Viêm VA có lây không? Phòng ngừa viêm VA bằng cách nào?

11:00 | 23/02/2023;
Viêm VA là bệnh lý thường gặp ở trẻ em và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Vậy viêm VA có lây không? Phòng ngừa viêm va bằng cách nào?

Viêm VA có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào mùa đông lạnh. Vậy viêm VA có lây không và đâu là cách phòng ngừa bệnh lý này?

1. Những vấn đề cần biết về bệnh viêm VA

VA là từ viết của Végétations Adénoides trong tiếng Pháp, có nghĩa là tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng trên, có vị trí ngay ở cửa mũi sau. Với người bình thường, VA có độ dày từ 4mm đến 5mm, cấu tạo xếp theo hình lá. VA xuất hiện từ khi lọt lòng và dần teo khi từ 9 - 10 tuổi trở đi.

VA là nơi vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập do khi hô hấp, không khí sẽ đi từ mũi, miệng qua vùng VA rồi vào phổi. Các virus, vi khuẩn xâm nhập tấn công vùng VA gây nên tình trạng viêm, gọi là viêm VA.

Viêm VA có lây không? Phòng ngừa viêm VA bằng cách nào? - Ảnh 1.

VA là tổ chức lympho nằm ở vòm mũi họng trên - Ảnh Internet.

Đối tượng dễ mắc viêm VA là những trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm VA ở trẻ nhỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

- Ứ mủ trong tai, viêm tai giữa: Biến chứng này có thể gây giảm thính lực, thủng nhĩ, ảnh hưởng khả năng phát triển thể chất cũng như trí tuệ của trẻ nếu để viêm VA kéo dài.

- Viêm xoang, viêm phổi, viêm thanh quản, ngưng thở khi ngủ, suy hô hấp: Đây là những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe doạ tính mạng của trẻ.

- Mất thẩm mỹ: Trẻ thở lâu ngày bằng miệng có thể dẫn tới tình trạng xương mặt dài hơn, trán dô, môi dày, không thể khép miệng kín, vẩu hàm trên.

- Suy tim, suy phổi nếu viêm VA phì đại.

Triệu chứng của viêm VA ở trẻ thông thường là sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, viêm họng, ho, ... Những triệu chứng này rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Vì vậy, để chẩn đoán chính xác, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám khi có các dấu hiệu trên.

2. Bệnh viêm VA có lây không?

Do viêm VA có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng, lại rất phổ biến ở trẻ nhỏ nên nhiều cha mẹ băn khoăn viêm VA có lây không?

Theo lý thuyết, bất kỳ bệnh lý nào do vi khuẩn hay virus gây ra đều có khả năng lây lan nếu không biết cách bảo vệ khoa học. Thông qua tiếp xúc gần, đặc biệt là thông qua nước bọt của người bệnh sẽ tạo điều kiện để mầm bệnh có cơ hội xâm nhập trực tiếp vào trong cơ thể. Sau khi mầm bệnh bám vào thành lympho, chúng sẽ bắt đầu sinh sôi và làm tổn thương các tế bào mô tại đây và gây ra viêm VA.

Tuy nhiên, cha mẹ không nên lo lắng quá mức về vấn đề viêm VA có lây không vì thực tế cho thấy, tỉ lệ lây nhiễm viêm VA cực kỳ thấp. Ngay cả khi sử dụng chung khăn, ngủ cùng người bệnh thì nguy cơ bị lây viêm VA cũng không đáng kể.

Cần lưu ý, chỉ khi vi khuẩn đi qua tuyến nước bọt của người bệnh thì khả năng lây bệnh viêm VA mới cao. Hơn nữa, những nguyên nhân gây viêm VA đều không có khả năng lây truyền bệnh. Vì thế, dù trên lý thuyết là có khả năng lây lan, nhưng thực tế rất hiếm trường hợp viêm VA lây lan từ người bệnh sang người khác.

Vậy bệnh viêm VA lây qua đường nào? Như đã nói, khả năng lây lan bệnh viêm VA là rất thấp nhưng các thành viên khác cũng cần chủ động bảo vệ sức khoẻ, nhất là trẻ em. Theo đó, những con đường chính lây nhiễm mầm bệnh gây viêm VA là thông qua tiếp xúc trực tiếp khi virus, vi khuẩn tồn tại lơ lửng trong không khí và lây lan qua tuyến nước bọt. Đặc biệt, với những trẻ có sức đề kháng yếu thì nên hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh về đường hô hấp hoặc viêm VA.

Viêm VA có lây không? Phòng ngừa viêm VA bằng cách nào? - Ảnh 2.

Nguy cơ viêm VA lây lan là rất thấp - Ảnh Internet.

3. Phòng bệnh viêm VA bằng cách nào?

Để phòng bệnh viêm VA cũng như ngăn ngừa viêm VA tái phát, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau đây:

+ Nếu trẻ ho, sổ mũi kéo dài và liên tục, cần đưa trẻ đi thăm khám để chẩn đoán chính xác, phòng trừ trường hợp bệnh viêm VA không được phát hiện và tiến triển đến giai đoạn viêm VA quá phát.

+ Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tốt nhất cho bé bú tới 2 tuổi để tăng cường sức đề kháng.

+ Tránh tiếp xúc gần gũi với bé như thơm miệng, đặc biệt là những người mắc các bệnh lý về hô hấp.

+ Tránh cho trẻ tiếp xúc với những nơi không khí ô nhiễm, khói bụi, ... 

+ Đeo khẩu trang cho trẻ khi đi ra ngoài.

+ Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa vi khuẩn, virus xâm nhập và gây bệnh.

+ Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.

+ Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường hệ miễn dịch cũng như sức đề kháng.

+ Điều trị dứt điểm các bệnh lý hô hấp.

+ Không lạm dụng kháng sinh, không sử dụng kháng sinh bừa bãi.

Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi bệnh viêm VA có lây không và làm sao để phòng ngừa bệnh viêm VA ở trẻ. Dù khả năng lây lan của viêm VA là rất thấp nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý bảo vệ trẻ, tránh tiếp xúc quá gần và thân mật với người mắc bệnh. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý tiêm chủng cho trẻ đầy đủ cũng như xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để trẻ có sức đề kháng tốt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn