Việt Nam giữ trọng trách kép: Cơ hội lớn trong thực hiện bình đẳng giới

15:14 | 30/10/2019;
Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại Việt Nam, nước ta giữ trọng trách kép, tầm khu vực và toàn cầu: Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường thực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là cơ hội lớn để triển khai công tác bình đẳng giới hiệu quả hơn.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Bình đẳng giới trong lãnh đạo và ra quyết định” do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng 29/10 tại Hà Nội, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Học viện Ngoại giao, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia của Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Thành viên Nhóm tầm nhìn Diễn đàn APEC, cho biết, theo kế hoạch, vào ngày 3/11 tới, Việt Nam sẽ được bàn giao chức Chủ tịch ASEAN 2020 từ Thái Lan. Trước đó, Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường thực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Như vậy, vai trò và trọng trách kép trong khu vực và thế giới của Việt Nam trong 2 năm tới có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ tại Tọa đàm

 

Hiện nay, thế giới bước vào thời đại kỹ thuật số mang đặc tính siêu kết nối hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0; hòa bình, hợp tác sâu rộng dù cạnh tranh giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn rất gay gắt; quá trình định hình các cơ chế hợp tác, luật chơi mới, kể cả liên quan đến bình đẳng giới đang thay đổi và hình thành...

 

Đây là cơ hội để phụ nữ phát huy năng lực, khả năng mềm trong học tập nâng cao trình độ/năng lực công nghệ số và phấn đấu nhưng cũng là thách thức lớn. Do đó, để hòa nhập và thực hiện bình đẳng giới, mỗi phụ nữ cần tích cực tham gia và thích ứng các thay đổi trên. Đặc biệt trong 2 năm tới, Việt Nam thực hiện vai trò kép trong khu vực và thế giới thì phụ nữ càng phải chủ động hơn trong các lĩnh vực này.

 

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng cho biết, hiện nay thế giới có cách tiếp cận mới về bình đẳng giới. Hiện xu thế toàn cầu khi thực hiện bình đẳng giới, tăng vai trò của phụ nữ là gắn với phát triển kinh tế số. Nhiều chuyên gia coi kỷ nguyên số là kỷ nguyên của phụ nữ, vì kỷ nguyên số, thời đại công nghệ cho phép phát huy cao độ khả năng, kỹ năng mềm của phụ nữ nên chị em có nhiều cơ hội học tập và phấn đấu hơn.

 

Tại Việt Nam, bình đẳng giới và nâng cao địa vị cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó lĩnh vực chính trị luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và được thể hiện bằng quan điểm “Xây dựng vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”.

 

Trong những năm vừa qua, tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội sau 3 nhiệm kỳ giảm liên tiếp đã đạt 26,72% vào đầu nhiệm kỳ (tăng hơn 2%) và đến tháng 9/2019 là trên 27% cao hơn so với trung bình của khu vực châu Á (19,9%) và toàn thế giới (24,3%). Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân cả ba cấp đều đạt trên 26%. Nhiều cán bộ nữ giữ các vị trí chủ chốt ở cả Trung ương và địa phương như: Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng... đã và đang có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

 

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều thành công trong thực hiện bình đẳng giới nhưng xếp hạng về bình đẳng giới Việt Nam hiện vẫn đứng thứ 77/149 quốc gia, trong khi năm 2017 là 69/149 quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu, già hóa dân số tăng. Vì thế, để thực hiện tốt bình đẳng giới, bên cạnh sự cố gắng của phụ nữ, cần tham gia của cả hệ thống chính trị.

 

Từ trái sang: Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết và các đại biểu tham dự Tọa đàm

 

Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, để thực hiện tốt bình đẳng giới và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới gắn với phát triển bền vững; có chính sách hợp lý để ứng phó với già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa, hệ lụy của toàn cầu hóa... Cần tăng cường sự tham gia, đóng góp của thế hệ trẻ trong thực hiện bình đẳng giới. Bởi dự báo đến năm 2021, thế hệ Z (sinh từ 1995) chiếm 35% lực lượng lao động toàn cầu (25% ở Việt Nam vào 2025). Trong khi đó, thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, nếu được đào tạo và trang bị các kỹ năng về vấn đề này từ sớm. Song song với những việc làm trên, cần tăng cường hỗ trợ các nữ doanh nhân trong khởi nghiệp và hợp tác quốc tế.

 

Hiện nhiều nước coi tham gia hợp tác quốc tế về bình đẳng giới là một phần quan trọng của chính sách đối ngoại, nhằm gia tăng vị thế quốc tế như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Namibia... Do đó, Việt Nam cũng cần quan tâm hơn đến vấn đề này. Mặt khác, cần chủ động lồng ghép cam kết quốc tế về bình đẳng giới vào chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế số của đất nước và các địa phương, kế hoạch của các ngành, nhằm đạt hiệu quả, tác động, sức lan tỏa sâu rộng.

 

Tham gia hợp tác quốc tế về bình đẳng giới góp phần nâng cao vị thế đất nước, quảng bá một Việt Nam tiến bộ xã hội và hội nhập. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái để thực hiện bình đẳng giới. Coi thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới nhằm phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

 

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, năm 2020 là mốc quan trọng để thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới, vì tròn 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; 75 năm hình thành Liên hợp quốc và Hiến chương Liên hợp quốc-Văn bản phổ quát đầu tiên về bình đẳng giới; 20 năm Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh và phụ nữ; 10 năm thành lập Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women)... Vì thế, ngay từ bây giờ, mọi phụ nữ và các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần triển khai các biện pháp trên để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới.

 

Sáng 29/10 tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam và Quỹ Châu Á phối hợp tổ chức Tọa đàm “Bình đẳng giới trong lãnh đạo và ra quyết định”. Tham dự Tọa đàm có các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Nguyễn Thị Tuyết, Trần Thị Hương; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga; ông Michael Di Gregorio, Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam; bà Jane Sloane, Giám đốc Chương trình tăng quyền năng cho phụ nữ trong lãnh đạo và ra quyết định của Quỹ Châu Á tại Mỹ...

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về 3 chủ đề: “Trọng trách kép của Việt Nam 2020-2021: Tăng cường vai trò và đóng góp của phụ nữ nước ta trong hợp tác quốc tế”; “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030: Cơ hội tăng cường bình đẳng xã hội và bình đẳng giới”; Các sáng kiến do Quỹ Châu Á hỗ trợ nhằm tăng quyền năng cho phụ nữ trong lãnh đạo và ra quyết định.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương cho biết, từ năm 2015 đến nay, được sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á thông qua dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị”, Hội đã có nhiều sáng kiến như đề xuất chính sách góp phần đưa quy định đảm bảo ít nhất 35% ứng cử viên là phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vào Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; tập huấn nữ ứng cử viên, tuyên truyền về vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng... Đặc biệt, từ năm 2017, Hội đã thành lập Mạng lưới lãnh đạo nữ - là những nữ lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam. Qua hơn 2 năm thành lập, các thành viên của Mạng lưới đã được cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng lực trong công việc chuyên môn, đồng thời tạo môi trường để các chị em xây dựng mối quan hệ thân thiết, gắn bó, chia sẻ giữa các thành viên ở các bộ, ngành khác nhau và hiểu được hơn nhiệm vụ công tác phụ nữ. 

 

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương (trái) trao quà lưu niệm cho bà Jane Sloane, Giám đốc Chương trình tăng quyền năng cho phụ nữ trong lãnh đạo và ra quyết định của Quỹ Châu Á tại Mỹ 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn