Việt Nam phấn đấu loại trừ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào năm 2030

17:28 | 08/01/2019;
Ngày 8/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm gan virus B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV trong khi các bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
 
Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng như ở nhiều quốc gia trong khu vực, dịch vụ dự phòng và kiểm soát HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống, chương trình ngành dọc, thiếu sự phối hợp, liên kết cần phải có giữa các hệ thống.
 
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cũng như mục tiêu của Chiến lược toàn cầu về sức khỏe Phụ nữ, Trẻ em và Vị thành niên giai đoạn 2016-2030, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã xây dựng Khung kế hoạch loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền mẹ từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030 đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên trên cơ sở khung kế hoạch khu vực, căn cứ điều kiện cụ thể của từng nước để xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia nhằm tiến tới loại trừ 3 bệnh kể trên vào năm 2030.
 
ttxvn_arv.jpg
Thuốc ARV điều trị HIV. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

 

Việt Nam đã xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030” với mục tiêu tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.
 
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em (Bộ Y tế), trong dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hàng năm, Việt Nam có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,19% thì mỗi năm ở nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
 
Nếu không có can thiệp thì với tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.140-1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV.
 
Về dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con, theo báo cáo của các bệnh viện, tình hình mắc giang mai bẩm sinh ở trẻ sơ sinh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc sớm giang mai chỉ khoảng 15,9%.
 
Từ trước tới nay việc xét nghiệm sàng lọc giang mai chưa trở thành thường quy trong khám thai và cũng chưa có hướng dẫn chuyên môn cụ thể cho các cơ sở sản khoa.
 
Năm 2016, Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đã đưa việc xét nghiệm sàng lọc giang mai vào là một trong những nội dung của việc khám thai, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn chuyên môn cụ thể về việc phát hiện, chuyển tuyến hoặc phối hợp điều trị cho các cơ sở sản khoa.
 
Đối với Dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con tại Việt Nam, theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B. Do đó, tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B trên phụ nữ mang thai cũng rất cao từ 9,5-13%.
 
1_183.jpg
Ảnh minh họa

 

Theo đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ em, hiện có 3 đường lây truyền quan trọng của virus viêm gan B; đó là lây truyền từ mẹ sang con, lây truyền qua đường máu và qua đường tình dục. Trong đó, lây truyền từ mẹ mang virus viêm gan B sang con là đường lây quan trọng của virus viêm gan B, đặc biệt là tại các nước châu Á.
 
Cụ thể, việc lây truyền viêm gan B trong quá trình chuyển dạ và khi đẻ là nguyên nhân phổ biến trong cơ chế lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Trong số những trẻ nhiễm viêm gan B do lây truyền từ mẹ sang, có tới 90% trẻ có nguy cơ chuyển thành viêm gan mạn tính.
 
Vì vậy, để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai đều nên làm xét nghiệm xác định virus viêm gan B và xét nghiệm lại trong thai kỳ nếu cần thiết.
 
Trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm viêm gan B có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (tỷ lệ bảo vệ trên 90%)…
 
Tại Hội nghị, các đại biểu dược tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con; thảo luận nhóm và xây dựng kế hoạch triển khai kế hoạch hành động tại địa phương; đề xuất các hoạt động trong thời gian tới cũng như nêu khó khăn, giải pháp để thực hiện kế hoạch tại địa phương, đơn vị.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn