Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam đối với việc một số đối tác quan tâm đến tình hình thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của Việt Nam gần đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Nhân quyền là giá trị chung của nhân loại, song có những khác biệt về cách tiếp cận, ưu tiên về quyền con người xuất phát từ khác biệt của lịch sử, văn hóa, thể chế chính trị, trình độ phát triển. Đây là thực tiễn bình thường trong quan hệ quốc tế, điều quan trọng là chúng ta cần sẵn sàng hợp tác, đối thoại trên tinh thần hợp tác, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau.
Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại về quyền con người đối với một số nước, đối tác nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mở ra những cơ hội hợp tác song phương trong lĩnh vực quyền con người. Chúng tôi cũng mong muốn cộng đồng quốc tế có cái nhìn khách quan, toàn diện, cân bằng về nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người”.
Trong thời gian tới, Việt Nam ưu tiên kiện toàn hệ thống phát luật nhằm đảm bảo thực hiện tốt hơn các quyền tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân... Việt Nam tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới do đây là yếu tố quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh cũng như đẩy mạnh chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội…
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao đã công bố cuốn sách “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam” với các phiên bản tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Cuốn sách cung cấp những thông tin cập nhật về luật pháp, chính sách, nỗ lực và thành tựu của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người cũng như các thách thức cần vượt qua và những hướng ưu tiên nhằm thúc đẩy quyền thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền con người ở Việt Nam.
Cuốn sách có phần nhấn mạnh đến việc Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển các chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ. Việt Nam đã xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện các nguyên tắc về bình đẳng giới, không phân biệt đối xử, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ như Luật bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ luật Lao động sửa đổi; Chương trình hành động quốc gia về phòng chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011-2015 nhằm bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân (đa số là phụ nữ và trẻ em) bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trên bình diện quốc tế, Chính phủ Việt Nam nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thành viên của Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), là thành viên và đã nghiêm túc thực hiện các quy định của Công ước về Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em…
Bên cạnh đó, vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị và xã hội đã được nâng lên. Theo kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV, đã có 133 người là nữ giới trúng cử, chiếm 26,8%, đưa Việt Nam vào nhóm nước có tỉ lệ đại biểu quốc hội cao ở khu vực (xếp thứ 2 trong ASEAN) và thế giới (xếp thứ 43/143 nước). Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên có Chủ tịch là nữ. Phụ nữ Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước như Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, Bộ trưởng; 15/30 bộ và cơ quan trực thuộc chính phủ có Thứ trưởng là nữ.
Khoảng cách chênh lệch về giới trong tiếp cận giáo dục hầu như không còn trong tất cả các bậc học, thậm chí nhiều phụ nữ đạt được bằng đại học và cao đẳng hơn nam giới ở một số ngành nghề. Tỉ lệ phụ nữ biết chữ là 96%, tỉ lệ nữ trong các bậc giáo dục phổ thông và đại học lần lượt là 48,6% và 48,3%. Số nữ tiến sĩ chiếm 19% trong tổng số tiến sĩ, nữ thạc sĩ chiếm 38% tổng số thạc sĩ.