả năng hô hấp của người bệnh.
- Xét nghiệm đờm: Thường được thực hiện trong đợt cấp của bệnh viêm phế quản mãn tính để tìm kiếm nguyên nhân gây bội nhiễm trên bệnh nhân, phục vụ làm kháng sinh đồ cho điều trị.
Bên cạnh đó thì bác sĩ còn có thể cho bệnh nhân thực hiện một số các xét nghiệm thường quy khác như xét nghiệm công thức máu,...
Hiện nay, để chữa viêm phế quản mãn tính ở người lớn thì phương pháp chủ yếu là sử dụng thuốc kết hợp với các thay đổi lối sống theo hướng tích cực.
- Thuốc giãn phế quản: Các thuốc giãn phế quản như albuterol, formeterol, ipratropium, theophylin,... là những thuốc thường được dùng trong cách điều trị viêm phế quản mãn tính. Những thuốc này làm giảm co thắt các cơ trơn ở thành phế quản nên giúp phế quản giãn rộng ra, từ đó làm tăng tiết diện dẫn khí và bệnh nhân bớt khó thở hơn.
- Corticoid: Các thuốc thuộc nhóm corticoid như prednisol, methylprednisolon,... có khả năng làm giảm viêm ở niêm mạc phế quản nên giảm phù nề thành phế quản, từ đó làm tăng tiết diện dẫn khí của phế quản. Những thuốc corticoid dùng để chữa viêm phế quản mãn tính ở người lớn thường được sử dụng bằng đường hít hơn so với đường uống bởi sẽ cho tác dụng nhanh chóng và làm giảm tối đa các tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh.
- Thuốc kháng sinh: Nếu xác định bệnh nhân viêm phế quản mãn tính bị bội nhiễm vi khuẩn, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn. Ban đầu, các thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng theo kinh nghiệm của người thầy thuốc. Nếu không đáp ứng hoặc đáp ứng kém thì cần điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ.
- Oxy liệu pháp: Đối với những bệnh nhân viêm phế quản mãn tính nặng, khó thở nhiều và thường xuyên thì có thể được cho thở oxy để giảm bớt triệu chứng cho người bệnh.
Do là bệnh lý mãn tính, nặng dần lên theo thời gian nên thay đổi lối sống có vai trò rất quan trọng để bệnh nhân viêm phế quản mãn tính kiểm soát bệnh hiệu quả.
- Bỏ hút thuốc: Khói thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây bệnh mà nó còn thúc đẩy bệnh trở nên nặng nề hơn. Chính vì thế, người bệnh cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào ngay nếu được chẩn đoán viêm phế quản mãn tính.
- Thay đổi môi trường sống và làm việc: Trong trường hợp bệnh nhân viêm phế quản mãn tính đang sống trong một môi trường sống ô nhiễm, hoặc làm việc ở nơi nhiều khói bụi,... thì tốt nhất nên thay đổi môi trường sống và làm việc nếu có thể. Còn khi không thể thay đổi môi trường sống và làm việc ngay, ít nhất người bệnh hãy áp dụng tích cực các biện pháp tự bảo vệ bản thân như đeo khẩu trang, thực hiện tốt an toàn lao động,...
- Sử dụng máy tạo ẩm: Các loại máy tạo độ ẩm không khí có thể được dùng để nâng độ ẩm không khí, độ ẩm không khí cao giúp chất nhầy trong phế quản loãng ra và dễ được tống ra ngoài hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng máy tạo độ ẩm cần chú ý vệ sinh và thay nước thường xuyên, tránh để nước bẩn, nhiễm vi khuẩn hay nấm,...
- Luyện tập thể lực thích hợp: Tập luyện thể dục giúp tăng cường các hoạt động hô hấp. Vì thế hoạt động thể lực hợp lý cũng được xem là một cách điều trị viêm phế quản mãn tính. Bệnh nhân được khuyên nên tập luyện ít nhất ba lần mỗi tuần và mỗi lần tập kéo dài ít nhất 30 phút. Cường độ tập luyện nên tăng dần để cơ thể có thể kịp thích ứng.
- Tập thở: Động tác thở mím môi giúp cho bệnh nhân thở dễ dàng hơn. Người bệnh có thể luyện tập động tác này để cải thiện khả năng hô hấp của bản thân.
Ngày nay, phẫu thuật ghép phổi cũng đã được ứng dụng để chữa viêm phế quản mãn tính ở người lớn, hiệu quả rất tích cực cho các bệnh nhân mức độ nặng. Nhưng áp dụng của phương pháp này rất hạn chế do yêu cầu kỹ thuật cao, nguồn tạng hạn chế và theo dõi sau ghép phổi rất phức tạp.
Viêm phế quản mãn tính có nguy hiểm không là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm. Trên thực tế, đây là căn bệnh mãn tính các tổn thương do bệnh gây nên là những tổn thương không hoàn nguyên được. Do vậy, bệnh sẽ tiến triển và nặng dần sau đó gây nên những biến chứng cho người bệnh.
Những biến chứng có thể gặp của bệnh viêm phế quản mãn tính kể đến như:
- Suy hô hấp
- Bội nhiễm vi khuẩn
- Khí phế thũng
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
- Tâm phế mãn
- Tràn khí màng phổi
- Tử vong
Tuy nhiên, tiên lượng của bệnh nhân viêm phế quản mãn tính được cải thiện đáng kể và tiến triển của bệnh cũng được làm chậm nếu áp dụng tích cực các biện pháp điều trị và có một chế độ sống hợp lý. Chẳng hạn, bệnh nhân viêm phế quản mãn tính thấy ho và khạc đờm giảm rõ rệt sau 1 tháng cai hút thuốc và gần như sẽ hết ho sau khi ngưng thuốc hoàn toàn.
Chính vì viêm phế quản mãn tính là bệnh không thể hoàn nguyên, do đó cách tốt nhất để ngăn chặn các tác hại do bệnh gây nên chính là phòng tránh viêm phế quản mãn tính, không để bệnh xảy ra.
- Ngưng hút thuốc: Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh viêm phế quản mãn tính. Vì vậy, cần ngưng sử dụng thuốc lá ngay lập tức để phòng tránh bệnh viêm phế quản mãn tính xảy ra.
- Điều trị tốt các viêm nhiễm đường hô hấp: Các viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm amydal, viêm phế quản cấp tính,... một cách tích cực và dứt điểm để tránh chuyển thành viêm phế quản mãn tính.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm: Cần tránh tiếp xúc với các yếu tố ô nhiễm, khói bụi bằng cách đeo khẩu trang để tránh phế quản bị tổn thương và gây viêm phế quản mãn tính.
Trên đây là một số thông tin sơ lược về bệnh viêm phế quản mãn tính mà bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần biết. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ và cụ thể hơn.
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/copd/understanding-chronic-bronchitis#prevention
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn