Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ cuối năm 2021 có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, hội viên phụ nữ nhằm đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hiện Chương trình đã mở rộng thêm nhiều đối tượng trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác.
Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Đinh Thị Ngọc Lê, Chủ tịch Hội LHPN huyện Minh Hóa, về cách làm để chương trình ngày càng lan tỏa rộng rãi tính nhân văn và tăng cường kết nối trong cộng đồng.
Hưởng ứng chương trình, Hội LHPN huyện Minh Hóa đã triển khai thế nào? Đến thời điểm hiện tại Hội LHPN huyện Minh Hóa đã nhận đỡ đầu bao nhiêu cháu?
Thực hiện Kế hoạch số 212/KH-BTV ngày 11/11/2021, về triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 và mồ côi do các nguyên nhân khác; Hướng dẫn số 01/HD-BTV ngày 07/02/2022 về triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Minh Hóa đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn, Hội phụ nữ Công an huyện khảo sát, xác minh hoàn cảnh thực tế và lập danh sách số trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch Covid-19 và trẻ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở Hội nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Trong công tác chỉ đạo, triển khai Chương trình, các cấp Hội luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể địa phương; sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện.
Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn toàn huyện có 240 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đã có 172 trẻ mồ côi được nhận được đầu, với mức hỗ trợ từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/trẻ/tháng, thời gian hỗ trợ từ 1 - 5 - 9 năm, đến khi các cháu tròn 18 tuổi hoặc điều kiện gia đình được cải thiện. Tổng kinh phí nhận đỡ đầu là gần 1,7 tỷ đồng.
Công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được thực hiện thế nào thưa bà?
Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Minh Hóa đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" lồng ghép với các hoạt động và nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Kiểm tra giám sát Dự án 8. Kết quả, Uỷ ban Kiểm tra và Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã kiểm tra 15/15 đơn vị cấp xã, Hội Phụ nữ Công an huyện, đồng thời đôn đốc các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân chuyển tiền đỡ đầu, hỗ trợ trẻ mồ côi kịp thời.
Chỉ đạo các cấp Hội thường xuyên cập nhật kịp thời thông tin trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ, giúp đỡ qua phần mềm quản lý trẻ mồ côi, qua nhóm Facebook "Mẹ đỡ đầu" để kịp thời kết nối, kêu gọi hỗ trợ. Các cấp Hội đã lập sổ theo dõi, nhận tiền hỗ trợ trẻ mồ côi (số tiền, thời gian, nguồn tiền hỗ trợ) để tiện theo dõi, giám sát.
Trong quá trình thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu", Hội LHPN huyện Minh Hóa gặp những thách thức, khó khăn gì?
Hiện nay, số trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn chưa được hỗ trợ trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều (hơn 50 cháu); nhiều cháu đã được các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân nhận đỡ đầu nhưng chủ yếu là từ 1-3 năm, số trẻ được cam kết nhận đỡ đầu đến 18 tuổi còn ít.
Nhiều trường hợp trong một gia đình có 3-4 trẻ mồ côi nhưng do số trẻ mồ côi trên địa bàn đông nên chỉ mới ưu tiên nhận đỡ đầu 1 cháu/gia đình. Các nguồn lực của địa phương để đỡ đầu trẻ mồ côi còn hạn chế, nhất là các xã khó khăn có số lượng trẻ mồ côi cao như Dân Hoá, Trọng Hoá.
Do điều kiện kinh tế huyện nhà còn khó khăn, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn còn ít, mức thu nhập của người dân còn thấp nên việc huy động xã hội hóa nhận đỡ đầu các em mồ côi còn hạn chế.
Giải pháp để tiếp tục thực hiện Chương trình hiệu quả trong thời gian tới của Hội LHPN huyện Minh Hóa là gì, thưa bà?
Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục kết nối với các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đồng hành với Hội LHPN huyện Minh Hóa để viết tiếp ước mơ cho trẻ em mồ côi vùng biên giới huyện Minh Hóa.
Đồng thời tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương; công tác phối hợp với các ban, ngành, Mặt trận, các đoàn thể, các tổ chức xã hội để tổ chức thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" có chất lượng, hiệu quả.
Đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng giữa "Mẹ đỡ đầu" và các con nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa Chương trình, tiếp tục thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân trong cộng đồng xã hội.
Tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo các cấp Hội khảo sát về tình hình trẻ mồ côi, đảm bảo đúng đối tượng, mô tả cụ thể hoàn cảnh các cháu để thuận tiện trong việc kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ giúp đỡ.
Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin giữa Mẹ đỡ đầu gián tiếp, Mẹ đỡ đầu trực tiếp với trẻ và tổ chức Hội; thường xuyên thăm hỏi, động viên trẻ, báo cáo tình hình trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu đến các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, tạo sự gắn kết chặt chẽ.
Động viên, khích lệ các Mẹ đỡ đầu trực tiếp ở cơ sở, nhất là các chị có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Mẹ đỡ đầu và các con, nhà tài trợ; biểu dương, tôn vinh kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp đối với Chương trình.
Những mất mát của các con là không gì bù đắp được nhưng chúng tôi hy vọng bằng tình yêu thương và trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó trực tiếp là cán bộ hội, hội viên phụ nữ sẽ góp phần giúp đỡ nhiều trẻ mồ côi vơi bớt một phần khó khăn trong cuộc sống, giúp các em có một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn