Việt Nam chuẩn bị ghép ruột, ghép tử cung vào năm 2020

17:45 | 10/11/2019;
Mục tiêu đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các trung tâm ghép tạng sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người như ghép được chi thể, ruột, tử cung,...

Theo GS.TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết tính đến hết 31/8/2019, cả nước đã thực hiện hơn 4.200 ca ghép tạng. Riêng năm 2019, tổng số ca ghép tạng là 521 ca.

Còn theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tính đến đầu tháng 11/2019, cả nước có trên 30.000 người đăng ký hiến mô, tạng khi chết não. Con số này tăng gấp ba so với cùng kỳ năm 2018 (khoảng 10.000 ca). Trong đó, số ca hiến tạng từ người cho chết não, chết tuần hoàn là hơn 220 trường hợp.

Các chuyên gia thực hiện ca ghép tạng

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện nay số người hiến tạng khi chết não còn hạn chế nên một số bệnh nhân có điều kiện thì phải sang nước ngoài để thực hiện ghép. Ngoài ra, cũng do nhu cầu ghép tạng lớn, trong khi nguồn hiến ít nên xuất hiện tình trạng “cò mồi” trong mua bán nội tạng. Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phá nhiều vụ án, khởi tố một số đối tượng về hành vi mua bán các bộ phận cơ thể người. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn nên các đối tượng phạm tội vẫn lén lút hoạt động

Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong hiến ghép tạng, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các BV nâng cao kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 và những năm tiếp theo, các trung tâm ghép tạng trên cả nước sẽ triển khai nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người  như ghép được chi thể, ruột, tử cung,... đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn