Vinh dự, tự hào về dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc

10:15 | 03/06/2018;
Trong những ngày đầu tháng 6, khắp các đường phố Thủ đô Hà Nội đều có băng rôn, khẩu hiệu màu đỏ chói chào đón 700 đại biểu anh hùng, điển hình tiên tiến tiêu biểu đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc được tổ chức sáng nay, 3/6 tại Thủ đô Hà Nội.

Sắc hè chang chang nắng, các con đường ở Thủ đô Hà Nội như rực rỡ hơn bởi sắc tím Bằng Lăng, màu đỏ chói ngời của phượng vĩ, màu vàng rực của hoa điệp chào đón hàng trăm Anh hùng, điển hình tiên tiến của mọi miền đất nước hội tụ về đây.

Hoà trong nụ cười, nước mắt hạnh phúc, xúc động của ngày hội tụ này là những tà áo dài, những trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu không chỉ của những điển hình tiên tiến đã nhiều lần được về Thủ đô, mà cả những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào của cô giáo lần đầu được đón nhận phần thưởng xứng đáng này, lần đầu tiên được đặt chân đến Thủ đô Hà Nội. 

img_9104-sua.jpg
Các nữ Anh hùng, điển hình tiêu biểu về dự Gặp mặt, giao lưu nữ Anh hùng, điển hình tiêu biểu do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức chiều 2/6.
Trong ảnh: Các đại biểu tham quan Báo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội

 

Chị Bàn Thị Chẩy, dân tộc Dao, Giáo viên trường Tiểu học Hợp Giang, TP Cao Bằng không giấu nổi xúc động, chia sẻ: Lần đầu tiên, tôi được tham gia một lễ kỷ niệm lớn thế này. Đây là một niềm vui, một phần thưởng, hạnh phúc lớn đối với đồng bào dân tộc Dao như tôi. Nhiều họ hàng, đồng nghiệp liên tục gọi điện hỏi xem Hà Nội đẹp không? Chụp nhiều ảnh về cho mọi người xem cùng với.

20180602_163118-1-sua.jpg
Chị Bàn Thị Chẩy là cá nhân tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng, chị vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2017

 

“Bản thân tôi đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong suốt 35 năm qua, nhưng tôi thấy mình vinh dự, may mắn hơn các đồng nghiệp khác, vì nhiều đồng nghiệp của tôi ở vùng cao cũng xứng đáng là tiêu biểu”  - đôi mắt và gương mặt lấp lánh niềm vui, chị Bàn Thị Chẩy chia sẻ.

Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc PaKô rất ấn tượng, gương mặt của chị Hồ Thị Vôi (tên thường gọi Căn Ling), xã A Túc, huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị vẫn thoáng nét mệt mỏi sau một chặng đường dài từ quê ra Hà Nội, chị Vôi vẫn cố gắng nở nụ cười tươi khoe: “Lần đầu tiên mình được đi dự Lễ kỷ niệm, mình vui lắm. Nếu không nhờ Nhà nước, nhờ Đảng, mình không bao giờ có đủ điều kiện để đến Thủ đô”.

Chị Vôi cho biết: “Vinh dự lớn lao này, nhưng công việc của mình thì bé nhỏ lắm. Mình chỉ ở nhà nhận nuôi 11 cháu mồ côi. Mình cũng khổ, cũng khó khăn vì có 4 đứa con rồi, nhưng vợ chồng mình vẫn muốn mang các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ về nuôi. Cả nhà mình giờ có 15 đứa con”. Chị Hồ Thị Vôi thật thà bộc bạch: “Mình mang các cháu về nuôi ăn học, chăm sóc các cháu. Mình không nghĩ được nhiều, chỉ mong các cháu được như đứa trẻ bình thường, được vui chơi, được đi học, được yêu thương, được sống hạnh phúc như các con đẻ của mình thôi”.

Với sư cô Thích nữ Trung Đạo, chùa Phổ Tịnh, xã Long Thới, Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cũng là lần đầu tiên được ra Thủ đô. Vẫn chưa hết mệt mỏi sau một chặng đường dài, nhưng với chất giọng nhẹ nhàng: “Tôi được đi thăm hồ Hoàn Kiếm, đi chợ Đồng Xuân, được giao lưu với nhiều chị em điển hình ở các tỉnh khác, tôi mới thấy nhiều người giỏi quá, nhiều chị em tài quá. Những việc làm của tôi như từ thiện, nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo, làm thuốc nam cứu người…. nhưng vẫn là những việc còn nhỏ bé lắm. Tôi sẽ về động viên các phật tử cùng cố gắng nhiều hơn nữa, thi đua làm nhiều việc tốt cho đời hơn nữa…”.

34200918_1955165914494146_7925574589499834368_n.jpg
Sư cô Thích nữ Trung Đạo dù làm rất nhiều việc thiện nhưng vẫn thấy cần phải làm thật nhiều việc tốt hơn nữa để hưởng ứng phong trào thi đua

 

Bà Võ Thị Hồng, 68 tuổi, ấp Bắc Chang, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cười móm mém: Tôi là điển hình nông dân được đi dự Lễ kỷ niệm. Lần này, có lẽ lần cuối ra Thủ đô, sức khoẻ kém, tuổi cũng cao rồi. Kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ kêu gọi Thi đua yêu nước, tôi cố gắng đi lần này. Tôi phấn khởi quá, ấn tượng nhất là lúc thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, được xem lại hình ảnh chị Võ Thị Thắng, rồi hình ảnh cô Ba Định, tôi cứ rưng rưng nước mắt, nhớ cô Ba Định nhiều lắm, thương chị Võ Thị Thắng nữa.

sua1.jpg
Bà Võ Thị Hồng là nông dân sản xuất giỏi, Anh hùng lao động năm 1986

Rất nhiều năm, bà Võ Thị Hồng vẫn giữ vững danh hiệu này. Khi có sức khỏe là hăng say lao động sản xuất. “Bác Hồ nói: Yêu nước là thi đua, mình làm gì cũng phải cố gắng, mình giữ truyền thống cách mạng của gia đình. Lao động, sản xuất, tiếp thu khoa học kỹ thuật, có năng suất, có lợi nhuận. Trước mắt là cho gia đình mình, sau là làm tròn trách nhiệm với Nhà nước. Bởi dân giàu, thì nước mới mạnh”.

Là một phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp, nhưng bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng nghẹn ngào: “Tôi được dự nhiều Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, nhưng mỗi lần được đi Đại hội lại mang đến cho tôi một cảm xúc riêng, một sắc thái riêng. Như sáng nay, tôi được dự buổi gặp mặt tại TP Hà Nội, tôi rất xúc động khi được xem lại những hình ảnh của bao nhiêu thế hệ ông cha ta đã thi đua yêu nước. Những thế hệ của tôi cũng được hiện thực hóa trên sân khấu, chúng tôi được sống lại những ngày tháng khó khăn, gian khổ nhất của đất nước. Tôi cảm nhận được, phong trào thi đua toàn quốc là hoạt động mà nếu chúng ta làm tốt, nếu chúng ta làm đúng, thì sẽ động viên được rất nhiều sức lao động của từng người”.

20180602_153503-sua.jpg
Bà Nguyễn Thị Hiền nhiều lần được dự Đại hội thi đua yêu nước vì những đóng góp xuất sắc cho ngành Giáo dục, đặc biệt là giáo dục ngoài công lập

 

“Tôi rất quan tâm đến thi đua, Như Bác Hồ nói: “Thi đua là yêu nước”, mỗi lần đi dự Đại hội Thi đua toàn quốc, tôi lại càng thấy trách nhiệm của mình đối với công việc, sự nghiệp của đất nước quan trọng hơn rất nhiều”, bà Hiền nói.

Bà Hiền khẳng định: “Tôi đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, đã được phong tặng công dân Thủ đô ưu tú, và danh hiệu Thi đua toàn quốc, nhưng tôi vẫn muốn nói đến gia đình. Tôi có làm gì chăng nữa, một ngày có vất vả vì công việc xã hội bao nhiêu chăng nữa, thì tối về, tôi vẫn phải giữ mái ấm gia đình. Gia đình tôi hiện vẫn sống 3 thế hệ trong cùng nhà. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là cả nhà sum họp ăn bữa cơm tối với gia đình, chuyện trò với con, cháu. Dù người phụ nữ ở cương vị nào chăng nữa, vẫn phải hướng tới gia đình. Đó mới là mái nhà lớn nhất cho mỗi chúng ta”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn