“Quả trăm mắt” được nhắc đến ở đây chính là quả na (còn gọi là mãng cầu ta hay mãng cầu dai). Vì có mùi thơm, vị ngọt đặc trưng mà không hề đắt đỏ nên loại quả này được nhiều người yêu thích. Nhưng bên cạnh vị ngon, na còn chứa rất nhiều khoáng chất và phòng rất nhiều bệnh tật.
Na có nhiều chủng loại khác nhau, mùi vị và hàm lượng dinh dưỡng giữa các loại cũng có sự khác biệt nhất định. Điểm chung là chỉ nên ăn na khi đã chín, ăn phần thịt na và bỏ hạt, vỏ. Ăn na lúc này không chỉ ngon miệng và tránh gây hại cho sức khỏe mà còn là thời điểm dinh dưỡng trong quả na đạt mức tối đa.
Các chất dinh dưỡng nổi bật trong quả na gồm carbohydrate, chất xơ, protein, gluxit các loại vitamin (vitamin C, vitamin B6, vitamin A…), các khoáng chất như kali, sắt, magie… Trong đó, hàm lượng vitamin C của na cực cao là 19,2 mg/100 g và đáp ứng khoảng 20% lượng chất này cần thiết cho một người trưởng thành mỗi ngày.
Đặc biệt, quả na chứa các hợp chất chống oxy hóa cao như polyphenol, asimicin và bullatacinare. Các chất này đặc biệt có lợi ích tuyệt vời trong quá trình chống hình thành gốc tự do, chống lại sự phát triển của các tế bào gây ung thư, bảo vệ sức khỏe. Trong khi đó na cung cấp nhiều năng lượng nhưng lại không có cholesterol và chất béo bão hòa và ít natri.
Ngoài nguồn dinh dưỡng dồi dào, khi ăn na chúng ta còn nhận về nhiều lợi ích sức khỏe và làm đẹp.
Bảo vệ tim mạch:
Na rất giàu khoáng chất như canxi, photpho magie và kali… Trong đó hàm lượng ion kali đặc biệt cao. Ion kali giúp điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ mắc các bệnh về mạch máu não và tim mạch. Còn các khoáng chất khác có thể duy trì chức năng bình thường của tim, cơ và dây thần kinh và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Tốt cho tiêu hóa:
Trái na có chứa hàm lượng chất xơ cao giúp cải thiện hệ tiêu hóa và đường ruột hiệu quả. Ăn na chín thường xuyên còn thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và giảm cảm giác thèm ăn do no lâu. Chất xơ trong na ngăn ngừa sự hình thành của tế bào ung thư ở ruột già giúp niêm mạc khỏe mạnh hơn.
Giảm nguy cơ ung thư:
Trong quả na chứa một lượng lớn các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ như polyphenol, acetogenin (asimicin và annonacin). Những chất này hoạt động như những "chiến binh" dũng cảm, tiêu diệt các gốc tự do gây hại, ngăn chặn quá trình oxy hóa tế bào, từ đó làm giảm nguy cơ đột biến gen và hình thành tế bào ung thư. Chất xơ trong na cũng giúp giảm nguy cơ ung thư tiêu hóa.
Tốt cho não bộ:
Quả na chín cũng chứa vitamin B6 với hàm lượng khá cao. Đây là chất có khả năng kiểm soát và loại bỏ sự căng thẳng, làm dịu thần kinh. Đây cũng là chất cần thiết để chống lại tình trạng trầm cảm, giảm nguy cơ mắc bệnh parkinson. Ăn na chín điều độ có thể cải thiện chứng mất ngủ, cải thiện tâm trạng.
Bảo vệ mắt:
Trong quả na chín cũng được tìm thấy hàm lượng vitamin A, C, riboflavin, vitamin B2 khá nhiều. Đây là những chất vô cùng quan trọng tham gia vào quá trình bảo vệ sức khỏe đôi mắt, cải thiện tầm nhìn, giúp đôi mắt luôn sáng và khỏe mạnh.
Tăng cường sức khỏe xương và răng:
Vitamin K và photpho, canxi có trong quả na đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe xương và răng. Nhờ vậy, loại quả này có thể góp phần bảo vệ chúng ta khỏi bệnh loãng xương và cải thiện tình trạng xương yếu. Nó cũng chứa chất kháng viêm tốt cho răng miệng.
Tốt cho làn da:
Quả na chứa nhiều yếu tố quan trọng để làm đẹp da, bao gồm vitamin B5, vitamin C, vitamin A, kẽm và đồng. Các thành phần này hoạt động cùng nhau để phát huy hiệu quả trong việc chữa lành mụn trứng cá, vấn đề về áp xe, dị ứng và nhiều vấn đề về da khác.
Bảo vệ gan:
Với một lượng dồi dào các chất chống oxy hóa như vitamin C và flavonoid, quả na có thể giúp bảo vệ tế bào gan khỏi tổn thương do gốc tự do. Hơn nữa, lá mãng cầu cũng chứa hợp chất có thể giúp chống lại bệnh gan nhiễm mỡ và giảm stress oxy hóa trong tế bào gan.
Na cung cấp nhiều dinh dưỡng quý báu nhưng ăn quá mức cũng gây hại cho sức khỏe. Chỉ nên ăn khoảng 1 - 3 quả na mỗi ngày, chỉ ăn na chín kỹ và bỏ hạt, vỏ để an toàn. Ăn quá nhiều na có thể gây ra mệt mỏi, ngộ độc hoặc giảm huyết áp do tăng sắt, kali quá mức. Na tốt cho tiêu hóa nhưng ăn khi chưa chín hẳn hoặc ăn quá mức dễ gây táo bón, sỏi dạ dày vì nhiều tanin.
Na cũng chứa nhiều đường nên ăn quá nhiều gây tăng cân, không phải lựa chọn tốt với bệnh nhân tiểu đường hay đang mọc mụn trứng cá. Người bệnh thận cũng nên cẩn trọng khi ăn na để kiểm soát kali nạp vào. Một số người có thể bị dị ứng với na, gây ra các triệu chứng như ngứa, nổi mề đay, khó thở.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn