Trước đó, sáng 24/2, chuyến bay chở lô vaccine AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Số lượng vaccine đợt đầu tiên về Việt Nam là 117.000 liều. AstraZeneca Việt Nam và VNVC đang hợp tác để cung cấp 30 triệu liều vaccine này cho Việt Nam, bắt đầu từ nửa đầu năm 2021.
Dưới đây là những thông tin bạn cần biết liên quan tới việc tiêm chủng vaccine AstraZeneca như: ai nên tiêm, tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm, lưu ý khi tiêm chủng,...
Những thông tin khuyến nghị tạm thời này được nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của WHO về tiêm chủng (SAGE) đã đưa ra liên quan tới việc sử dụng vắc xin Oxford/AstraZeneca COVID-19 (AZD1222).
Trong khi nguồn cung cấp vaccine AstraZeneca còn hạn chế, WHO khuyến cáo nên ưu tiên cho các nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và người lớn tuổi, kể cả những người từ 65 tuổi trở lên.
Các quốc gia có thể tham khảo Lộ trình ưu tiên của WHO và Khung giá trị của WHO để làm hướng dẫn cho việc sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các nhóm đối tượng tiêm phòng virus COVID-19.
Có thể bạn chưa biết: Bộ Y tế đã sắp xếp 11 nhóm người ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 ở Việt Nam.
- Những người đang mắc các bệnh mãn tính đã được xác định là làm tăng nguy cơ mắc COVID-19 và dễ diễn biến nặng nghiêm trọng khi nhiễm.
Bao gồm béo phì, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và tiểu đường.
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch (HIV, mắc bệnh tự miễn, suy giảm hệ miễn dịch)
Mặc dù cần có các nghiên cứu sâu hơn đối với những người nhiễm HIV hoặc các bệnh tự miễn hoặc những người bị suy giảm miễn dịch, những người thuộc nhóm này thuộc nhóm được đề nghị tiêm chủng có thể được tiêm chủng sau khi nhận được thông tin và tư vấn.
- Người từng nhiễm COVID-19
Có thể tiêm vaccine cho những người đã từng bị COVID-19 trong quá khứ. Nhưng các cá nhân có thể muốn trì hoãn việc tiêm chủng COVID-19 của chính họ trong tối đa sáu tháng kể từ thời điểm nhiễm SARS-CoV-2, để cho phép những người khác có thể cần vaccine khẩn cấp hơn đi trước.
- Phụ nữ đang cho con bú
Có thể tiêm vaccine cho phụ nữ đang cho con bú nếu họ thuộc nhóm được ưu tiên tiêm chủng. WHO không khuyến nghị ngừng cho con bú sau khi tiêm chủng.
Mặc dù mang thai khiến phụ nữ có nguy cơ mắc COVID-19 nghiêm trọng cao hơn, nhưng có rất ít dữ liệu để đánh giá tính an toàn của vaccine trong thai kỳ.
Phụ nữ mang thai có thể được chủng ngừa nếu lợi ích của việc chủng ngừa cho phụ nữ mang thai lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn của vaccine.
Vì lý do này, những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với SARS-CoV-2 (ví dụ như nhân viên y tế) hoặc những người đang mắc các bệnh mãn tính, có thể được tiêm chủng với sự tư vấn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của họ.
Cũng giống như các loại vaccine khác, vaccine AstraZeneca cũng có thể không phù hợp với một số người. Chẳng hạn:
- Những người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine. Hoặc bạn đã từng bị sốc phản vệ sau khi tiêm bất kì một loại vaccine nào khác
Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng có thể bao gồm phát ban ngứa trên da, khó thở và sưng mặt hoặc lưỡi. Liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn ngay lập tức hoặc đến phòng cấp cứu bệnh viện gần nhất nếu bạn có phản ứng dị ứng. Nó có thể nguy hiểm đến tính mạng.
- Người dưới 18 tuổi
Vaccine AstraZeneca được khuyến nghị tiêm cho đối tượng trên 18 tuổi. Với người dưới 18 tuổi thì vẫn cần chờ đợi kết quả của những nghiên cứu sâu hơn.
- Phụ nữ đang mang thai
Đang có rất ít dữ liệu liên quan tới tính an toàn của vaccine AstraZeneca trong thai kỳ. Trừ khi phụ nữ mang thai đang có các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và gặp rủi ro cao đối với COVID-19, hay nói cách khác lợi ích tiêm chủng lớn hơn so với rủi ro từ vaccine AstraZeneca.
Liều lượng khuyến cáo là tiêm bắp hai liều (mỗi liều 0,5ml) với khoảng cách từ 8 đến 12 tuần.
Nghiên cứu bổ sung là cần thiết để hiểu khả năng bảo vệ lâu dài hơn sau một liều duy nhất.
Ngày 15/2, WHO đã chính thức đồng ý cho vaccine AstraZeneca vào Danh sách vaccine có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, gồm vaccine được sản xuất tại AstraZeneca-SKBio (Hàn Quốc) và Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Đánh giá của WHO cho thấy, vaccine Covid-19 của Astrazeneca đáp ứng các tiêu chí "phải có" về độ an toàn, các lợi ích từ hiệu quả của vaccine vượt lên so với rủi ro mà vaccine này mang lại.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca/Oxford được đánh giá tốt hơn ở phương diện giá rẻ và dễ phân phối hơn so với vaccine của một số hãng khác, trong đó có Pfizer và BioNTech- vắc-xin được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp từ cuối tháng 12.
Tuy nhiên 2 vaccine này đắt hơn so với vaccine AstraZeneca và có điều kiện bảo quản bắt buộc phức tạp hơn là -94oF. Điều này được đánh giá là gây ra khó khăn và thách thức đối với các nước nghèo thiếu tủ đông lạnh trữ vaccine.
Bên cạnh đó, nguồn cung cấp thuốc tiêm Pfizer cũng hạn chế hơn nhiều. Trong khi, Covax đã bảo đảm khoảng 336 triệu liều vắc xin AstraZeneca, mà công ty đã phát triển cùng với Đại học Oxford, trong nửa đầu năm 2021.
Vaccine AZD1222 chống lại COVID-19 có hiệu quả chống lại nhiễm trùng SARS-CoV-2 có triệu chứng là 63,09%.
Khoảng cách liều dài hơn trong khoảng từ 8 đến 12 tuần có liên quan đến hiệu quả của vắc xin cao hơn.
SAGE đã xem xét tất cả dữ liệu hiện có về hiệu suất của vaccine AstraZeneca trong các cấu tạo của các biến thể cần quan tâm. SAGE hiện khuyến nghị sử dụng vắc xin AZD1222 theo Lộ trình ưu tiên của WHO, ngay cả khi các biến thể của virus có ở một quốc gia. Các quốc gia nên đánh giá rủi ro và lợi ích có cân nhắc đến tình hình dịch tễ của họ.
Những phát hiện sơ bộ nêu bật nhu cầu cấp thiết về một cách tiếp cận phối hợp để giám sát và đánh giá các biến thể và tác động tiềm tàng của chúng đối với hiệu quả của vaccine. Khi có dữ liệu mới, WHO sẽ cập nhật các khuyến nghị phù hợp.
Không có dữ liệu đáng kể nào liên quan đến tác động của vaccine AstraZeneca AZD1222 đối với sự lây lan hoặc phát tán virus.
Đồng thời, chúng ta phải duy trì và tăng cường các biện pháp y tế công cộng có tác dụng: đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 2m, rửa tay, vệ sinh đường hô hấp, ho hắt xì đúng cách hay đảm bảo thông gió tốt trong phòng, nhà ở,...
Bạn có thể tham khảo thêm về Các biện pháp được WHO và Bộ Y tế khuyến nghị trong phòng ngừa COVID-19.
Trước khi tiêm chủng vaccine AstraZeneca, bạn cần trao đổi các vấn đề sau với y tá/bác sĩ:
- Bạn đã từng gặp sốc phản vệ nghiêm trọng khi tiêm bất cứ một loại vaccine nào hay chưa?
- Có đang bị sốt (trên 38oC) không. Tuy nhiên, lưu ý là sốt nhẹ hay các bệnh nhiễm trùng do cảm lạnh không phải là lý do để có thể trì hoãn việc tiêm chủng
- Bạn có đang bị bầm tím, chảy máu không?
- Có đang dùng thuốc chống đông máu không?
- Hệ miễn dịch có đang hoạt động bình thường không? Có đang sử dụng thuốc gây suy yếu hệ miễn dịch như corticosteroid liều cao, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc điều trị ung thư hay không?
Như với bất kỳ loại vắc xin nào, thuốc chủng ngừa COVID 19 AstraZeneca có thể không bảo vệ được tất cả những người được chủng ngừa khỏi COVID-19. Người ta vẫn chưa biết những người được chủng ngừa sẽ được bảo vệ trong bao lâu. Hiện không có dữ liệu nào về những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc những người đang điều trị mãn tính ức chế hoặc ngăn chặn các phản ứng miễn dịch.
Giống như tất các các loại thuốc, vaccine khác thì vaccine AstraZeneca cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, và không phải ai cũng có thể gặp. Trong các nghiên cứu lâm sàng về tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca thì hầu hết các tác dụng phụ này có tính chất từ nhẹ đến trung bình và có thể biến mất trong vòng vài ngày đến 1 tuần sau khi tiêm.
Nếu như bạn gặp phải tác dụng phụ như đau, sốt ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày thì có thể can thiệp giảm nhẹ bằng paracetamol.
Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể xảy ra được rút ra trong quá trình thử nghiệm lâm sàng vaccine AstraZeneca:
- Tác dụng phụ rất phổ biến (> 1/10)
Đau, sưng, ngứa hoặc bầm tím vùng tiêm
Ớn lạnh, sốt, nhức đầu
Buồn nôn và nôn
Đau mỏi cơ, khớp.
- Tác dụng phụ phổ biến (1/10)
Sưng đỏ vùng tiêm hoặc nổi cục
Sốt, ốm kèm nôn mửa
Tiêu chảy
Phản ứng giống như cúm: sốt cao, đau họng, sổ mũi, ho, ớn lạnh.
- Tác dụng phụ không phổ biến (1/100)
Chóng mặt
Chán ăn
Đau bụng
Đổ mồ hôi nhiều
Phát ban, ngứa da.
- Không xác định (chưa có đủ dữ liệu)
Sốc phản vệ
Hiếm khi có những báo cáo liên quan tới sốc phản vệ sau tiêm vaccine AstraZeneca, cụ thể như viêm hệ thần kinh, gây tê, có cảm giác châm chích hay mất cảm giác. Tuy vậy, vẫn chưa thể kết luận xem rằng những phản ứng này có phải đến từ nguyên nhân do tiêm vaccine AstraZeneca hay không.
Nếu như bạn bị sốt cao và kéo dài hơn 2 - 3 ngày và các biểu hiện dai dẳng khác kèm theo có thể đây không phải là tác dụng phụ của vaccine. Bạn nên tham khảo ý kiến tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa.
Mặt khác, nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào không được đề cập trong tờ rơi này, vui lòng thông báo cho bác sĩ, dược sĩ hoặc y tá của bạn.
Thuốc chủng ngừa COVID-19 vaccine AstraZeneca không có tác dụng nào đối với khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Tuy nhiên, các tác dụng phụ được liệt kê trong phần trên có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc của bạn.
Nếu bạn cảm thấy không khỏe, đừng lái xe hoặc sử dụng máy móc.
Nguồn dịch tham khảo:
1. https://www.who.int/news-room/feature-stories/detail/the-oxford-astrazeneca-covid-19-vaccine-what-you-need-to-know
2. https://www.gov.uk/government/publications/regulatory-approval-of-covid-19-vaccine-astrazeneca/information-for-uk-recipients-on-covid-19-vaccine-astrazeneca
Thêm 2 Ioại vaccine Covid-19 được phép sử dụng tại Việt Nam
Ngày 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt 2 loại vaccine Covid-19 từ Mỹ và Nga được sử dụng tại Việt Nam. Đây là các vaccine của Công ty Moderna (Mỹ) và Công ty JSC Generium (Nga).
Việc phê duyệt cho 2 loại vaccine này nhằm phục vụ nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam, theo Điều 67, Nghị định số 54/NĐ-CP ngày 8/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định sẽ đảm bảo cung cấp đủ 90 triệu liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam trong năm 2021 với 4 nguồn chính gồm: COVAX Facility (30 triệu liều), AstraZeneca (30 triệu liều), công ty Pfizer của Mỹ (30 triệu liều), vaccine Spunik V của Nga (khoảng 60 triệu liều).
Với vaccine trong nước, ông Long thông tin các công đoạn vẫn theo đúng tiến độ. Dự kiến năm 2022, chúng ta tự sản xuất được vaccine Covid-19. Bộ trưởng cho hay rất kỳ vọng vào việc sản xuất vaccine của Việt Nam, trong đó vaccine của Nanogen sẽ được thử nghiệm giai đoạn 2 vào ngày 26/2. Vaccine của IVAC hiện cũng có hiệu quả rất tốt.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn