Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ở những nước thu nhập thấp, tỷ lê tử vong trẻ sơ sinh trung bình là 27 trẻ trên 1.000 ca sinh. Ở các nước có thu nhập cao, tỷ lệ này là 3 trẻ trên 1.000 ca sinh. Trẻ sơ sinh ở các nước có nguy cơ cao nhất có nguy cơ bị tử vong cao hơn gấp 50 lần trẻ em sinh ra ở những nơi an toàn nhất. Trên thế giới hiện có hơn 2,6 triệu trẻ sơ sinh tử vong trước 1 tháng tuổi, trong đó hơn 50% tử vong ngay khi vừa chào đời. Ngoài ra, có tới hơn 2,6 triệu trẻ em khác không có cơ hội được ra đời.
Bà Henrietta H. Fore - Giám đốc điều hành UNICEF phát biểu: “Chúng ta đã giảm hơn một nửa số trẻ dưới năm tuổi bị tử vong trong 1/4 thế kỷ qua; tuy nhiên, chúng ta đã không đạt được những tiến bộ như vậy trong việc giảm tử vong ở trẻ dưới 1 tháng tuổi”. Bà Henrietta cho biết phần lớn trẻ sơ sinh tử vong là những em sinh ra trong gia đình nghèo khó. Những trẻ em sinh ra trong các gia đình nghèo nhất có nguy cơ tử vong cao hơn 40% so với những trẻ sinh trong nhóm các gia đình giàu nhất. Trong số gần 7.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày, có hơn 80% trường hợp có thể ngăn chặn chỉ với các "biện pháp cơ bản" như hệ thống chăm sóc y tế hợp túi tiền và đội ngũ y bác sĩ được đào tạo tốt.
Bà Henrietta cũng cho biết có sự cải thiện ở các nước như Bangladesh với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm gần 70%, từ 241.000 trẻ trong năm 1990 xuống còn 62.000 trẻ trong năm 2017. Bangladesh vừa phát động chiến dịch chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh trên phạm vi toàn quốc nhằm giảm tỷ lệ tử vong ở đối tượng này. Theo đó, chính phủ cung cấp các thiết bị chăm sóc trẻ em đặc biệt tại các bệnh viện công ở 54 khu vực trên cả nước cùng với các hỗ trợ cần thiết cho 20 vùng khác.
Nhật Bản hiện là quốc gia có tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong thấp nhất trên thế giới, tiếp đến là Iceland và Singapore. Cụ thể, trong năm 2016, tại "đất nước Mặt trời mọc" cứ 1.111 ca sinh nở thì mới có 1 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong, trong khi tỷ lệ này ở Iceland và Singapore lần lượt là 1/1.000 và 1/909. Việt Nam đứng thứ 80/184 quốc gia về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
Trong tháng 2 này, UNICEF đã phát động chiến dịch “Tất cả trẻ em được sống” (Every Child Alive). Đây là một chiến dịch toàn cầu nhằm thay mặt cho trẻ sơ sinh trên toàn thế giới đưa ra yêu cầu và cung cấp các giải pháp. Thông qua chiến dịch này, UNCIEF kêu gọi các chính phủ, các nhà cung cấp dịch vụ y tế, các nhà tài trợ, khối tư nhân, các doanh nghiệp, gia đình hãy hành động để các trẻ em sinh ra được sống: