Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em

16:05 | 09/11/2018;
Trong những năm qua, Việt Nam chứng kiến những thành tựu hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó việc bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới là những điểm sáng nổi bật.
Đẩy mạnh thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
 
Ngày 9/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đã tổ chức Hội thảo Công tác nhân quyền năm 2018 và việc triển khai các khuyến nghị theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 2”.
 
nguyen-manh-cuong.JPG
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ, TB&XH phát biểu tại hội thảo

  

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ LĐ, TB&XH nhấn mạnh, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện các nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam. Điểm nổi bật là nỗ lực thực hiện Luật Bình đẳng giới 2006 và Công ước của Liên hợp quốc về Xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.
 
Chính phủ đã chủ động triển khai, lồng ghép các sáng kiến, ưu tiên khu vực vào các chương trình, đề án ở cấp quốc gia nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường an sinh xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái.
 
Việt Nam và các nước ASEAN đang triển khai Kế hoạch công tác 5 năm giai đoạn 2015-2020 của Cơ quan liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền; Kế hoạch công tác của Ủy ban bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái ASEAN giai đoạn 2016-2020. Việt Nam là thành viên và đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Công ước về Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…

  
Còn bà Hoàng Thị Thu Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ, TB&XH, cho biết, phụ nữ Việt Nam hiện chiếm hơn 50% dân số. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam đạt 72,5% năm 2017. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp tăng, chủ cơ sở kinh doanh trên 27,8%; có tới 98% số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
 
Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XIV (2016-2021) đạt 26,71%, tăng hơn nhiệm kỳ trước tới 2,62%; tỷ lệ đại biểu nữ tham gia vào Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 26,54% (tăng 1,37%), cấp huyện đạt 27,85% (tăng 3,23%), cấp xã 26,59% (tăng 4,88%). Tính đến tháng 12/2017, có 12/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ có nữ là lãnh đạo; 16/63 tỉnh, thành phố có lãnh đạo nữ. Tỷ lệ nữ thạc sĩ đạt 43%, nữ tiến sĩ đạt 21%.
 
nu-doanh-nhan.JPG
Lực lượng nữ doanh nhân đông đảo

  

Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Đề án phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2017, Chính phủ tổ chức Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” với trên 800 hoạt độngg triển khai trên toàn quốc.
Từ năm 2015, Việt Nam, phối hợp với Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) phát động phong trào HeforShe. 100% đài phát thanh, truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Dịch vụ bình đẳng giới bước đầu được triển khai ở một số trung tâm công tác xã hội cũng như tại cộng đồng, đặc biệt mô hình: Trung tâm hỗ trợ hôn nhân, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, nhà tạm lánh, tạm trú, mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
 
Vì tương lai tươi sáng của trẻ em
 
tre-em-1.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em - cùng các đại biểu, trẻ em khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em – 111 ngày 6/11/2017

  

Năm 2018, Ủy ban Quốc gia về trẻ em tập trung chỉ đạo việc phối hợp, điều hòa giữa các bộ, ngành, tổ chức và các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu của những chương trình, đề án, dự án, kế hoạch về trẻ em Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, đặc biệt là thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tại địa phương và các cơ sở theo quy định của Luật trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP; đảm bảo xây dựng môi trường lành mạnh trẻ em phát triển, tạo điều kiện cho mọi trẻ em thực hiện các quyền cơ bản: Quyền sống còn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ, quyền tham gia.
 
nguyen-thi-nga-2.JPG
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH

  

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ, TB&XH chia sẻ, nỗ lực bảo đảm quyền trẻ em đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỷ suất trẻ em tử vong của Việt Nam đang ở mức thấp; tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 81%. Tỷ lệ huy động trẻ đến nhà trẻ đạt 27,7%; trẻ đi mẫu giáo đạt 90,9%; trong đó trẻ 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 99,7%; duy trì 100% trường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở.
 
tre-em-2.jpg
Trẻ em có quyền tham gia kiến nghị chính sách về trẻ em

  

Từ năm 2016 đến tháng 5/2018, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tư vấn 975 ca xâm hại tình dục trẻ em, 1045 ca bạo lực trẻ em. Bên cạnh đó, Chính phủ triển khai Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020. Sau khi Thành phố Hồ Chí Minh thành lập Hội đồng trẻ em (tháng 6/2017), Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh và Yên Bái cũng áp dụng mô hình này, khuyến khích trẻ em tham gia kiến nghị chính sách về trẻ em. Bên canh đó, diễn đàn trẻ em được tổ chức 2 năm/lần ở cấp quốc gia và tổ chức hằng năm ở cấp tỉnh, huyện.
 
Hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương
 
Theo ông Phạm Đại Đồng - Trưởng phòng Chính sách Xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ LĐ, TB&XH, hiện nay, số người cần sự trợ giúp xã hội trên cả nước lớn, chiếm gần 30% dân số cả nước. Trong đó, có khoảng trên 10 triệu người cao tuổi, 7,6 triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 1,6 triệu hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,72%, 1,3 triệu hộ cận nghèo chiếm 5,32%, 2.839.568 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ cấp đột xuất hang năm, khoảng 254 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, hơn 210 nghìn người nghiện ma túy, khoảng 30.000 nạn nhân bị bạo lực, bạo hành trong gia đình.
 
Ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố. Đồng thời, thiên tai, hỏa hoạn, mất mùa dẫn đến khoảng 1,8 triệu lượt hộ thiếu đói.
 
nguoi-khuyet-tat.jpg
Để người khuyết tật được hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng

  

Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, trong đó 48% là nữ giới và 28,3% là trẻ em. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai thực hiện trợ cấp cho 1.006.923 người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt. Bộ Y tế triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại 53 tỉnh, thành phố và khám phát hiện sớm cho 700.000 trẻ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 800.000 người khuyết tật.
 
Cả nước có 20 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ em khuyết tật. hằng năsố trẻ em khuyết tật đi học ở bậc trung học và bậc đại học đều tăng. Hiện có trên 256 cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật; 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Khoảng 140.000 người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nghề và Quỹ Quốc gia về việc làm và giới thiệu việc làm.
 
Theo thống kê, trung bình trong năm 2016 và 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận trên 1.500 trường hợp (trong đó xác định 600 trường hợp là nạn nhân bị buôn bán); 100% các trường hợp xác định là nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý. Nhiều nạn nhân được trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, ổn định đời sống hòa nhập công đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn