Viện sĩ 93 tuổi có hơn 60 năm nghiên cứu về ung thư khuyên nên tránh xa 4 điều này để sống khỏe

14:24 | 06/09/2022;
Có nhiều yếu tố góp phần dẫn tới bệnh ung thư, theo Viện sĩ Tôn Yên chủ yếu là do 4 thói quen xấu dưới đây. Biết trước sẽ giúp bạn ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Tôn Yên, viện sĩ của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, bác sĩ ung thư lâm sàng và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng về Ung thư Quốc gia năm nay đã 93 tuổi chia sẻ: "Tôi chỉ hy vọng rằng tôi có thể sống lâu và khỏe mạnh để nhìn thấy ước mơ của mình thành hiện thực".

Từ những năm 1960 đến nay, viện sĩ Tôn Yên đã nghiên cứu về bệnh ung thư hơn 60 năm. Ông có một giấc mơ là cố gắng nâng cao tỷ lệ chữa khỏi ung thư, giảm tỷ lệ mắc bệnh và giúp bản thân sống đến năm 2030 để thực hiện mục tiêu "Trung Quốc khỏe mạnh 2030". 

Viện sĩ Tôn Yên đã cống hiến cho việc phổ biến phòng ngừa và điều trị khối u trong một thời gian dài, dưới đây là những điều mà trang Aboluowang đã đúc kết qua một số cuộc phỏng vấn Viện sĩ Tôn Yên về việc ngừa ung thư.

Mọi người đều có tế bào ung thư trong cơ thể

Trong cơ thể ai cũng có tế bào ung thư. (Ảnh minh họa)

Viện sĩ Tôn Yên đã chỉ ra các khối u hình thành là do cơ thể mất khả năng kiểm soát tế bào ung thư. Các tế bào bình thường trong quá trình lão hóa của mình sẽ có đột biến gen và bắt đầu tăng sinh vô hạn để tạo ra bệnh ung thư. Thời gian tính từ khi có đột biến tế bào ung thư đầu tiên đến khi một người được chẩn đoán ung thư thường mất khoảng 2 - 3 năm hoặc có thể tới 40 năm.

Trong cơ thể của mỗi con người có khoảng 60 nghìn tỷ tế bào. Khi mỗi phút trôi qua cũng đồng nghĩa với có khoảng 100 triệu tế bào mới được sinh ra và chết đi. Trong quá trình nhân đôi và phân chia của tế bào có thể xảy ra sự sai lệch và hậu quả của nó chính là tế bào bị đột biến. Như vậy, nguy cơ ai cũng có tế bào ung thư là rất cao.

Những yếu tố gây ung thư phổ biến

Viện sĩ Tôn Yên cho rằng nhiều khối u thực chất là do thói quen xấu “gây ra”, nhưng những yếu tố xấu này hoàn toàn có thể kiểm soát được.

1. Chế độ ăn nhiều chất béo

Ăn thực phẩm chiên xào nhiều chất béo cũng dễ gây ung thư ruột. (Ảnh minh họa)

Viện sĩ Tôn Yên cho rằng việc hấp thụ một lượng lớn thực phẩm giàu chất béo trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ ung thư ruột.

Sau khi ăn, túi mật co bóp và bài tiết mật để hỗ trợ tiêu hóa, đồng thời vi khuẩn có trong ruột cũng tạo ra axit mật thứ cấp và lưu lại trong phân. Một số người ăn nhiều dầu mỡ trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ bị táo bón, nếu không đại tiện kịp thời, axit mật thứ cấp sẽ tiếp tục kích thích niêm mạc trong đường ruột, và nguy cơ biến đổi ác tính của niêm mạc sẽ tăng lên tương ứng.

2. Hút thuốc lá và uống rượu

Viện sĩ Tôn Yên cho biết hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi  và khiến nhiều người buộc phải hít khói thuốc thụ động.

Thuốc lá chứa hơn 4.000 loại chất hóa học, trong đó có hơn 400 loại có thể gây độc cho cơ thể và cũng chứa hơn 50 loại chất gây ung thư bao gồm asen, cadmium, formaldehyde và benzopyrene. Hút thuốc lá trong thời gian dài có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển các bệnh ung thư như phổi, vòm họng và thực quản.

Viện sĩ Tôn Yên chia sẻ, những người thường xuyên uống nhiều rượu bia có nguy cơ mắc ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư miệng, ung thư vòm họng... cao gấp 1-5 lần so với những người khác. Phụ nữ uống nhiều rượu bia còn dễ mắc ung thư vú.

3. Béo phì

Viện sĩ Tôn Yên từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng, thà đói còn hơn ăn quá nhiều, gầy còn hơn béo. Phần lớn người béo phì đều có cholesterol và insulin trong máu cao. Lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch tăng cao, làm giảm khả năng diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch trong cơ thể. Còn insulin có khả năng ức chế tế bào miễn dịch, thúc đẩy tăng sinh tế bào. Nếu trong cơ thể có tế bào xuất hiện biến chứng ung thư thì nó sẽ thúc đẩy tăng sinh tế bào ung thư.

4. Tâm trạng không tốt

Thường xuyên cáu gắt là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Viện sĩ Tôn Yên thường nói rằng ông cả năm không nổi giận một lần. Theo ông, điều kiện sống của người hiện đại tốt hơn xưa nhưng nhiều người vẫn luôn trong tình trạng căng thẳng quá mức và tâm trạng không tốt. Điều này thường xuyên tiếp diễn rất dễ khiến chức năng miễn dịch của cơ thể bị suy giảm, tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Muốn phòng chống ung thư, việc giữ tâm trạng vui vẻ là điều vô cùng quan trọng.

Ông cho biết thêm, thói quen sống tốt (bao gồm không hút thuốc/bỏ thuốc lá, không uống rượu quá mức, tích cực tập thể dục, thói quen ăn uống lành mạnh và kiểm soát cân nặng) có liên quan đến giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, tử vong do tim mạch, tử vong do ung thư và tử vong do bệnh hô hấp mãn tính. Ở tuổi 30, nếu duy trì được 5 thói quen tốt này, tuổi thọ có thể được kéo dài thêm khoảng 8 đến 9 năm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn