Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng và triển khai đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” với hoạt động thiết thực, mô hình hiệu quả để đồng hành với các ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ tại địa phương.
Tổ chức nhiều hoạt động khơi dậy tinh thần khởi nghiệp
Cụ thể, trong giai đoạn triển khai đề án, Hội đã hướng dẫn các cấp Hội phụ nữ tham mưu, xây dựng kế hoạch phù hợp từng địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng, hỗ trợ nâng cao kiến thức trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ.
Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc còn tổ chức nhiều hoạt động giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp của chị em như: diễn đàn “Phụ nữ khởi nghiệp, cơ hội và thách thức”, phát động Ngày Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo để các hội viên được giao lưu, giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong phát triển kinh doanh; phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn “Thúc đẩy kinh doanh mạng xã hội facebook”, đào tạo về khởi sự kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp và quản trị kinh doanh.
Các câu lạc bộ “Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp” cũng được thành lập tại một số nơi, điển hình là tại hai huyện: Tam Dương, Vĩnh Tường hỗ trợ chị em khởi nghiệp. Không chỉ cá nhân hội viên phụ nữ có mô hình khởi nghiệp thành công mà nhiều mô hình kinh doanh của các tổ phụ nữ cũng mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình tổ liên kết sản xuất bánh hòn Hợp Thịnh, huyện Tam Dương; Tổ liên kết sản xuất bún, bánh Hợp Lý, huyện Lập Thạch; Tổ phụ nữ liên kết trồng cây thanh long ruột đỏ tại xã Tân Lập, huyện Sông Lô…
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có hơn 500 ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên phụ nữ. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh lựa chọn được 200 ý tưởng để hướng dẫn xây dựng ý tưởng kinh doanh. Ngoài ra, Hội còn giúp đỡ hội viên tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng thông qua các kênh vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các chương trình, dự án liên quan đến việc triển khai đề án khởi nghiệp giúp hội viên vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
Một số mô hình khởi nghiệp tiêu biểu
Sau khi tham gia chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều chị em đã học được cách thay đổi tư duy khởi nghiệp, biết áp dụng nhiều mô hình hiện đại, sử dụng công nghệ vào kinh doanh để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo uy tín và mở rộng, kết nối khách hàng.
Tiêu biểu trong những mô hình khởi nghiệp là spa làm đẹp của chị Dương Thu Hoa (thành phố Phúc Yên, thành viên tiêu biểu của Câu lạc bộ “Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp” tỉnh Vĩnh Phúc). Từ mô hình làm đẹp của gia đình, chị Hoa đã đầu tư mở rộng chuỗi Spa chăm sóc sắc đẹp và kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm thiên nhiên dành cho phụ nữ mang thương hiệu Doanh Doanh Thương, là địa chỉ làm đẹp tin cậy của hàng trăm khách hàng tại Vĩnh Phúc, Hà Nội và cả người nước ngoài sống tại Việt Nam. Năm 2019, thương hiệu Spa Doanh Doanh Thương được vinh danh “Thương hiệu Việt được nhiều người tin dùng” do Đài VOV tổ chức. Ngoài doanh thủ tiền tỷ đạt được mỗi năm, chị Hoa còn tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập trung bình 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Bùi Thị Luận (xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mở cửa hàng bán đồ ăn vặt, nước giải khát để phục vụ người dân quanh vùng nhưng thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng sau khi tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp và quản trị kinh doanh do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức, chị đã khởi nghiệp bằng việc mở cửa hàng kinh doanh đồ uống. Để triển khai ý tưởng, chị Luận đã dành thời gian về Hà Nội học nghề pha chế; mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở cửa hàng kinh doanh cà phê, trà sữa và các loại đồ uống, đồ ăn nhanh.
Đến nay, “Coffee & Tea Hương Linh” đã trở thành điểm hẹn tin cậy của đông đảo thực khách trong và ngoài xã. Từ mô hình này, mỗi tháng, chị Luận thu nhập trung bình 20 triệu đồng/tháng, giải quyết việc làm cho từ 2-3 lao động địa phương. Không những thế, chị còn tham gia Câu lạc bộ “Vườn ươm phụ nữ khởi nghiệp” huyện Vĩnh Tường, tận tình giúp đỡ, truyền dạy kinh nghiệm cho những phụ nữ khác khởi nghiệp thành công. Chị Luận tâm sự: “Có được thành công như vậy không chỉ bởi lòng đam mê mà một phần nhờ tham gia các lớp tập huấn khởi nghiệp do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức, tôi đã học được cách đánh giá tiềm năng thị trường, tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dân, có kiến thức về quảng cáo sản phẩm, chăm sóc khách hàng cũng như cách bài trí, cung cách phục vụ để tạo ấn tượng, xây dựng hình ảnh riêng cho cửa hàng.”