HĐBA LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết.
Là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ, HĐBA gồm 15 thành viên, trong đó có 5 nước là ủy viên thường trực, gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ. 10 ủy viên không thường trực được chia thành 2 nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 thành viên mới được bầu.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, chức chủ tịch HĐBA luân phiên theo tháng, theo thứ tự alphabet tên tiếng Anh của các nước thành viên. 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, Việt Nam đắc cử ủy viên không thường trực của Hội đồng sau phiên bỏ phiếu tại New York ngày 7/6, nhận được 192 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 phiếu).
Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐBA trong hai tháng: tháng 1/2020 và tháng 4/2021.
Thứ trưởng Nguyễn Hoài Trung chỉ ra một số thuận lợi của Việt Nam nắm giữ trọng trách tại HĐBA: Đóng góp vào chương trình nghị sự của HĐBA là phối hợp, thúc đẩy quan hệ giữa LHQ với các tổ chức khu vực. Năm 2020, Việt Nam còn là Chủ tịch của ASEAN, do đó chúng ta có điều kiện là thúc đẩy vấn đề này. Quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế lớn, các nguyên tắc giải quyết vấn đề khu vực là tích cực và xây dựng. Việt Nam có những thành tựu trong quá trình phát triển KT-XH tạo ra vị thế nhất định, ta có nhiều kinh nghiệm khi từng làm ủy viên không thường trực HĐBA năm 2008-2009, kinh nghiệm tổ chức các diễn đàn đa phương…
Qua trao đổi tham vấn các quốc gia, đa số thành viên đều mong muốn Việt Nam phát huy các giá trị về phương diện đề cao độc lập dân tộc, ngăn ngừa xung đột, khát vọng hòa bình; Phát huy kinh nghiệm tái thiết đất nước sau chiến tranh, về vấn đề hòa giải với các nước cựu thù; vai trò trong các thể chế khu vực và bản sắc ngoại giao đối ngoại…
Nêu những ưu tiên của Việt Nam khi tham gia HĐBA, Thứ trưởng Lê Hoài Trung chia sẻ, đóng góp của Việt Nam vào HĐBA dựa trên cơ sở là những chương trình nghị sự của Hội đồng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, giải quyết những vấn đề toàn cầu, hòa bình an ninh, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Khi tham gia HĐBA thì mục đích của của Việt Nam là xây dựng môi trường hòa bình ổn định trên thế giới và khu vực. Chính điều này đảm bảo cho chúng ta có một môi trường hòa bình để phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2007, Việt Nam đã trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế. Một số đóng góp nổi bật của Việt Nam trong nhiệm kỳ này là Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1889 do Việt Nam đề xuất về Phụ nữ, hòa bình và an ninh với nội dung tập trung về nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái trong hoàn cảnh hậu xung đột và tăng cường sự tham gia của nữ giới trong mọi giai đoạn của tiến trình hòa bình. Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến tổ chức tham vấn rộng rãi với các thành viên LHQ ngoài Hội đồng Bảo an về Báo cáo hàng năm của Hội đồng Bảo an trước Đại hội đồng.
Sắp tới, Hội nghị quốc tế "Phụ nữ với hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc" sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Việc tổ chức thành công hội nghị quốc tế này sẽ nâng cao vai trò của Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình, chương trình bình đẳng giới của Việt Nam và các diễn đàn của Liên hợp quốc, tạo tiền đề cho những đóng góp của Việt Nam trong năm 2020 khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN.
Sau 5 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử hàng chục lượt sĩ quan, trong đó có nhiều nữ quân nhân thực hiện nhiệm vụ sĩ quan Liên lạc, Quan sát viên quân sự và sỹ quan Tham mưu tại hai phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn