Covid-19 là một thảm họa ập đến không báo trước, một kẻ thù giấu mặt và hầu như mọi nền kinh tế và ngành nghề đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là một nền kinh tế nhỏ phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu và các đối tác thương mại, đầu tư lớn, kinh tế Việt Nam đã bộc lộ nhiều điểm yếu và đang chịu cú sốc ban đầu về nguồn cung cũng như tác động giảm mạnh về cầu trên hầu như tất cả mọi mặt.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), chỉ trong 7 tháng đầu năm nay có tới 8.102 doanh nghiệp bán buôn - bán lẻ trên cả nước đang chờ giải thể vì kinh doanh thua lỗ. Còn theo đánh giá của CBRE Việt Nam, có tới 38% nhà bán lẻ phải tạm ngưng mở rộng trong năm 2020, 11% tập trung củng cố cửa hàng hiện tại hoặc buộc dời ngày khai trương sang năm 2021.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, dịch bệnh được cho là một cuộc sàng lọc, sẽ chỉ có những doanh nghiệp có nội lực nhất định mới có thể vượt qua. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đây là giai đoạn xuất hiện những khó khăn chưa từng có. Tuy nhiên, họ cũng cho rằng đây là cơ hội "lửa thử vàng", chính những thách thức của thị trường sẽ tạo nên sức bật cho doanh nghiệp cũng như sản phẩm, dịch vụ.
Để tôn vinh các doanh nghiệp nỗ lực vươn lên, tìm kiếm cơ hội mới, mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt, chương trình Tin Dùng Việt Nam 2020 được tổ chức với chủ đề: Lửa thử vàng - Thách thức tạo sức bật.
Từ năm 2006, chương trình Tin Dùng Việt Nam được tổ chức thường niên nhằm bình chọn sản phẩm hàng hóa - dịch vụ trên thị trường Việt Nam được người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn, do chuyên trang Tiêu Dùng, thuộc Tạp chí điện tử VnEconomy.vn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức trên quy mô toàn quốc.
Trong suốt 10 tháng từ tháng 01/2020 đến 11/2020, từ trên 6.790 sản phẩm – dịch vụ được đề cử, Ban tổ chức chương trình đã nhận lại được 29.340 phiếu bình chọn, 79.280 ý kiến đánh giá trực tuyến. Sản phẩm - dịch vụ bình chọn được chia theo 6 nhóm ngành chính, bao gồm: Nhóm Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Nhóm Thực phẩm, đồ uống và dịch vụ bán lẻ; Nhóm Sản phẩm gia dụng, nội ngoại thất, bất động sản; Nhóm Chăm sóc sức khoẻ - làm đẹp; Nhóm Vận chuyển, nghỉ dưỡng, ẩm thực; Nhóm Giáo dục, công nghệ, viễn thông.
Tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm – dịch vụ đã vượt qua những khó khăn, rào cản của dịch Covid-19 để vươn lên, tìm kiếm cơ hội mới, mang đến được cho khách hàng những trải nghiệm tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao; các thương hiệu doanh nghiệp sở hữu các sản phẩm, dịch vụ có quá trình chuyển đổi số và thanh toán không tiền mặt hiệu quả…
Ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "Dịch bệnh tạo ra rủi ro hệ thống tác động lên toàn bộ các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ. Do ảnh hưởng của đại dịch, khó khăn đang bao trùm, nhưng không phải cơ hội hoàn toàn biến mất và không phải các nhà bán lẻ nào cũng gặp khó khăn như nhau. Theo nghiên cứu của nền tảng tiếp thị di động Adtima: Xu hướng mua sắm online trong những dịp gần đây đã thay đổi đáng kể, với 39% mua sắm trên website thương mại điện tử, 33% mua sắm ở các mạng xã hội và 22% trên các nền tảng khác..."
Thách thức sẽ tạo sức bật cho các doanh nghiệp nắm bắt xu thế tốt, cung cấp đủ hàng hóa tới các kênh để có thể đáp ứng người tiêu dùng, không ngừng tuyên truyền các thông điệp an toàn tới nhân viên, khách hàng và cộng đồng. Giai đoạn hiện tại và sắp tới, một nhà bán lẻ thành công sẽ là doanh nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt nhất mà còn phải nhanh nhất, không chỉ thanh toán tiện lợi mà còn phải theo hướng "không có sự tiếp xúc"...
Cũng trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu và đại diện người tiêu dùng có dịp tham gia Tọa đàm với chủ đề "Thế giới mới và xu hướng tiêu dùng mới", chia sẻ và tìm hiểu rõ hơn những thuận lợi và khó khăn trong bối cảnh bình thường mới.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn