Để tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 cần có sức khỏe để có thể làm việc; người có khả năng làm việc phải có việc làm và người có việc làm phải làm việc có năng suất. Hiện nay, phụ nữ có nhiều cơ hội đáp ứng những yêu cầu này.
Trước hết, vì mức sinh của nữ giới hiện nay thấp hơn nhiều so với trước đây, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế. Nếu vào thập niên 70 của thế kỷ trước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 6 con thì 15 năm nay, bình quân mỗi phụ nữ chỉ sinh 2 con. Có thể nói thời gian mang thai, sinh đẻ, nuôi con đã giảm 3 lần. Hơn nữa, sinh ít, con khỏe, mẹ khỏe; tuổi thọ trung bình của phụ nữ tăng lên và cao hơn nam giới: 76,3 năm so với 71,0. Do vậy, phụ nữ càng có điều kiện tham gia sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, phụ nữ chiếm 47% lực lượng lao động của cả nước.
Đất nước đang trong thời kỳ huy động mọi nguồn vốn, đầu tư, phát triển mạnh, tạo ra nhiều việc làm nên tỷ lệ thất nghiệp thấp. Cũng năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của cả nước là 2,16%; tỷ lệ thất nghiệp ở nữ giới cao hơn mức trung bình nhưng cũng chỉ là 2,28%.
Tỷ lệ trẻ em gái được đi học ngày càng tăng lên và đã ngang bằng với trẻ em trai. Chẳng hạn, năm học 2015 - 2016, tỷ lệ nữ sinh ở các trường phổ thông đạt 49,1% còn ở các trường đại học lên tới 53,2%. Theo Tổng điều tra Dân số năm 2019, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao của nữ cao hơn hẳn nam giới: 8,9% so với 6,4%. Đối với trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung, tỷ lệ lao động nữ là 3,4%, cao hơn nam giới (2,3%). Đây không chỉ là một trong những điều kiện để nữ giới nâng cao năng suất lao động mà còn là cơ sở vững chắc nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ, thực hiện tốt hơn nữa bình đẳng giới.
Cần đảm bảo việc làm liên tục cho lao động nữ
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Đình Cử cũng chỉ ra thách thức lớn với Việt Nam là năng suất lao động của lao động nói chung và lao động nữ nói riêng còn thấp và thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Một trong những lý do năng suất thấp là lao động tập trung nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Mặt khác, tỷ lệ lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật trung, cao cấp, cao hơn nam giới nhưng vẫn rất thấp so với yêu cầu. Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo theo mọi trình độ chuyên môn kỹ thuật (sơ, trung, cao cấp) của cả xã hội chỉ có 23,1%; trong đó nữ là 20,5%. Vì vậy, dịch chuyển lao động theo hướng hiện đại, đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cho lao động, đặc biệt là lao động nữ, vừa là điều kiện tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng, vừa là thách thức hiện nay.
Một thách thức nữa là đảm bảo việc làm liên tục cho lao động nữ. Ở độ tuổi sau 35 - 40, sức khỏe người lao động suy giảm; tay không còn nhanh, mắt không còn tinh để đứng máy. Đây cũng là thời điểm họ dễ bị mất việc làm nhất và rất khó tìm lại việc làm mới sau khi bị sa thải hay nghỉ việc. Vì vậy, bảo vệ lao động ở tuổi trung niên trở thành một đòi hỏi không chỉ cho quyền lợi của người lao động mà còn là yêu cầu để tận dụng cơ cấu dân số vàng.
Thế nào là "cơ cấu dân số vàng"?
Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS), đó là thời kỳ trong dân số có nhiều người trong độ tuổi lao động. Cụ thể, khi số người từ 15 đến 64 chiếm ít nhất 2/3 (hay 66%) tổng dân số. Tỷ lệ này hàm ý rằng, trong dân số, cứ 2 người trong độ tuổi lao động thì tương ứng có 1 người ngoài độ tuổi lao động (trẻ em hoặc người già).
Tỷ lệ 66% được coi là khá cao. Năm 1979, tỷ lệ này ở nước ta chỉ có 53% nhưng năm 2019 đã đạt tới 68%. Như vậy, giả sử có 100 triệu dân thì với cơ cấu dân số như năm 1979 chúng ta chỉ có 53 triệu người trong độ tuổi lao động còn năm 2019 chúng ta có 68 triệu. Cơ cấu này tạo ra "dư lợi" tới 15 triệu người trong độ tuổi lao động.
Năm 2006, nước ta đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Năm 2019, số người từ 15 đến 64 tuổi chiếm tới 68% tổng số dân nhưng do mức sinh thấp và già hóa nhanh nên tỷ lệ này đã có xu hướng giảm. Vì vậy, theo dự báo, thời kỳ cơ cấu dân số vàng chỉ kéo dài tới năm 2042.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn