Bé Trần Thanh Nam (3 tuổi ở Hà Nội) có biểu hiện hay kéo tai, dụi tai, quấy khóc nhiều ngày. Không để ý nhiều đến biểu hiện của bé nên gia đình cũng chỉ dỗ dành, an ủi và cho rằng do thời tiết thay đổi nên bé khó tính. Hiện tượng này kéo dài 1 tuần, khi bé không chịu ăn, hoặc ăn xong nôn trớ, tiêu chảy thì gia đình mới đưa bé vào bệnh viện để khám.
Sau khi bác sĩ thông báo Nam bị viêm tai giữa - theo dõi viêm tai xương chũm bên phải, mẹ của bé đã bật khóc vì mình quá chủ quan không để ý đến những biểu hiện khác thường của con.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phan Kiều Diễm, Phòng khám chuyên khoa Tai mũi họng Hà Nội, cha mẹ cần nhanh chóng tìm hiểu lý do khi con có biểu hiện bất thường. Khi đau tai, trẻ nhỏ thường dụi tai, nếu có ai vô tình chạm vào tai trong trường hợp viêm cấp trẻ sẽ khóc ré lên, cảm giác đầy tức tai gây bứt dứt, khó chịu. Trẻ có thể chảy dịch tai, nghe kém, ù tai, chóng mặt, sốt, quấy khóc, chán ăn, bỏ bú hoặc chỉ bú bên một bên, nôn trớ, tiêu chảy…
Lưu ý là nhiều trẻ bị viêm tai giữa cấp nhưng không sốt, không kêu đau tai hoặc chỉ đau tai thoáng qua, cảm giác đầy tức, khó chịu trong tai nhưng chưa biết mô tả. Nhiều trẻ mới chỉ chảy mũi, ho 1 - 2 ngày, khi khám đã thấy bị viêm tai giữa. Bởi vậy không nên chủ quan để trẻ chảy mũi, ho từ 5 - 7 ngày trở lên mà chưa cho đi khám, đặc biệt khi đã có mũi vàng, xanh, đờm màu vàng, xanh thì cần cho đi khám ngay, bởi đây là dấu hiệu đã bị nhiễm khuẩn.
Liệt kê một loạt những di chứng của viêm tai giữa khi không cho trẻ đi khám và điều trị đúng cách, bác sĩ Diễm cho biết: Viêm tai giữa không kịp điều trị có thể gây thủng màng nhĩ, xẹp nhĩ hoặc viêm xương chũm. Viêm tai giữa cấp thường diễn biến qua 3 giai đoạn: xung huyết, ứ mủ, vỡ mủ. Khi không được điều trị kịp thời, dịch mủ ứ đọng trong hòm tai tạo áp lực căng làm thủng màng nhĩ ở vị trí yếu nhất, gây chảy mủ ra ống tai ngoài. Nếu lỗ thủng ở màng nhĩ nhỏ hoặc vừa đa phần có thể sẽ liền lại, nhưng nếu lỗ thủng lớn sẽ khó tự liền, trong trường hợp còn lỗ thủng màn nhĩ cha mẹ lưu ý khi trẻ tắm rửa phải luôn luôn tránh để để nước vào bên tai, không được đi bơi vì khi nước bẩn vào tai dễ gây nhiễm trùng ngược dòng dẫn tới viêm tai tái phát.
Viêm tai giữa cấp có thể gây mất thính lực lâu dài do biến chứng như viêm tai giữa mạn tính, xẹp nhĩ, viêm xương chũm, cholesteatom hòm tai hoặc cholesteatome thượng nhĩ... Di chứng của viêm tai giữa cũng có thể khiến trẻ chậm nói hoặc chậm phát triển trí tuệ. Nghe kém tạm thời hoặc vĩnh viễn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mới biết đi, có thể dẫn đến làm trẻ bị chậm nói. Do không nghe rõ người khác nói nên trẻ không thể học nói được, nặng hơn có thể câm hoặc dẫn đến chậm phát triển của trí não trẻ.
Đặc biệt, bác sĩ Phan Kiều Diễm lưu ý các biến chứng nguy hiểm hơn của viêm tai giữa. "Viêm xương chũm cấp là một biến chứng thường gặp nhất ở trẻ bị viêm tai giữa cấp, do không được điều trị kịp thời khiến bệnh lan vào xương chũm - một phần của xương thái dương và hộp sọ. Nó chỉ được xem là biến chứng khi xương bị phá hủy với các biểu hiện như sưng đau và tấy đỏ vùng xương chũm, mất rãnh sau vành tai, nội soi thấy phồng mất góc sau trên màng nhĩ - ống tai", bác sĩ nhấn mạnh.
Đối với di chứng liệt mặt gây méo miệng, mắt nhắm không kín là do tổn thương dây thần kinh 7 đoạn ngoại biên đi qua tai giữa và xương chũm. Còn viêm mê nhĩ (tai trong) chủ yếu liên quan virus như bị quai bị, cúm, sởi… gây nghe kém mức độ nặng khó hồi phục.
Biến chứng nội sọ thường gặp nhất chính là viêm màng não, áp xe não, áp xe dưới màng cứng, viêm não, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên,...
"Ngày nay nhờ tiến bộ của hệ thống máy nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh kết hợp với nhiều kháng sinh hiệu quả, phổ kháng khuẩn rộng làm giảm tỷ lệ biến chứng nội sọ do viêm tai. Tuy nhiên bố mẹ trẻ cũng không được chủ quan, lơ là khi trẻ bị viêm tai giữa vì khi đã xảy ra biến chứng ảnh hưởng trực tiếp tới sức nghe và tính mạng của trẻ", bác sĩ Phan Kiều Diễm khuyến cáo.
Bác sĩ cũng cho biết, viêm tai giữa ở trẻ có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được khám và điều trị bài bản. Nếu đáp ứng tốt bệnh sẽ khỏi sau khoảng 1 tuần điều trị nội khoa. Nếu bệnh không tiến triển sau 4 ngày dùng thuốc bác sĩ sẽ cân nhắc thay kháng sinh và theo dõi tiếp. Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại có thể can thiệp chích màng nhĩ hút mủ hoặc đặt ống thông khí hòm tai.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn