Nàng công chúa trở thành gián điệp Anh
Cha của Noor là Hazrat Inayat Khan, cháu nội của vua Tipu ở Vương quốc Mysore, một nước Hồi giáo cổ xưa ở miền Nam Ấn Độ. Mẹ của bà là Ora Meena Ray Baker, người gốc vùng Albuquerque, bang New Mexico (Mỹ). Noor chào đời ngày 1/1/1914 trong Điện Kremlin (Nga), nơi cha bà giảng dạy về học thuyết hòa bình của dòng Hồi giáo Sufi. Gia đình Khan được Nga hoàng Nicholas II cho lưu trú lâu dài và tiếp đãi như thượng khách. Khi ngân hàng do cha bà làm chủ bị phá sản, gia đình bà đã chuyển sang Pháp. Họ được cộng đồng những người Hồi giáo dòng Sufi ôn hòa xây cho một căn nhà ở Paris.
Trước khi Thế chiến II nổ ra, Noor bắt đầu nghề viết văn, chuyên sáng tác thơ và truyện dành cho thiếu nhi, đăng trên các tạp chí và đài phát thanh Pháp. Biến cố bước ngoặt trong cuộc đời Noor chính là sự kiện quân Đức tấn công nước Pháp năm 1940 khiến cuộc sống của hàng triệu người dân châu Âu thay đổi hoàn toàn. Ban đầu, Noor đăng ký tham gia và được đào tạo để trở thành một thành viên của đội cứu thương Pháp. Khi cuộc chiến ngày càng lan rộng, do có hộ chiếu Anh nên cả gia đình Noor không thể tiếp tục ở lại nước này. Cuối năm 1940, cả gia đình bà về lại Anh. Noor tham gia lực lượng Nữ không quân trợ chiến và được đào tạo sử dụng thiết bị vô tuyến điện. 2 năm sau khi gia nhập quân đội Anh, Noor đã trở thành một phi công hàng đầu của Anh.
Cùng thời gian này, Thủ tướng Anh Winston Churchill quyết định tuyển dụng những phụ nữ vào một đơn vị gián điệp sẽ được điều động tới khu vực bị Đức chiếm đóng ở Pháp với nhiệm vụ bí mật phát động một cuộc chiến ngay trong lòng địch. Một ngày đầu năm 1942, Noor nhận được lời mời tới dự phỏng vấn tại Cục tác chiến đặc biệt (SOE). Ngày 29/2/1943, Noor bắt đầu tham gia khóa đào tạo điệp viên đặc biệt.
Ngày 17/6/1943, Noor mang mật danh "Madeleine", dưới vỏ bọc y tá, chứng minh thư mang tên Jeanne-Marie Regnier, được phân công làm sĩ quan trợ chiến Ban F và được đưa đến căn cứ bí mật B/20A ở miền Bắc nước Pháp. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên điều hành hệ thống vô tuyến điện. Tại Pháp, Noor tham gia một mạng lưới gián điệp của Anh có tên là "Thầy thuốc" do Francis Suttill, mật danh "Prosper" chỉ huy. Noor đã sát cánh cùng các thành viên khác trong nhóm sử dụng vô tuyến điện kết nối Paris và London, từ đó thúc đẩy các hoạt động phá hoại và trang bị vũ khí cho lực lượng kháng chiến của Pháp. Bà được đánh giá là một điệp viên khéo léo, dũng cảm, gan dạ, được ví như "một con hổ trong trận chiến".
Sau khi các thành viên khác trong mạng lưới lần lượt bị phản gián Đức phát hiện và bắt giữ, chỉ huy đã liên tục thúc giục Noor về nước. Noor chấp nhận tiếp tục ở lại hoạt động trong lòng địch, tiếp tục sử dụng chiếc máy vô tuyến để truyền về London những tin tức quan trọng, tạo cầu nối giữa quân kháng chiến ở Paris với London. Một mình bà đảm nhận việc truyền tin thay cho một nhánh điệp viên trong suốt 3 tháng trời bất chấp nguy cơ có thể bị bắt giữ. Có những thời điểm, bà đảm nhận phần công việc của 6 người. Tháng 10/1943, Noor bị quân Đức ập tới bắt giữ sau khi bị điệp viên hai mang Henri Dericourt phản bội.
Ngày 25/11/1943, Noor cùng với một số điệp viên SOE khác trốn khỏi trại giam. Nhưng thật không may họ bị bắt trở lại ngay tức thì. Thế là Noor bị đưa về Đức biệt giam trong nhà tù ở Pforzheim (Đức) và bị tra tấn dã man hòng moi các thông tin về những liên hệ cũng như hệ thống thông tin liên lạc của Anh. Tuy nhiên, bất chấp việc bị đánh đập, bị bỏ đói và bị hành hạ bởi quân Đức trong suốt 10 tháng trời, Noor vẫn không hé răng nửa lời, kể cả tên thật hay nguồn gốc của mình. Ngày 11/9/1944, quân Đức đưa Noor và 3 nữ điệp viên khác của SOE tới trại tập trung Dachau để giam giữ và 2 ngày sau đó, cả 4 người đều đã bị bắn chết. Khi bị bắn, miệng bà còn hô vang khẩu hiệu "Liberté" (tự do). Lúc đó, Noor vừa tròn 30 tuổi.
Tri ân tinh thần can trường
Chiến tranh kết thúc, phải mất 7 năm người ta mới xác minh được đầy đủ về những nhục hình mà Noor phải chịu và sự can đảm của bà, dù bị tra tấn dã man vẫn không khai ra những bí mật tình báo mình nắm giữ. Với những đóng góp to lớn của mình cho cuộc chiến, Noor được truy tặng Huân chương George, phần thưởng cao nhất dành cho những công dân dũng cảm của Anh, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác... Noor cũng được chính phủ Pháp truy tặng Huân chương Croix de Guerre. Năm 2006, tác giả Basu Shrabani viết một cuốn sách về tiểu sử của Noor với tựa đề "Điệp viên Công chúa" nhằm tưởng nhớ bà. Năm 2012, tượng đài Noor Inayat Khan được dựng lên ở London.
Bà vừa trở thành phụ nữ gốc Nam Á đầu tiên được gắn biển xanh ở London. Đây là tấm biển gắn vĩnh viễn lên các tòa nhà nhằm tôn vinh nơi các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử từng sống và làm việc ở Anh. Ngôi nhà cũ của gia đình bà ở Bloomsbury được English Heritage, tổ chức quản lý bộ sưu tập Di sản quốc gia Anh, công nhận sau lần đầu đề cử vào 14 năm trước. Tấm biển tưởng niệm sẽ được lắp tại địa chỉ số 4 phố Taviton, Bloomsbury, trung tâm London, nơi bà từng sống cùng gia đình trước khi sang Pháp. Nội dung của tấm biển là "Noor Inayat Khan GC, 1914-1944, Đặc vụ SOE mật danh "Madeleine" đã ở tại đây". Đây là thành quả từ nỗ lực của English Heritage. Khi nhóm bắt đầu làm việc, chỉ có 33 trên 900 biển xanh dành cho những người da màu và gốc châu Á. Đến nay, chỉ có khoảng 14% biển xanh dành cho phụ nữ.
Rishi Sunak, Thủ hiến của Exchequer, đang xem xét đề xuất đưa các nhân vật lịch sử từ cộng đồng người da màu, châu Á và dân tộc thiểu số lên một bộ tiền xu có tên "Phục vụ quốc gia". Qua đó, điệp viên Noor Inayat Khan có thể sớm có mặt trên tiền xu ở Vương quốc Anh. Năm 2014, báo Anh Royal Mail đã phát hành tem bưu chính để vinh danh Noor như một phần của bộ 10 con tem trong loạt phim "Những cuộc đời đáng chú ý".
Năm 2012, hai nhà sản xuất Ấn Độ Zafar Hai và Tabrez Noorani đã có được bản quyền làm phim tiểu sử "Liberté: A Call to Spy" và diễn viên Radhika Apte đã vào vai Noor. Nhiều bộ phim tài liệu như "Churchill’s Secret Agents: The New Recruits" của Netflix về các đặc vụ nữ và SOE cũng đã giới thiệu câu chuyện của Noor. Năm 2018, một vở kịch có tựa đề "Đặc vụ Madeleine" được công chiếu lần đầu tiên tại Liên hoan phim Ottawa (Canada).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn