cổ phiếu VNZ giảm 35.000 đồng/cp chỉ sau 1 phiên
Ghi nhận vào phiên hôm nay (6/9), cổ phiếu VNZ (UPCoM) của CTCP VNG giảm mạnh gần 10% thị giá.
Xu hướng tiêu cực bắt đầu đà tăng mạnh vào phiên chiều, thậm chí có thời điểm, cổ phiếu VNZ "rơi tự do", chạm mức giá thấp nhất lịch sử tại 437.800 đồng/cp.
Kết phiên, VNZ đạt thị giá 480.000 đồng/cp, giảm 35.000 đồng (giảm tương đương 6,8%), vốn hóa còn 13.774 tỷ đồng. Thanh khoản tăng vọt với tổng 15.100 cổ phiếu được "sang tay".
Cổ phiếu VNZ từng gây ấn tượng với đà tăng trưởng không tưởng vào năm 2023, trở thành cổ phiếu đắt nhất sàn chứng khoán khi vượt thị giá hơn 1,5 triệu đồng/cp bằng chuỗi ngày liên tục tăng trần.
Song, VNZ nhanh chóng lao dốc, đánh mất mốc 1 triệu đồng/cp, giảm 45% giá trị về quanh ngưỡng 800.000 đồng/cp vào giữa tháng 9 năm ngoái. Từ đầu năm 2024 tới nay, VNZ chủ yếu giao dịch trong khoảng 500.000 – 680.000 đồng/cp.
Như vậy, so với mức giá lập đỉnh, cổ phiếu VNZ hiện tại đã "bốc hơi" 68% giá trị.
Liên quan đến hoạt động tại thị trường chứng khoán, vào tháng 8/2023, giới đầu tư từng xôn xao về tin tức VNG nộp hồ sơ xin phép phát hành cổ phiếu ra công chúng trên NASDAQ dù chỉ mới niêm yết tại sàn UPCoM từ đầu năm 2023. Song, chỉ vài tháng sau, VNG đã rút hồ sơ lại sau khi thấy các nhà đầu tư Mỹ không mấy mặn mà và sự đi xuống của thị trường công nghệ.
Mới đây, vào đầu tháng 8 vừa qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với VNG, tổng số tiền phạt lên đến 157,5 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty đã có vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể là VNG đã không công bố thông tin phải công bố theo quy định pháp luật định các tài liệu liên quan đến việc thế chấp tài sản của công ty để đảm bảo nghĩa vụ nợ của CTCP Công nghệ Big V, một cổ đông lớn và bên liên quan; công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định trên Hệ thống của UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và của công ty đối với: Báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2023 (đã kiểm toán); Báo cáo thường niên năm 2023.
Về tình hình kinh doanh, sau 6 tháng đầu năm, VNG thu về 4.314 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi thuận gộp từ bán hàng và dịch vụ đạt 1.511 tỷ đồng.
Song, sau khi trừ các khoản chi phí: tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp,… VNG vẫn không thể "thoát lỗ" với âm 585,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù vậy, ở góc độ tích cực, khoản lỗ 6 tháng năm nay đã có sự cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái là lỗ 1.205 tỷ đồng.
Với kết quả này, VNG mới hoàn thành được 39% doanh thu và 0% lợi nhuận sau thuế theo kế hoạch đề ra năm 2024.
Được biết, trạng thái "lỗ" đã được duy trì liên tiếp qua nhiều năm gần đây, kể từ 2021 tới nay.
Đáng chú ý, dù lỗ, VNG vẫn dồn tiền vào các dự án, chủ yếu là các phần mềm trò chơi đang hoàn thiện, nhiều khoản đầu tư dành cho các công ty con, công ty liên kết. Trong đó, VNG đã đầu tư thêm 1.777 tỷ đồng vào CTCP Zion (sở hữu ZaloPay), nâng tổng số tiền đầu tư tại đây lên gần 5.142 tỷ đồng.
VNG được biết tới là Công ty Công nghệ và Internet hàng đầu Việt Nam, nổi bật với ứng dụng Zalo. Tính đến hết tháng 6/2024, Zalo tiếp tục ghi nhận 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước và 1,8 tỷ tin nhắn gửi đi mỗi ngày, tăng 7% so với cùng kỳ.
Zalopay tăng trưởng 42% về tổng khối lượng thanh toán, tối ưu hóa chi phí marketing từ đó doanh thu từ dịch vụ tài chính 6 tháng đầu năm nay tăng trưởng 190% so với cùng kỳ.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc VNG nêu, 6 tháng cuối năm sẽ là thách thức rất lớn cho đội ngũ VNG khi phải cùng lúc cân bằng mục tiêu về tài chính với mục tiêu tăng trưởng doanh nghiệp. Dù vậy, chúng tôi tin rằng, với năng lực, kinh nghiệm và sự quyết tâm, đội ngũ VNG sẽ tiếp tục chinh phục thử thách cho một năm VNG 20 tuổi thật đáng nhớ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn