Chiều 27/7, tại Hà Nội, BV Phổi TƯ-Chương trình Chống lao Quốc gia tổ chức Hội thảo tham vấn đối tác nghiên cứu bệnh lao nhằm thúc đẩy nỗ lực tiến tới hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao và vai trò tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực ưu tiên này.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi TƯ, Chủ nhiệm Chương trình chống lao Quốc gia đã giới thiệu về Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam cũng như các hoạt động liên quan đến quản lý lao kháng thuốc, giới thiệu thuốc/phác đồ điều trị mới và cách tiếp cận mới để tiến tới chấm dứt bệnh lao.
Hiện Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp lý khá đầy đủ cho việc chấm dứt bệnh lao bao gồm: Nghị quyết của Trung ương Đảng về mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao; Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống lao đến năm 2020 giảm mắc lao trong cộng đồng xuống dưới 131/100.000 người dân; giảm chết do lao xuống dưới 10/100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện.
Hằng năm, Việt Nam phát hiện, điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tỷ lệ phát hiện đạt 83% số mắc mới hằng năm so với mức trung bình 61% trên thế giới. Điều trị khỏi bệnh 90% số trường hợp mắc lần đầu; trong số 12.019 người bệnh lao kháng đa thuốc được điều trị, tỷ lệ khỏi đạt trên 75% (mức trung bình trên thế giới là 52%).
Theo TS Nhung, hiện Chương trình chống lao Quốc gia có thể điều trị cho tất cả các thể lao kháng đa thuốc và siêu kháng với phác đồ ngắn hạn và phác đồ có thuốc mới mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Ước tính năm 2017, nước ta có thêm 126.000 người mắc lao và 13.000 người Việt tử vong vì căn bệnh này. Tuy vẫn còn 17% số người mắc lao chưa được phát hiện; 10 người bệnh chưa được điều trị khỏi trong lần mắc lao đầu… nhưng so với mức trung bình của thế giới, công tác phòng chống lao tại Việt Nam được đánh giá cao.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 23 - 27/7/2018 theo lời mời của Chương trình Phòng chống lao Quốc gia, Đoàn công tác Chương trình chống Lao toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới do TS Tereza Kasaeva-Giám đốc Chương trình dẫn đầu đã đánh giá cao những cố gắng của Việt Nam trong phòng chống lao.
Theo TS Tereza Kasaeva, Việt Nam từ một trong những quốc gia chịu gánh nặng lớn về bệnh lao trên toàn cầu và là một trong số những nước có gánh nặng bệnh lao cao hàng đầu trong khu vực, nhưng với những nỗ lực của các cấp ngành, Việt Nam đã chuyển từ cam kết văn bản đến hành động thiết thực bằng việc không chỉ làm giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này mà còn trở thành một trong những quốc gia đi đầu mở đường cho các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương cũng như trên thế giới trong phòng chống lao ở cộng đồng.
TS Tereza Kasaeva cũng đề nghị, Việt Nam hãy đi tiên phong trong những nỗ lực chấm dứt bệnh lao bằng việc đảm bảo sự tham gia của lãnh đạo cấp quốc gia trong cuộc họp cấp cao của Liên hợp quốc về bệnh lao sẽ diễn ra ngày 26/9 tới.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, TS Tereza Kasaeva đã có cuộc họp và làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước để thảo luận về việc triển khai Chiến lược chấm dứt bệnh lao và chuẩn bị cho cuộc họp cấp cao về bệnh lao của Đại hội đồng Liên hợp quốc của các nguyên thủ quốc gia. Đoàn công tác của Chương trình chống lao toàn cầu cũng đã có cuộc gặp và làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Lãnh đạo Bộ Y tế để bàn về một số vấn đề liên quan tới công tác phòng, chống lao tại Việt Nam. Đó là khung trách nhiệm giải trình đa ngành về phòng, chống lao; Đề xuất đưa phòng, chống lao vào Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới đối với Việt Nam trong triển khai Chiến lược kết thúc bệnh Lao; Đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho mua sắm thuốc lao, chuyển sang nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế từ năm 2019. |