Tạm hết…
Ngồi ở hàng ghế chờ cuối cùng trong sảnh để tới lượt vào khám, dù sảnh rất vắng, Nguyễn Liên Thanh, ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM, cho biết sáng nay cô đi chích ngừa 2 loại vaccine: cúm và sởi - quai bị - rubella (3 trong 1)
"Em chuẩn bị cưới chồng nên đi chích ngừa. Tuy nhiên, vaccine cúm thì đã hết nên không thể chích bữa nay, còn sởi - quai bị - rubella thì em muốn chích loại tốt Priorix của hãng GSK giá 374.000 đồng nhưng đã hết rồi, chỉ còn MMR-II của hãng MSD giá 240.000 đồng. Em vẫn đồng ý chích loại này vì đã mất công chạy tới đây rồi. Còn vaccine cúm thì lại phải chạy tới nơi khác. Em lại mất thêm thời gian đi nữa", Thanh nói.
Ngoài cửa ra vào, 2 bạn trẻ đang vừa đi vừa thảo luận khá tập trung. Tôi hỏi các em đi chích ngừa loại gì và đã chích được chưa, 2 bạn trả lời: "Tụi em đi chích ngừa viêm gan siêu vi B nhưng hết rồi chị ơi. Giờ tụi em lại phải chạy qua Phòng tiêm chủng vaccine Safpo tại Hùng Vương, quận 5. Chạy nhanh chứ không lại hết giờ".
Bác Trần Thị Mai, 75 tuổi, ngụ tại đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức (TPHCM), đang đứng lơ ngơ trong sảnh. Tôi hỏi bác đi chích ngừa loại nào, bác nói đi chích ngừa cúm nhưng giờ hết vaccine rồi.
"Tôi đi xe bus từ nhà tới đây, mất khá nhiều thời gian di chuyển. Thấy người ta nói phải sang nơi khác chích ngừa, cô có biết chỗ đó, chỉ dùm cho tôi địa chỉ để tôi ra xe bus tới cho kịp giờ sáng", bác Mai nhờ cậy. Tôi rút điện thoại ra tra địa chỉ nơi chích ngừa tại quận 5, rồi viết vào tờ giấy đưa cho bác. Bác cảm ơn rồi vội vã đi ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để đón xe bus.
Một bác sĩ tại Viện Pasteur cho chúng tôi biết, tình trạng hết nhiều loại vaccine tại Viện đã diễn ra khoảng 2 tháng nay.
"Tôi ngồi phòng khám, khách hàng, bệnh nhân tới khám, tư vấn chích ngừa mà trong Viện không có, tôi áy náy lắm. Bữa rồi có bệnh nhân bị chó cắn, hoảng hốt vội vàng tới xin chích ngừa vaccine phòng dại mà cũng không còn loại vaccine này, tôi đành phải chỉ bệnh nhân sang nơi khác chích ngừa. Cảm giác rất đau xót!", bác sĩ này chia sẻ.
Chưa biết khi nào có đủ vaccine
Vào giữa tháng 6/2022, PV Báo Phụ nữ Việt Nam đã có bài phản ánh về tình trạng hết sạch sinh phẩm và vaccine tại Viện Pasteur khiến Viện này "vườn không nhà trống".
Thời điểm đó vừa qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19, việc Viện Pasteur "vắng tanh như chùa bà Đanh" phần nào hiểu được. Cũng như nhiều thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công khác, Viện Pasteur thời điểm đó cũng đang vướng cơ chế ở khâu đấu thầu. Việc chậm trễ đấu thầu này đến từ rất nhiều nguyên nhân.
"Nếu bệnh viện làm đúng quy trình mua vật tư y tế thì thời gian kéo khá dài và tất nhiên, người có trách nhiệm để tự bảo vệ bản thân, không ai dám "vượt rào" trong hoạt động đấu thầu. Chưa kể tới việc một số các doanh nghiệp cung ứng trang thiết bị y tế bị gián đoạn nguồn cung sau dịch bệnh Covid-19. Việc nhập khẩu cũng không dễ dàng ở thời điểm sau dịch vì một số quốc gia cũng hạn chế xuất khẩu thuốc men và các thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế", một quan chức ngành Y thời điểm đó đã lý giải về việc thiếu hụt nhiều thiết bị, vật tư y tế trong các cơ sở y tế công.
Bộ Y tế khi ấy đã rà soát để lấy thêm ý kiến từ các bệnh viện về những khó khăn này để có hướng giải quyết sớm, hạn chế sự thiệt hại của các bệnh nhân. Trung tâm đấu thầu mua sắm quốc gia thì "đang trong quá trình đàm phán". Còn với cơ chế đấu thầu tập trung tại địa phương hoặc tại bệnh viện, thì các nơi đang ở trong tình trạng "không dám".
"Với yêu cầu giá đấu thầu năm sau phải rẻ hơn năm trước, hoặc khi mua thuốc phải dùng hết tới 80% loại đã mua thì đó là những bất cập còn tồn tại…", một nhà quản lý y tế công cho biết vào thời điểm tháng 6/2022.
Tuy nhiên, sau đó mọi việc cũng từ từ tháo gỡ, bớt căng thẳng hơn. Các cơ sở y tế công TPHCM dần dần lấy lại được "phong độ" vận hành để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho người dân. Viện Pasteur TPHCM cũng đã đi vào quỹ đạo ổn định, dù thay đổi người đứng đầu quản lý (GS.TS Phan Trọng Lân chuyển công tác, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung nhận cương vị Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM vào tháng 2/2022).
Nếu như thời điểm sau dịch Covid-19, việc hết sạch sinh phẩm và vaccine tại Viện Pasteur được người trong nghề nhìn nhận là tình cảnh "chưa từng thấy" nhưng vẫn có điểm để "vịn cớ" thì tới thời điểm bây giờ, thật khó giải thích lý do vì sao Viện này lại vẫn ở trong tình trạng thiếu hụt nhiều vaccine trong thời gian dài như vậy.
"Hiện sinh phẩm trong Viện vẫn có nhưng vaccine thì nhiều loại đã thiếu hụt được một thời gian. Cụ thể như huyết thanh ngừa uốn ván đã hết hàng hơn 2 tháng nay còn các loại khác như huyết thanh ngừa dại, não mô cầu, thuỷ đậu, viêm gan B thì mới hết gần đây. Không biết tới bao giờ mới có đầy đủ được vaccine, huyết thanh tại Viện. Trong khi các cơ sở tiêm chủng khác, các vaccine này vẫn có", một nguồn tin cho PV Báo Phụ nữ Việt Nam biết.
Vào lúc khoảng 10h sáng 9/7/2024, PV Báo Phụ nữ Việt Nam liên lạc với Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, PGS.TS Nguyễn Vũ Trung, qua điện thoại. Tuy nhiên PGS Trung không nghe máy.
Viện Pasteur TPHCM được thành lập vào năm 1891, là 1 trong số 4 Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực trực thuộc Bộ Y tế và là đơn vị duy nhất tại khu vực phía Nam và 1 trong 3 đơn vị trong cả nước được Bộ Y tế cho phép triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về vaccine.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn