Đây là thông tin vừa được Viện nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á thuộc Hakuhodo (Hill ASEAN) đưa ra tại diễn đàn ASEAN Sei-katsu-sha với chủ đề “Góc nhìn mới về bình đẳng giới trong gia đình: Ai là người nắm quyền?”, tổ chức vào ngày 4/5 tại TP.HCM.
Tại diễn đàn, Viện nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á, chi nhánh Việt Nam đã công bố kết quả nghiên cứu về sei-katsu-sha Việt Nam (thuật ngữ riêng mô tả con người ở góc độ toàn diện). Nghiên cứu được thực hiện bằng khảo sát qua mạng và phỏng vấn trực tiếp các cặp vợ chồng ở các thành phố lớn ở Việt Nam như Hà Nội, TPHCM.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện tại nhóm gia đình người Việt mà người chồng ra ngoài làm việc, người vợ ở nhà chăm lo việc nhà và con cái chỉ chiếm 25%. Trong khi đó, nhóm gia đình mà cả hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà và trách nhiệm nuôi dạy con cái chiếm đa số, với 74%. Nhóm gia đình chuyển đổi, trong đó người vợ ra ngoài làm việc và người chồng đảm nhận việc nhà và nuôi dạy con cái chỉ chiếm 1%.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng, trong 3 nhóm gia đình trên thì nhóm gia đình mà cả hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà và trách nhiệm nuôi dạy con cái sẽ hạnh phúc hơn so với hai nhóm gia đình còn lại.
Khi chia sẻ công việc gia đình thì người chồng sẽ thấu hiểu được những khó khăn, áp lực mà người vợ phải chịu đựng. Sự chia sẻ ở đây không chỉ đơn thuần là chia sẻ công việc nhà mà còn chia sẻ với nhau mặt cảm xúc, nghĩa là phải tâm sự với nhau những vui buồn trong công việc, cuộc sống. Song, những chia sẻ này không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn phải bằng những hành động cụ thể.
Nghiên cứu cũng cho thấy có sự khác nhau trong quyết định mua hàng của các cặp vợ chồng tại Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận là thông thường, người chồng sẽ quyết định trong việc mua các mặt hàng có giá trị như nhà, xe hơi, tủ lạnh... còn người vợ sẽ quyết định trong việc mua các đồ dùng thường ngày.
Trong đó, quyết định mua hàng của người vợ thường bị ảnh hưởng bị 4 yếu tố. Thứ nhất là những hình ảnh cụ thể liên quan đến mặt kỹ thuật của mặt hàng. Thứ hai là lợi ích của mặt hàng. Thứ ba là tính tiết kiệm (thời gian, tiền bạc) và cuối cùng là tính giải quyết vấn đề của sản phẩm.
Đại diện Viện nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á, chi nhánh Việt Nam cho biết, thông qua kết quả nghiên cứu này, họ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin về người tiêu dùng. Từ đó có được chiến lược marketing phù hợp nhằm vào từng cặp đối tượng thay vì từng đối tượng người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò của cả người chồng và người vợ ngay tại điểm bán hàng.