Cựu điều tra viên bị đánh giá là "tráo trở"
Ngày 21/7, phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần đối đáp, đại diện VKS đối đáp lại quan điểm của các bị cáo cùng luật sư bào chữa.
Theo VKS, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên Bộ Công an) luôn có ý kiến rằng cơ quan điều tra, VKS áp đặt, suy diễn, sử dụng chứng cứ một chiều. Tại phiên tòa, bị cáo nhiều lần yêu cầu VKS đưa ra bằng chứng.
Đối đáp lại vấn đề này, cơ quan tố tụng cho biết, việc điều tra, truy tố Hoàng Văn Hưng được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cùng VKS thực hiện chặt chẽ, khách quan, đúng quy định pháp luật.
Hoàng Văn Hưng và luật sư cho rằng, ngay sau khi bị Hưng khởi tố đã yêu cầu đối chất nhưng không được thực hiện, thậm chí sau hơn 2 tháng mới được tiến hành đối chất, việc đối chất vi phạm trình tự, nhập vụ án là vi phạm quy định.
Đối đáp lại, VKS trích dẫn Khoản 1 Điều 189 Bộ luật Hình sự và cho biết, sau khi ra quyết định khởi tố bị can đối với Hoàng Văn Hưng, cơ quan tiến hành tố tụng xác định có mâu thuẫn trong lời khai nhưng vì đang thực hiện các công tác điều tra khác nên chưa thể cho Hưng đối chất.
Về việc nhập vụ án, cơ quan công tố tiếp tục trích dẫn Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự, nhận định việc Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn đưa hối lộ nhiều lần, giai đoạn trước là đưa cho các bộ ban ngành, sau là để "chạy án". Vì vậy, quyết định nhập vụ án Đưa hối lộ đối với Hằng và Sơn là có căn cứ.
Tại phiên tòa, bị cáo nói cơ quan điều tra khởi tố Hoàng Văn Hưng mang tính định kiến, nóng vội, liều lĩnh, tư tưởng bắt nhốt rồi sẽ khai… đồng thời liên tục kêu oan, không được hỏi cung, đối chất.
Trước tòa, VKS cho biết, trước khi ra quyết định khởi tố, cơ quan điều tra và VKS đã phối hợp để 3 lần lấy lời khai Hưng, để bị cáo có cơ hội trình bày. Tuy nhiên, Hưng không thừa nhận.
Sau khi có quyết định khởi tố, từ ngày 11/1/2023, điều tra viên đã 8 lần hỏi cung Hưng. Đối với việc đối chất, VKS cho biết, hoạt động này được tiến hành vào các ngày 26 và 27/3.
"Khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, bị cáo Hưng ý kiến là không có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, để đảm bảo sự chặt chẽ, kiểm sát viên đã tham gia 3 buổi ghi lời khai, 2 buổi đối chất", VKS trình bày trước tòa.
Đại diện cơ quan tố tụng nhận định, việc kiểm sát viên tham gia ghi lời khai, hỏi cung Hưng nhiều lần nhưng bị cáo vẫn phủ nhận, dựng chuyện vu khống cơ quan điều tra, thì việc Hưng không thừa nhận việc nhận tiền đã thể hiện sự "tráo trở".
Chỉ thừa nhận khi cơ quan điều tra thông báo có dữ liệu camera giám sát
VKS dẫn lại lời khai của Hưng, cho rằng ông Tuấn, Hằng và Sơn khai không khách quan, sai sự thật, thông cung để đổ tội cho Hưng.
Với lời khai này, VKS cho biết, Sơn bị bắt ngày 8/12/2022, tạm giam ở TPHCM; ông Tuấn bị bắt ngày 28/12/2022, tạm giam ở Hà Nội; Hằng bị khởi tố ngày 29/3, được tại ngoại.
"Thời điểm bắt khác nhau, tạm giam ở nhiều địa điểm khác nhau. Trong suốt quá trình điều tra vụ án, các bị can không được tiếp xúc riêng với luật sư và gia đình, đảm bảo không lộ lọt thông tin từ bên ngoài vào", VKS nói.
Theo VKS, lời khai của ông Tuấn, Hằng và Sơn đã chứng minh hành vi phạm tội của Hưng. Tính khách quan trong lời khai của họ phù hợp với chứng cứ, diễn biến vụ án.
Cụ thể, trong thời gian Hưng là điều tra viên chính của vụ án chuyến bay giải cứu, Hưng đã gặp Hằng, hướng dẫn Hằng và Sơn cách khai báo, đối phó với cơ quan điều tra. Trong các bút lục đã thể hiện, Hằng và Sơn đều khai đúng theo hướng dẫn trên.
Khi Hưng bị điều chuyển công tác, Sơn bị bắt. Lúc này, Sơn và Hằng bắt đầu khai ra hành vi của Hưng và ông Tuấn theo đúng sự thật. Các lời khai của ông Tuấn, Hằng và Sơn đều thống nhất ở các chi tiết: Số lần gặp gỡ Hưng; phương thức liên lạc; số lần liên lạc; thông tin liên quan đến vụ án…
VKS cho biết, ông Tuấn và Hằng không thể tự biết "tên của điều tra viên Phòng 4 Cục A09 đã hỏi cung Sơn; quan điểm gay gắt của Cục A01 về Sơn; quan điểm của điều tra viên, lãnh đạo cơ quan điều tra về việc xử lý Sơn…". Những thông tin này là bí mật điều tra mà người ngoài như ông Tuấn hay Hằng không thể tự nghĩ ra.
"Hưng lấy lý do tiếp xúc Hằng để vận động ra đầu thú. Tuy nhiên, thực tế Hưng không báo cáo lãnh đạo, tự ý tiếp xúc là vi phạm quy định của Bộ Công an", VKS đánh giá.
Theo VKS, Hưng gặp gỡ, hướng dẫn Hằng, Sơn khai báo gian dối nhằm mục đích cá nhân, thể hiện ở: Các buổi gặp đều ở nhà ông Tuấn lúc ban đêm; liên lạc bằng sim rác; bị chuyển công tác nhưng vẫn tiếp tục gặp Hằng và ông Tuấn.
Tại tòa, VKS nhận định, Hưng thể hiện sự gian dối, khai báo nhỏ giọt, không trung thực. Dẫn chứng, VKS cho biết, ngày 11/1, Hưng bị bắt và phủ nhận mọi cáo buộc, nói không nhận bất cứ tài liệu, lợi ích vật chất gì từ ông Tuấn và Hằng.
Sau đó, khi cơ quan điều tra thông báo có dữ liệu camera giám sát, Hưng mới thừa nhận có nhận một chiếc vali từ ông Tuấn, nhưng bên trong là 4 chai rượu vang, không phải là tiền. Hưng từng khai không hướng dẫn Hằng cách đối phó với điều tra viên, nhưng tại buổi đối chất với ông Tuấn, Hưng lại thừa nhận.
VKS đề nghị ra một bản án nghiêm minh
Tại tòa, VKS công khai clip từ dữ liệu camera giám sát, quay lại toàn bộ diễn biến buổi sáng 5/12, khi Hưng nhận chiếc vali do ông Tuấn nhờ cháu trai mang đến gần cổng Bộ Công an ở phố Trần Bình Trọng.
"Tuấn khai là không ai để rượu vang vào vali cặp số, VKS cho rằng lời khai này phù hợp với thực tế. Nếu Tuấn tặng Hưng 4 chai rượu vang thì không cần thiết phải liên lạc với Hưng liên tục như vậy", VKS nhận định.
Theo VKS, Tuấn khai đưa cho Hưng 2,25 triệu USD nhưng cơ quan điều tra chỉ đủ căn cứ xác định Hưng nhận 800.000 USD. Điều này thể hiện cơ quan điều tra, VKS đã rất thận trọng, khách quan, xem xét kỹ những tài liệu, chứng cứ thu thập được và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.
"Hưng là điều tra viên cao cấp, trưởng phòng điều tra vụ án chuyến bay giải cứu. nhưng lại sử dụng kiến thức để đối phó, trốn tránh. Tại tòa, Hưng quanh co chối tội, tạo áp lực cho bị cáo khác, xúc phạm cơ quan tố tụng. Vì vậy, VKS giữ nguyên nhận định và cáo buộc, đề nghị HĐXX ra một bản án nghiêm minh", đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại phiên tòa phát biểu.
Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và bị cáo Lê Hồng Sơn hối lộ hơn 38 tỉ đồng cho nhiều quan chức khi tổ chức các chuyến bay giải cứu. Sau khi vụ án khởi tố, bị cáo Hằng nhờ Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội) giúp đỡ và được giới thiệu gặp Hoàng Văn Hưng, điều tra viên chính trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Qua đó, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đã nhận 2,65 triệu USD từ Hằng và chuyển cho Hoàng Văn Hưng hơn 2,2 triệu USD để giúp Phó giám đốc Công ty Bluesky "chạy án". Tuy nhiên, việc "chạy án" đã không thành công.
Trong bản luận tội Viện KSND đề nghị bị cáo Hoàng Văn Hưng 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 800.000 USD; Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn bị đề nghị 6-7 năm tù tội Môi giới hối lộ; Lê Hồng Sơn bị đề nghị 11-12 năm, Nguyễn Thị Thanh Hằng bị đề nghị 10-11 năm cùng về tội Đưa hối lộ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn