Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và thấu hiểu nỗi lo của người dân xa quê khi sống trong những ngày dịch bùng phát ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, ngay sau khi Chính phủ cho phép, tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương xây dựng kế hoạch và phương án để đón công dân đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh phía Nam trở về địa phương một cách cụ thể, kỹ lưỡng.
Chiều 30/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức đón 181 công dân của tỉnh đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bình Dương và TP Hồ Chí Minh có nguyện vọng trở về địa phương.
Đón đoàn tại khu cách ly tập trung, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết: Vĩnh Phúc sẵn sàng đón tiếp toàn bộ công dân về quê nhưng phải đón ngay từ sân bay để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho cộng đồng. Đồng thời sẽ bố trí nơi ăn ở, cách ly an toàn cho bà con. Tuy nhiên, các công dân trở về phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, của UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Đặc biệt, khi có nhu cầu về địa phương, công dân cần liên hệ với gia đình hoặc gọi trực tiếp đến số điện thoại đường dây nóng các huyện, thành phố để được cơ quan chuyên môn của tỉnh đưa đón chu đáo, chăm sóc an toàn khi trở về quê hương; phải được xét nghiệm và cách ly theo đúng quy định trước khi về nhà.
Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các công dân Vĩnh Phúc trước khi lên máy bay đều được thực hiện xét nghiệm sàng lọc Covid-19. Trước khi máy bay hạ cánh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp với nhân viên của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiến hành phân luồng ngay tại sân bay.
Căn cứ kết quả khai báo y tế của công dân, lực lượng tiếp đón đã chủ động phân loại tình trạng sức khỏe để sắp xếp chỗ ngồi trên xe phù hợp đưa về khu cách ly tập trung; bố trí cán bộ y tế đi cùng để theo dõi, chăm sóc sức khỏe và hướng dẫn công dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, những công dân được đón về quê lần này là các trường hợp ưu tiên gồm: trẻ em dưới 16 tuổi và cha, mẹ hoặc người giám hộ; công dân từ 60 tuổi trở lên; phụ nữ đang mang thai; phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; người có hoàn cảnh khó khăn. Tỉnh sẽ cố gắng hết sức tạo điều kiện chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong việc ăn, ở, kết nối thông tin liên lạc với người thân; đồng thời, lực lượng y tế sẽ hỗ trợ trong việc xét nghiệm, y tế.
Mọi chi phí từ vé máy bay, phương tiện đi lại và chi phí sinh hoạt, ăn ở trong thời gian thực hiện cách ly tập trung đều được tỉnh hỗ trợ. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục bố trí 7 chuyến bay đón khoảng 1.400 công dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương.
Khi trở về Vĩnh Phúc, tất cả công dân sẽ tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 nhằm kịp thời phát hiện nếu có trường hợp dương tính với Covid-19, nhanh chóng cách ly để ngăn chặn, khoanh vùng và xử lý các ổ dịch trong thời gian ngắn nhất. Đặc biệt, trong thời gian cách ly, công dân sẽ được xét nghiệm 6 lần với mục đích sàng lọc cao nhất và bảo vệ sức khỏe cho công dân, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, hướng tới mục tiêu xây dựng "vùng xanh" trong phòng, chống dịch Covid-19.
Sẵn sàng tiếp nhận, đón tiếp ân cần, chu đáo; bố trí nơi ăn ở, cách ly được đảm bảo an toàn cho công dân Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc, công tác và học tập tại các tỉnh, thành phố về địa phương là chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Phúc, trong 1 tháng qua, tỉnh đã đón hơn 2.700 công dân từ TPHCM và các đia phương trở về, trong đó có hơn 1.100 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Thời điểm hiện tại, các công dân muốn vào địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phải tuân thủ quy định: có phiếu xét nghiệm âm tính hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 tiếng trước khi vào tỉnh.
Để kiểm soát người, phương tiện ra vào tỉnh tại các chốt, lực lượng Công an đã lập 9 chốt kiểm soát, phòng dịch cấp tỉnh và 24 chốt kiểm soát cấp huyện trên các tuyến đường trọng yếu dẫn vào địa bàn tỉnh. Tính đến chiều ngày 5/10, lực lượng đã chủ trì kiểm tra 21.046 lượt phương tiện, 25.815 lượt người; yêu cầu quay trở lại địa phương 213 phương tiện không đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch; cho vào địa bàn tỉnh đối với 19.251 người có phiếu xét nghiệm âm tính hoặc test nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 72 tiếng trước khi vào tỉnh; hướng dẫn khai báo y tế điện tử 7.019 lượt người, chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh; tiếp nhận 6.387 tờ khai của công dân trên phần mềm quản lý di biến động của người ra vào vùng dịch.
Thực hiện "mục tiêu kép" tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nguồn lực để tập trung chống dịch, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có các cấp Hội phụ nữ luôn chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Đồng thời, tỉnh cũng tiếp tục triển khai biện pháp thiết thực, hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch.
Tại phiên họp Chính phủ ngày 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các địa phương một số nội dung liên quan tới việc người dân trở về quê sau khi nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn. Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân ở lại, đồng thời triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vaccine, quan tâm giải quyết việc làm cho bà con…
Với những người thực sự cần trở về, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết.
Thủ tướng cũng biểu dương và đề nghị các địa phương tham khảo một số bài học kinh nghiệm tốt như Vĩnh Phúc đã đón hơn 20.000 người dân trở về bảo đảm an toàn, Tiền Giang đón người trở về theo hướng phân cấp, phân tán xuống từng xã, huyện để tránh quá tải, vận dụng quan điểm lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn