Bé 5 tuổi nhiễm cúm A (H5)
Ngày 20/10, Tại hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine Covid-19, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua giám sát, xét nghiệm đã xác định một nữ bệnh nhân dương tính với cúm A (H5). Đây là ca bệnh cúm A (H5) trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2/2014.
Về ca bệnh này, ông Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ (Bộ Y tế) cho biết, bệnh nhân là nữ (5 tuổi, trú tại Phú Thọ). Theo ông Dương, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động đến địa bàn bệnh nhân sinh sống để phối hợp với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) và địa phương cùng điều tra dịch tễ.
Theo đó, Đoàn công tác đã đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tất cả các mẫu bệnh phẩm đều âm tính với cúm A (H5). Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
Như vậy, với ca bệnh mới ghi nhận này, từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 trường hợp nhiễm cúm A (H5).
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, sau khi ghi nhận ca bệnh cúm A (H5) trên người, Bộ đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm; Đồng thời, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương. Ngoài ra, cần rà soát các hướng dẫn chuyên môn về giám sát, phòng chống cúm gia cầm trên người; xây dựng phương án phòng, chống dịch. Phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.
Phòng bệnh Cúm A (H5) như thế nào?
Theo các chuyên gia, virus cúm A được chia thành các loại virus khác dựa trên cơ sở hai protein trên bề mặt của virus. Tất cả các loại virus cúm A đã biết có thể lây nhiễm do chim, ngoại trừ các virus khác như virus H17N10 và H18N11, chỉ được tìm thấy ở dơi. Chỉ có hai loại virus cúm A, bao gồm virus H1N1 và H3N2 hiện đang được lưu hành ở người.
Virus cúm A được chỉ định là cúm gia cầm, có khả năng gây bệnh cao (HPAI) hoặc cúm gia cầm có khả năng gây bệnh thấp (LPAI) dựa trên đặc điểm phân tử của virus.
Virus cúm gia cầm hiếm khi lây nhiễm cho người. Các loại virus cúm A khác được xác định là những virus cúm gia cầm đã gây nhiễm trùng ở người là virus H5, H7 và H9. Các loại virus khác, chẳng hạn như H10N8, H10N7 và H6N8, cũng đã được phát hiện ở người, nhưng ở mức độ thấp hơn.
Cúm A (H5) bao gồm 9 loại virus: H5N1, H5N2, H5N3, H5N4, H5N5, H5N6, H5N7, H5N8 và H5N9. Hầu hết các virus H5 được xác định trên toàn thế giới ở chim và gia cầm hoang dã là LPAI. Tuy nhiên, có một số trường hợp được xác định là có sự xuất hiện của virus HPAI. Thời gian qua, nhiễm virus H5 lẻ tẻ ở người đã xảy ra. Ví như virus HPAI H5N1 thuộc dòng châu Á hiện đang lưu hành ở gia cầm tại khu vực châu Á và Trung Đông. Nhiễm trùng virus H5N1 ở người đã được báo cáo ở 16 quốc gia, virus này thường dẫn đến viêm phổi nặng và tỷ lệ tử vong cao hơn 50% ở các trường hợp nhiễm bệnh.
Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
1. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.
2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.
4. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.
5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn