Virus nhân tạo dễ gây đại họa nếu rơi vào tay kẻ xấu

20:20 | 02/05/2020;
"Với sự phát triển khoa học hiện đại ngày nay thì việc tạo ra một con virus nhân tạo giống như nCoV là một chuyện nằm trong lòng bàn tay của các nhà khoa học. Việc tạo virus sẽ giúp con người làm chủ tự nhiên, nhưng cũng dấy lên những nỗi lo nếu rơi vào tay kẻ xấu".

Kể từ khi khởi phát dịch bệnh COVID-19, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia về nguồn gốc của loại virus này. Theo đó, nhiều người đặt câu hỏi về "nguồn gốc của virus nCoV đến từ đâu? tự nhiên hay nhân tạo". Thậm chí, đã có nhiều cáo buộc về nguồn gốc của virus này đến từ các phòng thí nghiệm về virus ở Vũ Hán (Trung Quốc). Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào thực sự rõ ràng và thuyết phục để chứng minh điều này. Các bằng chứng mới chắc vẫn đang tiếp tục được tìm tòi bởi các tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Với sự phát triển khoa học hiện đại ngày nay thì việc tạo ra một con virus nhân tạo giống như nCoV là một chuyện nằm trong lòng bàn tay của các nhà khoa học. 

PNVN giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA) về vấn đề này.

Con người luôn có tham vọng làm chủ tự nhiên, thậm chí tái tạo sự sống. Năm 1828, Friedrich Wöhler đã tổng hợp urê (urea, một chất hữu cơ) từ các nguồn vô cơ trong phòng thí nghiệm đã khiến nhiều người sửng sốt và giáng một đòn nặng nề vào học thuyết của sự sống (doctrine of vitalism).

Nỗi lo virus nhân tạo - Ảnh 1.

Virus Corona chủng mới gây bệnh viêm phổi cấp đang khiến các nhà khoa học tranh cãi

Đến năm 1869, khi vật chất di truyền cơ bản của sinh vật sống là DNA được tìm ra, thì các nghiên cứu liên quan đến chúng bùng nổ và phát triển một cách nhanh chóng để tìm hiểu vạn vật trên trái đất một cách tỉ mỉ hơn. Trong đó, các nghiên cứu về "tổng hợp DNA" và "dịch mã bộ gene" đã đem đến cho các nhà khoa học các thông tin rất chi tiết về sinh vật. Tốc độ nhanh, giá thành rẻ của việc tổng hợp nhân tạo vật chất di truyền DNA và việc hiểu rõ chức năng của từng gene đã phần nào hiện thực hóa tham vọng "tái tạo sinh vật" mà không cần đến tự nhiên của con người.

Năm 2002, một nhóm nghiên cứu ở New York đã làm nhân loại sửng sốt khi họ lần đầu tiên chứng minh khả năng tổng hợp một virus hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm. Đó là virus Polio, tác nhân gây bệnh bại liệt, nỗi lo sợ của con người trong quá khứ. Nghiên cứu này đã mở ra những cơ hội mới cho con người nghiên cứu về virus, cũng như chủ động thiết kế các vaccine để phòng ngừa chúng.

Tuy nhiên, qua đó cũng dấy lên nỗi lo sợ về sự an toàn "nếu như ai đó" sử dụng chúng sai mục đích. Vài ngày sau khi công bố công trình nghiên cứu tổng hợp nhân tạo virus Polio, đã có những bình luận gay gắt từ một số nhà khoa học và chính trị gia trên thế giới về vấn đề an toàn sinh học, chiến tranh sinh học và bảo mật công nghệ nguy hiểm. Do vậy, vào tháng 10 năm 2003, một Ủy ban về các tiêu chuẩn và thực tiễn nghiên cứu để ngăn chặn ứng dụng hủy diệt của công nghệ sinh học (Hội đồng nghiên cứu quốc gia Hoa Kỳ) đã đề xuất một hệ thống cho các nhà khoa học sàng lọc những nghiên cứu có khả năng gây hại cho an ninh quốc gia, từ đó quản lý chặt chẽ hơn các nghiên cứu có nhiều nguy cơ.

 Từ sau thành công tổng hợp nhân tạo virus Polio thì một loạt các nghiên cứu khác cũng cho thấy thành công trong việc tái tạo các virus trong phòng thí nghiệm. Ví như virus cúm gây đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 (Spanish flu), virus HIV của khỉ và cả virus Corona của dơi,… Tất cả điều này cho thấy rằng, trong thời đại ngày nay, con người đang sở hữu những kiến thức và công cụ khoa học kỹ thuật rất tiên tiến. Khoa học kỹ thuật có thể giúp con người "có vẻ làm chủ" tự nhiên hơn nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi tạo đại họa cho nhân loại nếu rơi vào tay những "người xấu". Do vậy, việc quản lý chặt chẽ các nghiên cứu có tiềm ẩn nguy cơ cần được thực hiện rất nghiêm ngặt và các tiêu chuẩn đạo đức (ethical) nghiên cứu sinh học phải được chấp nhận trên toàn cầu, chứ không phải chỉ ở một vài nước!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn