Sau bữa sáng tại khách sạn Chaleunxay (trung tâm Thủ đô Viêng Chăn), chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá các điểm tham quan của thành phố này. Điểm đầu tiên chúng tôi lựa chọn là Khải Hoàn Môn Patuxay.
|
Khải Hoàn Môn Patuxay |
Khải Hoàn Môn Patuxay được xây dựng năm 1958, nằm phía Đông Bắc thủ đô, nổi bật trên đại lộ Lane Xang. Công trình này mang đậm bản sắc văn hóa Lào với những họa tiết điêu khắc đặc biệt và được xem là biểu tượng chiến thắng của thành phố.
Tháp trước kia có tên Anou Savary (Đài chiến sĩ vô danh), được xây để tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đứng trên tầng cao nhất của Anou Savary, có thể thấy toàn diện cảnh quan Viêng Chăn.
|
Ngôi chùa thiêng Wat Si Muang |
Rời Khải Hoàn Môn Patuxay, chúng tôi di chuyển trên đoạn đường chừng 3km đến Pha That Luang. Đây là một tháp xá lị lớn và đẹp nhất ở Lào nằm cuối đường Lane Xang. That Luang là Di sản văn hóa thế giới, biểu tượng của quốc gia Phật giáo tiểu thừa Lào, được in trên tiền giấy và Quốc huy nước Lào. Tháp có hình nậm rượu uy nghi và tráng lệ, bên ngoài được dát vàng thật óng ánh và thu hút với kết cấu độc đáo vươn ra như một mũi tên.
Cách Pha That Luang chừng 8km, chúng tôi đến Wat Si Muang - ngôi chùa được cho là linh thiêng nhất tại Thủ đô Viêng Chăn được dây dựng trên phế tích của một ngôi đền Khmer, phác họa rõ nét sự kết hợp của đức tin Phật giáo và tín ngưỡng nguyên thuỷ của Lào.
|
Lễ buộc chỉ cổ tay ở chùa Wat Shi Muang |
Chùa mang tên một người đàn bà mang thai đã tình nguyện hiến sinh thân mình làm “cột mốc” thiêng cho Tổ quốc từ 300 năm trước theo truyền thuyết, nó được xây dựng để tôn thờ và tưởng nhớ đến bà. Tại đây, chúng tôi được làm lễ buộc chỉ tay cầu may, nét văn hoá truyền thống độc đáo của Lào, nó thể hiện lòng yêu mến khách của người dân Lào đối với bạn bè năm châu.
Rời Trung tâm thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi đến Vườn tượng Phật Buddha Park (Xieng Khuan). Vườn với hơn 200 bức tượng Phật giáo và các nhân vật trong Hindu giáo làm bằng bê-tông, mang hình ảnh con người, thần linh, động vật và ác quỷ; đặc biệt là bức tượng Phật khổng lồ chống tay dài 40m.
|
Vườn tượng Phật Buddha Park |
Không thể bỏ qua động âm phủ đặc biệt ấn tượng, mang hình dáng trái bí ngô khổng lồ với cái miệng ác quỷ cao chừng 2m chính là cửa động. Đứng trên đỉnh trái bí ngô, quan sát vườn tượng Phật theo cách riêng, để có phút bỏ lại những tham sân si, tĩnh lòng, chiêm nghiệm và ngẫm ngợi những điều răn dạy giáo lý nhà Phật.
Sự thú vị không nhỏ nằm ở những điểm dừng chân là Lasaviewpoint. Đây là nhà chòi bằng gỗ có mái che rộng rãi nằm ven con đường đèo quanh co, giúp du khách có thể dừng xe ngắm những đỉnh núi đá lởm chởm, gai góc, thăm thẳm mà cuốn hút.
|
Pha That Luang lung linh trong đêm |
Morning market (Chợ buổi sáng) mở cửa từ sớm với hàng hóa phong phú và đa dạng, từ hàng thời trang đến quầy thủ công, váy áo của phụ nữ Lào, đồ bạc, thổ cẩm... Đặc biệt, không khó gặp người Việt bán hàng nên có thể mặc sức trao đổi và trả giá. Dù không ưng thuận và quay đi, chúng tôi vẫn nhận được những nụ cười thân thiện của chủ hàng.
Nói tới ẩm thực Lào, không thể không nhắc đến bia Lào với hương thơm, vị đậm đà mà chất lừ, uống đến đâu biết tới đó. Bia Lào từng được tạp chí Asia Magazine bình chọn là loại bia ngon nhất châu Á. Phong cách uống bia của người Lào là lặng lẽ “nhấm nháp” chứ không “nhậu” tưng bừng.
Tinh hoa ẩm thực tiếp theo của Lào có lẽ là những giỏ xôi nhỏ đan bằng trẻ rất xinh xắn, mà gần như quán nào cũng có. Xôi trắng với vị thơm đặc biệt, không ngấy, hạt dẻo mà nắm hoài không dính. Anh Sắc lái xe tuk tuk cho biết: “Đó là thứ nếp được trồng trên những nương rẫy cao ngút ngàn của núi rừng Lào”.
Một món cũng được người Lào ưa chuộng là trứng bắc thảo. Trứng được làm ra bằng cách bọc trong đất sét, tro và muối trong hàng tháng liền cho đến khi lòng đỏ chuyển sang màu xanh đen và vị ngai ngái. Có thể ăn trực tiếp và sắt ra chiên chế biến theo từng món khác nhau.
Bạn cũng đừng bỏ qua món nướng - ẩm thực đặc trưng của người Lào. Với vị chính là cay, chua và ngọt, những món nướng từ cá, thịt, lạp xưởng, ếch… không đắt tiền. Do không cầu kỳ trong chế biến nên giữ lại gần như nguyên vẹn hương vị thuần khiết của từng món ăn.
Dọc theo cung đường từ Viêng Chăn quay lại cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), chúng tôi đã mua được những con cá khô vùng sông Mê Kong về làm quà rất thơm ngon và rẻ từ những người bản xứ ven núi thân thiện. Chúng tôi tự nhủ sẽ trở lại Viêng Chăn một ngày không xa. Khi đó, chắc chắn chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để khám phá miền đất yên bình này.
Thông tin cho bạn
- Từ Hà Nội, du khách có thể đến Lào bằng máy bay hoặc đi ô tô khách (giá vé khoảng 1 triệu đồng/người/chiều) hoặc lái xe ô tô cá nhân qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh).
- Khi tới Viên Chăn, du khách có thể ở trong các khách sạn như: Vientiane Golden Sun Hotel; S Park Design Hotel; Salana Boutique Hotel; Ansara Hotel. Tùy theo từng khách sạn, phòng đơn/đôi mà giá dao động từ 700.000 đến 3 triệu đồng/ngày đêm.
- Ở Viêng Chăn, taxi rất ít. Nếu muốn di chuyển trong thành phố thì du khách lựa chọn xe Tuk tuk. Ngồi trên Tuk tuk ngắm nhìn đường phố là một điều thú vị. Nếu đi càng đông người thì càng rẻ. Xe Tuk tuk tính theo cuốc, nên 1 cuốc càng nhiều người thì có thể chia tiền. Ngoài ra, tại Viêng Chăn cũng có nhiều con đường yên tĩnh và người dân có dịch vụ cho thuê xe đạp. Giá thuê khoảng vài chục ngàn đồng/ngày.
|