18 năm trước, ông Trịnh Như Quỳnh (58 tuổi, quê Bắc Ninh) vẫn không thể quên ngày cuộc đời ông nhận "bản án" ung thư phổi. Nhưng vợ ông, bà Chu Thị An (57 tuổi) vẫn đồng hành cùng chồng, trải qua những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời.
Bà An gặp ông Quỳnh vào năm 1991, trong một lần ông theo anh trai bà về quê Bắc Giang chơi. Trong mắt cô thôn nữ ngày ấy, ông là một chàng thư sinh dáng dấp nhỏ bé, chỉ nặng 44kg. Song bà khâm phục và nể ông Quỳnh bởi còn trẻ nhưng ông đã làm thông dịch viên trong một tổ chức phi chính phủ của Ý, biết 3 thứ tiếng.
Ông Quỳnh từng làm phiên dịch, thông thạo 3 thứ tiếng
Ngược lại ông Quỳnh cũng rất cảm mến sự hoạt bát, nhanh nhẹn và nụ cười của cô thiếu nữ ngay từ lần gặp đầu tiên. Ông đem theo sự thương nhớ về thành phố, lòng mong ngóng ngày gặp lại.
"Chinh phục bà cũng gian nan lắm vì ban đầu gia đình nghĩ tôi bé nhỏ quá, không thể che chở cho bà. Nhưng vì Bắc Ninh, Bắc Giang cũng gần, tôi cứ đi xe bus, lân la về nói chuyện với bà ngoại của An.
An lúc đó học bác sĩ, vừa mới tốt nghiệp. Trong gia đình tiếp xúc cũng có trên có dưới, tôi ấn tượng, cảm mến", ông Quỳnh nhớ lại.
Ngày tháng qua đi, ông Quỳnh viết cả một tập thơ tình, để ở phòng bà An. Những lá thư chan chứa nỗi nhớ, tình cảm yêu thương khó có thể giãi bày. Ông Quỳnh thấu hiểu nỗi lo lắng của bà An khi vừa tốt nghiệp. Ông đi khắp nơi xin việc cho bà, xong xuôi mới đưa bố mẹ xuống nhà xin hỏi cưới.
"Lần đầu tiên hôn, ông không chủ động đâu, tự kéo vào xong hôn một cái. Sau hôm đó về bâng khuâng, ông viết cho tôi một lá thư về nụ hôn đầu đời vì ông chưa yêu ai bao giờ. Tôi hạnh phúc, cảm thấy may mắn khi gặp người toàn tâm toàn ý dành tình yêu trong sáng cho mình", bà An kể về những kỷ niệm đẹp.
Thời điểm mới kết hôn năm, kinh tế hai ông bà khó khăn vì đồng lương ít ỏi. Là bác sỹ mới ra trường, bà An khi đó nhận 76.000 VNĐ tiền lương 1 tháng. Khi con đầu được hơn 1 tháng tuổi, 2 vợ chồng dọn ra ở riêng, chi phi trang trải cuộc sống lại thêm một gánh nặng.
Đến năm 2004, khi con lớn được 11 tuổi, con nhỏ được 4 tuổi, bà An nhận tin "sét đánh ngang tai" về bệnh tình của chồng.
"Tôi là bác sỹ nên cũng hiểu, bệnh ung thư phổi rất nặng nề, khó vượt qua được. Tôi đưa chồng đi hết viện này đến viện khác, các con ở nhà chăm nhau. Sau khi mổ cắt 2 thùy phổi, truyền hóa chất 6 lần, tia xạ 36 mũi, được 3 tháng thì di căn vào não.
Mắt chồng lồi ra, lúc đó chỉ có 27kg thôi, chắc chắn sẽ không sống được. Lúc đó chuẩn bị đưa sang BV Xanh Pôn để dẫn lưu não thất. Lúc đó, thầy tôi nói với tôi rằng nên cho chồng về, cho ăn gì ăn thoải mái, ông không sống tính theo tháng nữa đâu mà chỉ theo ngày thôi", bà An nghẹn ngào.
Kinh tế gia đình bà An lại càng thêm khốn khó vì mọi tài sản đều đổ dồn chữa trị bệnh ung thư cho chồng. Trong những giây phút tuyệt vọng nhất, ông Quỳnh đau đớn khi nhìn vợ con phải khổ sở trăm bề vì mình. Ông vừa điều trị, thi thoảng ông dịch thêm tài liệu để trả tiền viện phí.
Chuyện tình 30 năm của đôi vợ chồng khiến nhiều người ngưỡng mộ
Tuy nhiên, khi truyền hóa chất đến lần thứ 5, sức khỏe ông Quỳnh lại càng yếu. "Một ngày chồng tôi đi ngoài 40 lần, nôn ra máu. Nhưng tôi tin sẽ có phép màu nhiệm nếu mình có niềm tin. Tôi bảo, anh cố lên, anh nhất định phải sống", người vợ hiền hàng đêm niệm Phật, cầu nguyện mỗi ngày cho chồng.
Điều kỳ diệu xảy ra, khoảng thời gian sau đó, bệnh tình ông Quỳnh bỗng tiến triển khá hơn. Mỗi tháng, hai ông bà lại đi khám định kỳ một lần. Năm 2010, bác sĩ thông báo khối u đã hết, ông Quỳnh đã hoàn toàn khỏe mạnh. Sự thay đổi lớn khiến bà An và mọi người đến giờ vẫn khó có thể tin. Bà gọi đó là "kỳ tích".
Trải qua những giây phút ở lằn ranh sinh tử, ông Quỳnh lại càng thêm thấu hiểu, trân trọng tình nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình. Cho đến bây giờ, câu chuyện tình yêu trải qua gần 30 năm của ông Quỳnh - bà An vẫn khiến người thân, bạn bè ngưỡng mộ, cảm phục. Ông chăm chỉ, cần mẫn kiếm tiền cho gia đình. Còn bà An tần tảo, cố gắng vun vén cuộc sống.
Bà chăm sóc ông cẩn thận, từng bữa ăn giấc ngủ: "Trưa tôi vẫn tranh thủ từ chỗ làm về nấu cơm cho ông. Đi công tác thì tôi gửi ông nhà hàng xóm. Bữa cơm tôi vẫn gỡ gà, gỡ cá cho ông và 2 con.
Tôi vẫn luôn dặn con: Tình cảm vợ chồng gắn bó cả cuộc đời, không dễ dàng gì nay lấy, mai bỏ. Vợ chồng có duyên nhưng phải có nợ. Mọi người vẫn bảo tôi, sao phải chịu đựng quá mức như thế, nhưng với tôi, chăm sóc chồng con vẫn là một niềm hạnh phúc".
Hiện hai con gái bà An đều đã khôn lớn. Người con gái lớn giờ đã có cuộc sống riêng, bé út hiện đang là sinh viên trường Đại học Hà Nội. Trải qua thăng trầm, hai ông bà càng thêm trân quý những giây phút bình an, thấy các con trưởng thành, ngoan ngoãn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn