Ngày 10/12, Học viện Quân Y đã tiếp nhận những người đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19. Chị H.T.V. (21 tuổi, ở Hà Nội) là một trong những tình nguyện viên đăng ký tiêm vaccine cho biết bản thân rất hồi hộp với việc tiêm thử nghiệm này.
V. cho biết, trước khi đăng ký thử nghiệm, đã xin ý kiến của gia đình và được bố mẹ ủng hộ. V. tin tưởng, thử nghiệm lần này sẽ thành công để bước vào đợt thử nghiệm thứ 2. "Chỉ khi có vaccine thì dịch mới được kiểm soát, cuộc sống của mọi người mới trở lại bình thường như trước. Tuy nhiên, để có được vaccine thì phải có quá trình thử nghiệm và em tình nguyện để thử nghiệm", V. chia sẻ.
N.L.P. (25 tuổi, ở Bắc Ninh) là học viên cao học y khoa cũng đăng ký thử nghiệm lần này. Cô cho biết, từng nghiên cứu và tìm hiểu về COVID-19 nên hiểu rõ những tác hại của bệnh. P. cho biết cũng khá e ngại khi tiêm thử nghiệm, bởi "sẽ có rủi ro" sau khi tiêm không thể dự đoán. Dù vậy, P. vẫn tin là thử nghiệm sẽ thành công.
GS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, trong sáng nay đã có 30 tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm vaccine COVID-19. Đây là loại vaccine có tên Nanocovax, do Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN nghiên cứu và sản xuất. Ưu đểm của vaccine này là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng. Vaccine này đã được tiêm trên chuột, Hamster, khỉ và có kết quả rất tốt.
Cũng theo GS. Quyết việc thử nghiệm trên người sẽ đảm bảo an toàn, không để xảy ra tai biến. Nếu sau khi tiêm mà người thử nghiệm có biểu hiện không an toàn sẽ lập tức dừng lại ngay.
Còn theo ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty NANOGEN, đơn vị này đã mua gói bảo hiểm 20 tỷ đồng cho tình nguyện viên thử nghiệm vaccine. Ông Nhân cũng cho rằng việc thử nghiệm sẽ đảm bảo an toàn, không có chuyện tai biến dẫn tới tử vong khi thử nghiệm.
Theo Bộ Y tế, đây là vaccine đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thiện quy trình nghiên cứu và đạt hiệu quả cao trong thử nghiệm tiền lâm sàng, hứa hẹn sẽ là vaccine COVID-19 "made in Vietnam" đầu tiên đưa ra thị trường. Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay các đơn vị liên quan đã chuẩn bị rất tốt cho đợt thử nghiệm này. Bộ Y tế sẽ dành toàn bộ điều kiện tốt nhất về sàng lọc, thăm khám cũng như quản lý hồ sơ sức khỏe cho các tình nguyện viên. Sau khi tiêm, các tình nguyện viên sẽ được theo dõi sức khỏe trong 72 tiếng, thay vì 24 tiếng như các loại trước đây, ông Quang nói.
Việc thử nghiệm lâm sàng sẽ trải qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I từ tháng 12/2020 đến 2/2021, sẽ có 60 người (18-50 tuổi) sẽ được tiêm thử vaccine tại Học viện Quân Y.
Giai đoạn II (từ tháng 2 đến 8/2021), quy mô mở rộng lên 400-600 người (từ 12-75 tuổi). Đồng thời, ngoài Học viện Quân Y, 2 cơ sở khác là Viện Pasteur TP.HCM và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng sẽ cùng tham gia thử thuốc.
Giai đoạn III (8/2021-2/2022), vaccine này sẽ được thử nghiệm trên số mẫu lớn 1.500-3.000 người (12-75 tuổi).
Tất cả đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm bắp 2 liều vaccine hoặc giả dược (đối với giai đoạn II và III). Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi đối tượng là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn