Kết thúc phiên giao dịch hôm nay (2/7), VN-Index hồi phục với 15,23 điểm, áp sát mốc 1.270 điểm tại 1.268,79 điểm, tăng tương đương 1,21%. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp chỉ số tăng tích cực, trước đó vào phiên đầu tuần hôm qua, VN-Index đã tăng 9,24 điểm (+0,74%).
Mặc dù vậy, khối lượng và giá trị giao dịch vẫn khá khiêm tốn với 526,8 triệu cổ phiếu được trao tay, tương đương với thanh khoản gần 14.000 tỷ đồng, bằng 65% mức thanh khoản trung bình 20 phiên.
Độ rộng thị trường nghiêng về xu hướng mua vào với 296 mã tăng, 109 mã giảm, 77 mã đi ngang, trong đó, 21/24 ngành đều giữ được sắc xanh.
Điển hình là ngân hàng với chỉ số tăng là 2,02%, nổi bật với các mã: HDB (HDBank, HOSE) tăng 4,33%, SHB (SHB, HOSE) tăng 1,29%, MSB (MSB, HOSE) tăng 1,38%… Đây cũng là nhóm có nhiều cổ phiếu góp mặt trong top cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất tới chỉ số.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán (+1,18%) và bất động sản (+1,05%) cũng lần lượt tăng mạnh nhất trong các nhóm ngành phiên hôm nay.
Kết quả phiên hôm nay đánh dấu sự trở lại của nhóm cổ phiếu "vua", lần lượt tăng mạnh dẫn dắt thị trường phục hồi hơn 15 điểm. Riêng nhóm VN30, có tới 26 mã tăng và chỉ 4 mã giảm.
Top 3 dẫn đầu là nhóm ngân hàng với LPB (LPBank, HOSE) tăng mạnh 6,09%, đóng góp cho chỉ số 0,19%; HDB (HDBank, HOSE) tăng 4,33%, đóng góp 0,1% và VCB (Vietcombank, HOSE) tăng 2,44%, đóng góp 0,06%... Kế tiếp là loạt cổ phiếu ngân hàng khác: TCB (Techcombank, HOSE), ACB (ACB, HOSE), EIB (Eximbank, HOSE)...
Ngoài nhóm ngân hàng, còn là sự góp mặt của các mã blue-chips khác: HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), SSI (Chứng khoán SSI, HOSE), NLG (Đầu tư Nam Long, HOSE)...
Era Blue là liên doanh của MWG với Erafone (công ty con của Tập đoàn Erajaya. Đây là chuỗi được xây dựng theo dạng cửa hàng chuyên bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng tại Indonesia.
Cổ phiếu MWG (Thế giới di động, HOSE) thu hút sự chú ý của giới đầu tư hôm nay khi mới đây, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT Thế giới Di động đã tiết lộ, Era Blue đã có tháng thứ 3 liên tiếp "mang tiền về cho mẹ" và chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng từ 60 lên 500 cửa hàng vào năm 2027. Như vậy, sau Bách Hóa Xanh, thêm một mảng nữa thu lãi về cho MWG.
Nhờ vậy, MWG duy trì đà tăng mạnh 2 phiên liên tiếp, cải thiện 5,75% thị giá, tại 66.000 đồng/cp.
Khối ngoại cũng ghi nhận xu hướng tích cực khi lượng bán ròng đã giảm khá tốt so với mức cao điểm trước đây là hơn 200 tỷ đồng, chỉ còn bán gần 50 tỷ đồng.
Thay vào đó là động thái mua trở lại, điển hình là với "tân binh" mới lên sàn ngày 1/7/2024, DSE (Chứng khoán DNSE, HOSE) được mua mạnh nhất với 191 tỷ đồng. Kế tiếp là FPT (FPT, HOSE) là 46 tỷ đồng, NLG (Đầu tư Nam Long, HOSE) là 49 tỷ đồng…Điều này giúp thị trường có đà tăng dễ dàng hơn.
Đánh giá về diễn biến này, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, thị trường cho thấy đà hồi phục trở lại, song, lượng thanh khoản vẫn còn yếu, chủ yếu đến từ áp lực bán ròng của khối ngoại giảm. Do vậy, xu hướng hồi phục vẫn là ngắn hạn. Thị trường đang chờ thêm các tín hiệu, cơ sở để "vững hơn" cho đà tăng dài hạn, mức độ phân hóa sẽ rõ nét hơn, nhưng biên độ giảm chỉ số cho thời gian tới có thể sẽ không còn sâu nữa.
Nhà đầu tư có thể tận dụng thời gian này để giải ngân, cần cân nhắc và quyết định giao dịch thận trọng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn