Tại Hội nghị Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2019, do Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức sáng 30/8 tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2019, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện 50.645 bệnh nhân lao các thể, đạt tỷ lệ phát hiện khoảng 52/100.000 dân và điều trị thành công cho trên 90% số bệnh nhân lao mới và tái phát phát hiện được.
Chương trình vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận, huyện và 100% số xã, phường trên cả nước. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48 trên 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi. Tuy nhiên, vẫn còn 15 tỉnh, thành chưa có Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi.
TS Nhung cho biết thêm, trong 6 tháng cuối năm 2019, Chương trình Chống lao Quốc gia tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động thường quy và các lĩnh vực chuyên môn ưu tiên như phát hiện chủ động, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn, lao trẻ em, lao/HIV… Ngoài ra, chương trình cũng đẩy mạnh triển khai các can thiệp tích cực, các sáng kiến mới, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật mới trong xét nghiệm chẩn đoán bệnh lao, áp dụng y học chính xác trong chẩn đoán và điều trị, quyết tâm phấn đấu đạt các chỉ tiêu cam kết với Chính phủ, Bộ Y tế.
Theo TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, những năm qua, công tác phòng, chống lao ở Việt Nam đạt được nhiều thành quả. Tuy nhiên hiện Việt Nam vẫn là quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 16 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 13 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Ngoài ra, ngành y tế vẫn chưa tầm soát hết các đối tượng nghi bị lao đa kháng thuốc, tỷ lệ người được xét nghiệm phát hiện lao đa kháng thuốc còn hạn chế tại nhiều địa phương. Tỷ lệ bỏ điều trị vẫn ở mức khá cao. Sự hợp tác để phát hiện lao trẻ em giữa Chương trình chống lao quốc gia và các cơ sở nhi khoa ở tỉnh và huyện chưa thường xuyên và hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Chương trình Chống lao Quốc gia cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Chương trình hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030. Đặc biệt, cần phối hợp cùng Bộ Y tế vận động ngân sách Chính phủ cấp cho Chương trình Chống lao đủ để mua thuốc chống lao cho toàn bộ các bệnh nhân lao trong chẩn đoán, điều trị năm 2019-2020; chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi nguồn kinh phí từ nhà nước sang sử dụng kinh phí bảo hiểm y tế cho thuốc chống lao.