Việt Nam đã giúp chồng tôi hàn gắn tâm hồn"

12:29 | 27/07/2022;
"Việt Nam đã giúp James hàn gắn tâm hồn. Là người vợ, tôi cảm nhận rõ ràng điều ấy. Jim thường nói, chỉ có Việt Nam mới giúp anh ấy" - vợ cựu binh Mỹ James Rhodes đã từng thốt lên như thế sau những chuyến cùng chồng trở lại Việt Nam.

"Tôi đến Việt Nam vào cuối năm 1968 và phục vụ trong Phi đội Đặc nhiệm số 6 của Không lực Mỹ đóng tại Pleiku. Nhiệm vụ chính của chúng tôi là tìm kiếm và cứu nạn các phi công Mỹ bị bắn rơi. Chúng tôi còn thực hiện những chiến dịch bí mật trên đất Lào. Tôi cũng có một thời gian ngắn tham gia Sư đoàn Bộ binh số 4 ở Núi Hàm Rồng (Pleiku) thuộc Trại Enari (Lục quân). Ngoài ra, tôi cũng có một thời gian ở Đà Nẵng và Vịnh Cam Ranh với Không lực Mỹ. 

Tất cả những gì chúng tôi biết về Việt Nam khi ở Mỹ đều là giả dối. Không ai từng nói cho chúng tôi biết về Hiệp định Geneva 1954 rằng chúng tôi chính là những kẻ xâm lược, ngăn cản sự thống nhất của một dân tộc đã từng sát cánh cùng với quân đồng minh trong Chiến tranh thế giới lần thứ II. Sinh ra và lớn lên là một người Kitô giáo, tôi đã bị sốc vì những gì mà chúng tôi làm trên khắp đất nước Việt Nam. Tôi đã thực sự đau đớn về điều này", ông James Rhodes chia sẻ.

Cựu binh Mỹ James Rhodes: “Người Việt Nam là những người tình cảm nhất, đáng yêu nhất, biết tha thứ nhất mà tôi từng gặp trong đời” - Ảnh 1.

Vợ chồng ông James Rhodes với các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hữu nghị Việt Nam Ảnh: Thái Thanh

Trở về nước Mỹ năm 1969, cơ thể ông James mọc ra 14 khối u. Ông James nhớ lại thời gian ở Pleiku, ông và đồng đội đã sử dụng chất diệt cỏ một cách vô tư, thậm chí lấy cả những thùng phuy đựng chất độc giết người này làm bồn tắm do ngây thơ cho rằng nó không có tác hại đối với con người. Gia đình đã đưa ông đi chữa trị tại nhiều trung tâm ở Mỹ nhưng đều bị từ chối do chi phí quá lớn. "Tôi bị phơi nhiễm chất diệt cỏ độc hại từ lúc đó mà không biết. Tôi bị ốm ngay từ lúc còn ở Việt Nam, được đưa vào bệnh viện ở Pleiku nhưng người ta không nói cho tôi biết điều gì xảy ra. 

Những trận ốm hành hạ và tôi được đưa về nước năm 1969, bị thải hồi khỏi quân đội. Một trong những triệu chứng đầu tiên của tôi là huyết áp thất thường, có lúc rất cao, có lúc rất thấp, thấp đến mức mà bác sĩ nói tôi chỉ chút xíu nữa thì hôn mê. Kèm theo đó những cơn nhức đầu khủng khiếp, dai dẳng, có khi kéo dài suốt 24 đến 36 tiếng đồng hồ. Tôi cực nhạy cảm với ánh sáng. Ánh sáng làm mắt tôi đau nhức tới mức tôi phải ngồi trong phòng tối. Rồi tôi bắt đầu mọc các khối u, lúc đầu không đau lắm cho đến khi chúng to dần lên. 14 khối u cả thảy. Các vết đốm bắt đầu xuất hiện trên cơ thể tôi. Rồi đến lúc huyết áp của tôi chuyển từ cực thấp sang cực cao", ông James kể.

Tuy nhiên, chính quyền và Bộ Cựu chiến binh Mỹ từ chối điều trị cho James Rhodes. Ông đi các bệnh viện, gõ cửa nhiều nơi dành cho những cựu binh Mỹ từ Việt Nam trở về. Những cái lắc đầu và lắc đầu. Lúc đó, vợ ông bị sẩy thai khá nghiêm trọng nhưng ông lại cảm thấy may mắn, bởi nếu lúc đó vợ ông sinh con, ông sợ rằng đứa trẻ sinh ra biết đâu lại bị dị tật bẩm sinh. May mà sau này, 3 người con trai của ông đều khoẻ mạnh.

Cựu binh Mỹ James Rhodes: “Người Việt Nam là những người tình cảm nhất, đáng yêu nhất, biết tha thứ nhất mà tôi từng gặp trong đời” - Ảnh 2.

Vợ chồng ông James Rhodes với các em nhỏ nạn nhân chất độc da cam tại Làng Hữu nghị Việt Nam Ảnh: Thái Thanh

Năm 1990, ông quyết định quay trở lại Việt Nam với ý nghĩ sẽ được cứu chữa tại đất nước có nhiều người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Tại Việt Nam, trái với sự lo ngại của James, ông được những người dân Việt Nam đối đãi cởi mở, nhân hậu và đã cứu sống ông. Ông James cho biết: "Với tôi, người Việt Nam là những người tình cảm nhất, đáng yêu nhất, biết tha thứ nhất mà tôi từng gặp trên đời. Tôi đã bị từ chối chăm sóc ở trên đất nước mà tôi sinh ra, mà tôi chiến đấu vì nó. 

Thế rồi, tôi lại được người ta dang tay đón nhận, chăm sóc, yêu thương ở đất nước mà người Mỹ, trong đó có tôi, đã từng gây ra bao nhiêu đau thương, tang tóc… Ở Việt Nam, tôi tìm thấy sự bình an và điều tốt lành cho bản thân. Tôi bỏ sang bên mọi khác biệt và nỗ lực làm việc vì những điều tốt đẹp cho người dân Việt Nam, đúng hơn là cho những nạn nhân chiến tranh. Tôi có gia đình thực sự ở Việt Nam, nơi người dân không phân biệt màu da, tôn giáo, đảng phái chính trị. Tôi đã học được rất nhiều từ các bạn".

Tôi nhìn thấy tận mắt những thiệt hại mà những quả mìn của chúng tôi giáng lên đầu những người nông dân nghèo. Tôi nhìn thấy những đứa trẻ lai Mỹ - Á bị bỏ rơi. Tôi được chứng kiến sự đau đớn của những nạn nhân chất độc màu da cam vô tội... Nhiều người Mỹ khi nhắc tới Việt Nam vẫn liên tưởng tới đất nước chiến tranh mà không hề biết rằng, đây là đất nước của những con người cần cù, chăm chỉ, yêu tự do, hiếu học và là mẫu mực của lòng kiên nhẫn, sức chịu đựng kiên cường và lòng khoan dung”.

James Rhodes

Ông James đã viết cuốn sách "Hồi ký của một cựu binh Mỹ: Những nỗ lực đấu tranh cho nạn nhân da cam Việt Nam". Ông cũng luôn cố gắng làm mọi điều tốt cho Việt Nam: Dạy tiếng Anh, viết bài đăng báo cổ vũ cho quan hệ Việt - Mỹ; nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh; tích cực kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp của Việt Nam trên thị trường Mỹ. Đặc biệt, ông đã đóng góp tích cực ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam và làm cầu nối cho những người có tấm lòng thiện nguyện hướng đến Việt Nam. Với tư cách Chủ tịch quốc gia của công ty đại diện quyền lợi cho các cựu chiến binh ở chiến trường Việt Nam (Vietnam Combat Veterans LTD.), ông James luôn vận động các cựu binh Mỹ trở lại Việt Nam và tìm cách hỗ trợ Việt Nam. Ông tích cực kết nối cơ hội hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp của Việt Nam trên thị trường Mỹ...

"Sau khi tới Việt Nam, tôi mới hiểu rằng, những gì mình chịu đựng quá nhỏ bé so với nỗi đau ghê gớm của hàng triệu người Việt Nam. Cuộc chiến đấu vì công lý sẽ không chỉ của riêng các bạn mà luôn được tiếp sức bởi hàng nghìn cựu binh Mỹ như chúng tôi. Những việc làm của tôi là vô cùng nhỏ so với ân nghĩa mà người Việt Nam đã dành cho tôi, bởi Việt Nam là nước duy nhất giúp tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần do chất độc hóa học dioxin", ông nói.

Bà Nina, vợ ông, người luôn bên cạnh ông trong những chuyến trở lại Việt Nam xúc động nói: "Việt Nam đã giúp James hàn gắn tâm hồn. Là người vợ, tôi cảm nhận rõ ràng điều ấy. Jim thường nói, chỉ có Việt Nam mới giúp anh ấy".


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn