Vingroup hợp tác với Masan, người tiêu dùng có lợi?

11:43 | 04/12/2019;
Việc tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đạt được thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco được xem như "lễ ăn hỏi" cho "đám cưới" sắp tới của 2 đại gia ngành bán lẻ. Vậy việc hợp tác của Vingroup và Masan có đem lại ích lợi gì cho người tiêu dùng?

Ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Thỏa thuận này được ví như "lễ ăn hỏi" mà sắp tới đây "đám cưới" của hai tập đoàn được dự báo sẽ diễn ra rất quy mô.

Thế mạnh

Nhiều doanh nghiệp có hệ thống bán lẻ trong nước bắt đầu cảm thấy lo lắng khi Vingroup và Masan về ở chung nhà.

"Đứa con" của 2 tập đoàn Vingroup và Masan có hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng thuộc hệ thống VinMart & VinMart+ tại 50 tỉnh thành cùng hàng triệu khách hàng; 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng của Masan.

Dự tính, cuộc "hôn phối" của hai đại gia trong ngành bán lẻ sẽ sản sinh ra "đứa con" có tiềm lực cạnh tranh trên thị trường này. 

PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài Chính) phân tích, hai tập đoàn Vingroup và Masan là rất mạnh trong lĩnh vực bán lẻ nên việc sáp nhập sẽ tạo ra thế mạnh.

Thế mạnh của hai doanh nghiệp này là quy mô hoạt động và chất lượng phục vụ trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Những hoạt động về bán lẻ của Vingroup và Masan trước mắt được xem là rất thuận lợi với người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ được trải nghiệm các sản phẩm của hai doanh nghiệp này.

Kế đến, người dân được sử dụng chất lượng phục vụ và dịch vụ, hàng hóa của doanh nghiệp tương đối đảm bảo chất lượng.

Vingroup hợp tác với Masan, người tiêu dùng có lợi? - Ảnh 2.

Hiện Vingroup có hệ thống siêu thị bán lẻ hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng

Mối lo thống lĩnh thị trường

PGS.TS Ngô Trí Long nhận định, hiện nay, thị trường bán lẻ trong nước còn có các doanh nghiệp nước ngoài tham gia. Việt Nam đã mở cửa thị trường bán lẻ nên nếu có những tập đoàn mạnh, có những "con chim đầu đàn" thì sẽ tạo thuận lợi cho môi trường và thị trường bán lẻ có sự cạnh tranh lớn hơn với các tập đoàn nước ngoài.

Một khi thị trường bán lẻ trong nước có những doanh nghiệp nội địa có thế mạnh, đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài sẽ tạo lợi thế cho người tiêu dùng là chính.

Doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với nhau trong thị trường bán lẻ, giảm áp lực độc quyền, tạo điều kiện tốt cho môi trường kinh doanh.

PGS Long đặt niềm tin về các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ưu thế tốt trên thị trường bán lẻ. Vingroup và Masan đều là doanh nghiệp có thế mạnh trong thị trường bán lẻ mà trong xu thế môi trường thương mại tự do thì phải mở cửa.

Do đó, thị trường bán lẻ Việt Nam không có các doanh nghiệp mạnh tạo thế cạnh tranh trong nước thì sẽ tạo ưu thế cho doanh nghiệp nước ngoài. Lúc này, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ thống lĩnh thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Một khi các doanh nghiệp nước ngoài áp đảo thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ảnh hưởng không tốt cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Lo ngại nhất là hai tập đoàn mạnh này khi chiếm được thị phần và trở thành vị trí mạnh thống lĩnh thị trường. Tuy nhiên, vị thế, thị phần bao nhiêu để khống chế thị trường bán lẻ còn phải xem xét.

PGS Ngô Trí Long


Theo quy luật của thị trường, nếu thị phần tập trung lớn vào tay một doanh nghiệp thì sẽ dẫn đến thống lĩnh thị trường. Một khi vị thế độc quyền trên thị trường thuộc về một doanh nghiệp thì dễ dẫn đến thao túng thị trường, đồng nghĩa với việc giảm tính cạnh tranh. Nếu chuyện này xảy ra thì người tiêu dùng không được hưởng lợi.

PGS Long đánh giá, theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp chiếm lĩnh 30% thị phần thì được xem là đã ở vị trí thống lĩnh. Về trường hợp của Vingroup và Masan nếu 2 tập đoàn này sáp nhập thì thị phần đạt được có đến mức thống lĩnh thị trường không.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn