Việt Nam nên dạy phòng chống quấy rối tình dục ngay từ cấp 2

16:28 | 08/10/2018;
Đó là gợi ý của PGS, TS. Julie Brockman đến từ Đại học Michigan State (Mỹ) – người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Trong Hội thảo mới đây tại Hà Nội về “Phòng chống bạo lực giới tại nơi làm việc: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế” do Khoa Giới và Phát triển (Học viện Phụ nữ Việt Nam) tổ chức, PGS, TS. Julie Brockman đến từ Đại học Michigan State đã chia sẻ những kinh nghiệm xoay quanh việc phòng chống nạn quấy rối tình dục ở nơi làm việc tại Mỹ.

istock-165942188-1510699734.jpg

Bà Julie Brockm cho biết: “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã gây ra những hậu quả tiêu cực: Thứ nhất, đối với nhà tuyển dụng (doanh nghiệp), đây là điều tồi tệ trong kinh doanh. Cái giá mà công ty phải trả đối với việc không quan tâm đến phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc là sự vắng mặt của nhân viên, năng suất thấp hơn, doanh thu của nhân viên giảm, phải chi phí cho việc nghỉ ngơi, chi phí cho việc đào tạo lại; danh tiếng bị hư hỏng; tinh thần đi xuống; tăng phí về pháp lý; giảm mức độ về lòng trung thành; suy giảm uy tín trong cộng đồng…

Thứ hai, về nạn nhân, sẽ có những tác động tiêu cực đến tâm lý như: tự nghi ngờ; tự đổ lỗi; cảm thấy bị sỉ nhục; mất hứng thú với công việc; mất lòng tin; phẫn nộ; phiền muộn; khó giải quyết vấn đề; mất phương hướng (thời gian và không gian); 

1448098671-9284.jpg
Nạn nhân bị rơi vào tình trạng khó tập trung; khả năng chú ý thấp; có vấn đề về trí nhớ…

Thứ ba, nạn nhân gặp những tác động tiêu cực lên thể trạng của họ với những biểu hiện như nhức đầu (mức độ nặng); đau dạ dày; co giật; rối loạn giấc ngủ; lo âu và căng thẳng; rối loạn ăn uống; run; sự phối hợp các hoạt động yếu; tăng huyết áp; dễ bị thương tích; khó đưa ra quyết định…".

2.jpg
Theo bà Julie Brockm: "Nạn nhân của quấy rối tình dục thường chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn về tâm lý và thể trạng"

Để phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, PGS,TS Julie Brockman cho biết: “Tại Mỹ có một Uỷ ban về cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC). Nó được thành lập để giải quyết những khiếu nại bắt nguồn từ sự thông qua Đạo luật Quyền dân sự của Mỹ năm 1964 - Đạo luật này nghiêm cấm hành động phân biệt đối xử của các ông chủ. 

Mỹ còn có luật cấm phân biệt đối xử về giới, chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hoặc nguồn gốc quốc gia… và những quy định về các hoạt động bất hợp pháp liên quan  quấy rối tình dục với một cá nhân nào đó (người dự tuyển hoặc nhân viên) có thể bao gồm “Quấy rối tình dục” hoặc những lời đề nghị về tình dục không mong muốn, những yêu cầu để được ân huệ tình dục, hình ảnh cơ thể hay lời nói có bản chất tình dục được thực hiện…

Luật cũng quy định, quấy rối không chỉ là hành vi tình dục mà còn có thể bao gồm những lời lẽ xúc phạm về vấn đề tình dục của một cá nhân nào đó. Ví dụ: Bất hợp pháp chính là việc quấy rối một phụ nữ bằng việc đưa ra các lời lẽ xúc phạm về họ. Nạn nhân và người quấy rối đều có thể là nam giới hoặc phụ nữ, hoặc có thể là cùng giới tính. Người quấy rối có thể là người giám sát của nạn nhân, hoặc người giám sát ở khu vực khác, hoặc đồng nghiệp hoặc có thể là khách hàng…

Trong năm 2011, Uỷ ban về cơ hội việc làm bình đẳng (EEOC) đã nhận được 11.364 vụ về quấy rối tình dục, trong đó phụ nữ chiếm đa số và 16.3% là nam giới nộp đơn. EEOC đã thu hồi 52 triệu đô la về các khoản trợ cấp tiền tệ cho chi phí của các bên và chi phí cho các cá nhân bị thiệt hại khác (không bao gồm các khoản trợ cấp tiền tệ thu được thông qua kiện tụng). Đến năm 2017, con số báo cáo về các vụ quấy rối tình dục mà EEOC nhận được vẫn là trên 10 ngàn…
1492062609_ua072x_woman-workplace-harassment_rs-lrg.jpg
Tuy trong luật của Mỹ xác định nạn nhân và người quấy rối đều có thể là nam giới hoặc phụ nữ, hoặc có thể là cùng giới tính, nhưng thực tế nạn nhân phần nhiều vẫn là phụ nữ.

Liên quan đến bài học cho Việt Nam trong phòng, chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, PGS,TS Julie Brockman đưa ra các gợi ý:

- Việt Nam cần tiến hành các nghiên cứu để mô tả tình trạng phân biệt đối xử về giới/ sự lạm dụng tại nơi làm việc trong các ngành công nghiệp… để cung cấp thông tin, hiểu biết về lĩnh vực này cho doanh nghiệp, người lao động, cộng đồng…

- Cải cách luật và hình phạt nặng đối với người sử dụng lao động nếu họ là thủ phạm;

- Nên giáo dục sớm, có thể là bắt đầu ngay từ ở trường cấp  2 về những nội dung liên quan đến quấy rối tình dục và cách để giải quyết các vấn đề về xung đột giữa các cá nhân xoay quanh quấy rối tình dục… (bởi mỗi cá nhân khi sớm hiểu được ranh giới của mình và không chấp nhận bất kỳ hành vi quấy rối nào, ở bất kỳ môi trường nào thì việc phòng chống sẽ đạt nhiều hiệu quả).

- Sửa đổi chính sách sử dụng lao động, bố trí nhân viên đảm nhận nhiệm vụ giúp người lao động có thể tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc…

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn