Việt Nam tụt hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu

17:23 | 17/11/2017;
Tụt 0,63 điểm so với năm 2016, chỉ số thông thạo Anh ngữ của Việt Nam năm 2017 xếp hạng thứ 34 (tụt 3 bậc so với năm ngoái) trong tổng số 80 quốc gia được khảo sát. Mức này được xếp vào loại trung bình khá trong bảng xếp hạng.

Tụt hạng về điểm

Sáng 17/11 tại Hà Nội, tổ chức giáo dục quốc tế Education Firrst (EF) công bố bảng xếp hạng đánh giá kỹ năng tiếng Anh của người trưởng thành toàn cầu. Đây là hoạt động khảo thí thường niên của EF, đến nay trải qua năm thứ 7 với quy mô khảo sát rộng.

Riêng trong năm 2017, EF khảo sát trên 1,1 triệu người trưởng thành thuộc 80 quốc gia toàn thế giới – số lượng lớn nhất trong suốt 7 năm qua. Việt Nam có khoảng 20.000 tham gia khảo sát.

Nhóm nghiên cứu của EF công bố chỉ số thông thạo Anh ngữ toàn cầu, sáng 17/11. Ảnh: D.H

Công cụ khảo sát kỹ năng tiếng Anh là thông qua bài kiểm tra Anh ngữ tiêu chuẩn EF SET, qua bài kiểm tra này có thể đánh giá được chỉ số thông thạo Anh ngữ (EPI). EF SET thực hiện miễn phí toàn thế giới, có thể thực hiện trên máy tính, điện thoại, máy tính bảng… và cho kết quả nhanh sau một tiếng, độ chính xác cao.

Tại buổi công bố, ông Minh Tran – Giám đốc nghiên cứu cấp cao của EF cho biết, Việt Nam xếp thứ 34 trong tổng số 80 quốc gia - ở vị trí trung bình khá.

“Giữa các quốc gia trong châu Á có khoảng cách lớn về trình độ. Nếu như Singapore ở trong top 5 cùng các nước Bắc Âu thì ở cuối hạng lại là Lào, Cambodia. Riêng Việt Nam, điểm chỉ số giảm 0,63 điểm và trụt 3 bậc, từ 31 năm 2016 xuống còn 34 trong năm nay” – ông Minh Tran cho biết.

Theo ông Minh Tran, điều này đồng nghĩa với việc trong năm qua, mức độ thông thạo tiếng Anh của Việt Nam đang giẫm chân tại chỗ và không có tiến bộ nào đáng kể.

Tuy nhiên, nếu đặt trong khoảng thời gian 7 năm, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây, với mức tăng gần 3 điểm, Việt Nam được xếp vào nhóm có mức cải thiện lớn nhất trong bảng xếp hạng. Để duy trì “phong độ” và không phải tiếp tục tụt hạng trong các năm tới, tôi nghĩ cần tập trung nhiều hơn vào việc cải cách chương trình học và nâng cao kỹ năng của giáo viên tiếng Anh toàn quốc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp” – ông Minh Tran nói.

Thấy gì qua bảng xếp hạng?

Chia sẻ với báo chí, ông Minh Tran cho biết, trước sự tò mò vì sao top 5 luôn là các nước khu vực Bắc Âu, điều mà các nghiên cứu viên nhận thấy là các quốc gia này khá nhỏ, là quốc gia phát triển nên việc người dân sử dụng được tiếng Anh để giao tiếp toàn cầu được đặt lên hàng đầu.

Theo ông, Bộ Giáo dục các nước này rất chú trọng sử dụng tiếng Anh để dạy học cho các em học sinh từ độ tuổi rất nhỏ. Thêm nữa, hệ thống giáo dục các quốc gia này không  phải là kiểm tra ngữ pháp mà là tập trung vào kỹ năng giao tiếp.

Nhu cầu học tiếng Anh ngày càng trở nên bức thiết đối với thế hệ trẻ toàn cầu. Ảnh: Nguồn EF 

“Việt Nam đang có sự dịch chuyển nhất định trong phương pháp giảng dạy, nhưng so với quốc gia khác, sự tương tác giữa giáo viên và học sinh để giao tiếp vẫn còn hạn chế nhất định. Đây là lý do vì sao các nước thuộc tốp đầu chú trọng đào tạo tiếng Anh cho công dân từ nhỏ, trong đó ưu tiên sự tương tác giữa học sinh với nhau, giữa học sinh với giáo viên. Đây là điểm mấu chốt trong phương pháp giảng dạy của họ”- ông Minh nói.

Đồng tình với điều này, bà Cao Phương Hà- Giám đốc EF Việt Nam chia sẻ thêm, ở Việt Nam, việc học tiếng Anh cũng như bài kiểm tra EF SET gián tiếp để “lộ” điểm hạn chế của học sinh là còn nghiêng nhiều về kỹ năng ngữ pháp và đọc hiểu, còn kỹ năng về giao tiếp chưa được chú trọng. Muốn bồi đắp kỹ năng này, các bạn phải đi học ở các trung tâm Anh ngữ để tiếp xúc với giáo viên bản địa, hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn.

Theo nhóm nghiên cứu, chỉ số EPI nghe qua có vẻ không mấy quan trọng, nhưng thực chất thể hiện được thông điệp khá rõ ràng, khi mà thế hệ trẻ đang phải cạnh tranh mang tính toàn cầu.

Các yếu tố tạo nên môn công dân toàn cầu được nhóm nghiên cứu chỉ ra là khả năng sáng tạo, tư duy độc lập, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp để nói chuyện và khả năng am hiểu văn hóa thế giới.

“Những điều này đều liên quan đến tiếng Anh. Tiếng Anh không còn là khuyến khích nữa mà là bắt buộc để làm việc thành công trong thế giới mới này” - nghiên cứu cấp cao Minh Trần nhấn mạnh.

Chính vì vậy, ông Minh Trần khuyến cáo, nếu Việt Nam không tiếp tục đầu tư đào tạo giúp người dân cải thiện kỹ năng giao tiếp, qua đó nâng cao trình độ tiếng Anh thì khó cạnh tranh với tri thức toàn thế giới. Thực tế cho thấy, người nào càng tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa thì rõ ràng khả năng sáng tạo và tư duy độc lập của họ cũng cao hơn.

Cũng tại buổi công bố, nhóm nghiên cứu cho hay, thời gian tới, EF Việt Nam sẽ làm việc với Bộ GD&ĐT, tiến tới ký kết hợp tác trển khai bài kiểm tra EF trong nhà trường để đánh giá năng lực tiếng Anh của học sinh, sinh viên trong nước.

Trước đó, tổ chức này đã ký kết với Bộ Giáo dục Italy về bài kiểm tra EF SET sẽ được triển khai cho trên 800 trường học, với khoảng 400.000 học sinh. Dựa vào kết quả đánh giá, EF sẽ phân loại năng lực ngôn ngữ từ thấp đến cao, qua đó tạo cơ sở cho ngành giáo dục thiết kế chương trình học phù hợp, hiệu quả. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn