Việt Nam chủ động thích ứng già hóa dân số, chăm sóc người cao tuổi

18:14 | 01/10/2023;
Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều chính sách thiết thực nhằm bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.

Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn "dân số già" vào năm 2036

Kết quả từ cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 11/4/2021 cho thấy, tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2021 là 98,3 triệu người. Trong đó, dân số nam là 48,7 triệu người, chiếm 49,6%; dân số nữ là 49,5 triệu người, chiếm 50,4%; có 12,5 triệu người cao tuổi (NCT) từ 60 trở lên (12,8%); 8,1 triệu người từ 65 tuổi trở lên (8,3%); gần 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (2%).

Còn theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9/2/2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người, từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người, từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người.

Các phân tích từ cuộc điều tra cho biết, năm 2021 chỉ số già hóa của nước ta đạt 53,1%, tức là cứ 100 trẻ em dưới 15 tuổi thì có khoảng 53 người già từ 60 tuổi trở lên. Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15-64 tuổi khá cao (chiếm 67,6% tổng dân số cả nước). Tuy nhiên, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Tỷ trọng nhóm dân số trẻ từ 0-14 tuổi liên tục giảm từ 24,5% năm 2009 xuống 24,3% năm 2019 và 24,1% năm 2021; trong khi nhóm dân số già từ 65 tuổi trở lên liên tục tăng từ 6,4% năm 2009, lên 7,7% năm 2019 và 8,3% năm 2021.

Việt Nam chủ động thích ứng già hoá dân số, chăm sóc người cao tuổi - Ảnh 1.

Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9/2/2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân

Thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" mang lại cơ hội lớn để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của đất nước. Tuy vậy, nếu không có sự quan tâm và có các chính sách phát triển phù hợp, cơ cấu "dân số vàng" không những sẽ không đem lại tác động tích cực cho phát triển đất nước mà sẽ là áp lực về việc làm, trật tự, an ninh xã hội… Do đó, để tận dụng cơ cấu "dân số vàng", đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, tăng năng suất lao động, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ, bảo đảm an sinh xã hội cho người già và người dễ bị tổn thương, bảo đảm bình đẳng giới…

Giai đoạn 2009-2019, dân số tăng bình quân 1,14%/năm, trong khi dân số cao tuổi tăng bình quân 4,35%/năm, bình quân mỗi năm tăng 400 nghìn NCT; sang giai đoạn 2019 - 2021, bình quân tăng 600 nghìn NCT mỗi năm. Dự báo đến 2029, Việt Nam có 17,2 triệu NCT (16,5% dân số và năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn "dân số già", khi có khoảng 15,46 triệu NCT từ 65 tuổi trở lên, đạt 14,17% dân số. Điều đáng lưu ý là, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nêu trên kéo dài hàng trăm năm.

Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người cao tuổi

Hiện tuổi thọ trung bình của nước ta đạt 73,6 tuổi; trong đó trung bình tuổi nam 71,1 và nữ 76,4 tuổi. Thông tin từ Hội Người cao tuổi Việt Nam và các cơ quan chức năng, hằng năm có trên 1,1 triệu NCT được chúc thọ, mừng thọ; 3 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu NCT được khám sức khỏe định kì; trên 95% NCT có thẻ bảo hiểm y tế; cả nước có trên 77.000 CLB văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của NCT, thu hút 2,5 triệu NCT tham gia.

Việt Nam chủ động thích ứng già hoá dân số, chăm sóc người cao tuổi - Ảnh 2.

Chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội

Thực hiện Đề án 1533 và 1336 của Chính phủ, Hội Người cao tuổi đã tham mưu, phối hợp thành lập hàng nghìn CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút hàng vạn người tham gia; mô hình này được quốc tế đánh giá cao, đoạt giải Nhất "Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh".

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc về vai trò, vị thế, sự đóng góp quan trọng của NCT và dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều chính sách thiết thực nhằm bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT. Chúng ta luôn coi NCT là nền tảng của gia đình, nguồn lực quan trọng của sự phát triển xã hội. NCT chính là lớp người có công lớn đối với gia đình, xã hội và đất nước, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Khi tuổi cao, NCT vẫn tiếp tục đem trí tuệ, tài năng, kinh nghiệm cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 37, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 quy định: "NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Điều 59 "Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp NCT, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác".

Việt Nam chủ động thích ứng già hoá dân số, chăm sóc người cao tuổi - Ảnh 3.

NCT Việt Nam tích cực với các hoạt động sống vui, sống khỏe, sống có ích

Luật NCT năm 2009 quy định 5 nhóm chính sách đối với NCT bao gồm: Chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, giao thông công cộng; bảo trợ xã hội; chúc thọ, mừng thọ và tổ chức tang lễ; phát huy vai trò NCT. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Lao động; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Trợ giúp pháp lí đều quy định cụ thể chính sách với NCT.

Nghị quyết số 21, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) ngày 25/10/2017 về công tác dân số nhấn mạnh: "Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số"; mục tiêu "Đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lí sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung". 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Tiếp tục xây dựng gia đình kiểu mẫu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau". Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc NCT. Bảo trợ, giúp đỡ NCT gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa...

Còn Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030 có Mục tiêu 8 về Thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe NCT. Chương trình Hành động Quốc gia về NCT giai đoạn 2021 - 2030 gồm 13 mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030 cũng đề ra 14 mục tiêu vì NCT…

Tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hiện có 6,5 triệu NCT Việt Nam trực tiếp tham gia lao động, sản xuất; nhiều NCT làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; hàng trăm nghìn NCT đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi; 656 nghìn NCT tham gia công tác đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở; 64% số hội viên Hội Khuyến học là NCT…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn